BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-BCA-V11 | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 03/01/2012 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2012 TRONG LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 trong lực lượng Công an nhân dân; trên cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 05/CTr-BCA ngày 17/3/2011 của Bộ Công an về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; Chương trình số 09/CTr-BCA ngày 25/5/2011 của Bộ Công an triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2010-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chương trình công tác Công an năm 2012, lãnh đạo Bộ yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ công tác sau:
1. Tổ chức tốt công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo những tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực, nhất là những tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế đối với nước ta; sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn có liên quan an ninh và lợi ích của Việt Nam. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch. Chủ động nắm tình hình, tham mưu, đề xuất, phối hợp và triển khai công tác an ninh, trật tự đảm bảo thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 86-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác lãnh đạo bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới”. Tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh quốc gia; 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Tăng cường tham mưu, đề xuất, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đảm bảo an ninh chính trị nội bộ. Tập trung đảm bảo an ninh thông tin, hạn chế lộ, lọt bí mật nhà nước. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trong và ngoài nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
3. Chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, kế hoạch về công tác công an đảm bảo an ninh kinh tế nói chung, an ninh tài chính, tiền tệ nói riêng, đặc biệt phải nắm chắc tình hình về những diễn biến xấu của nền kinh tế, tình trạng phá sản của các doanh nghiệp có dư nợ ngân hàng lớn để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có giải pháp xử lý.
Tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành có liên quan giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng lao động và quyền lợi của người lao động trong việc xử lý các vụ đình công, lãn công; đồng thời, đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng kích động công nhân đình công, lãn công của các thế lực thù địch.
4. Tăng cường lực lượng, biện pháp đảm bảo an ninh các vùng chiến lược, các thành phố lớn, các địa bàn trọng điểm về an ninh quốc gia. Tiếp tục thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại các vùng chiến lược: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ...
Tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người, nhất là những vụ việc liên quan đến dân tộc, tôn giáo theo đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương, không để lây lan kéo dài, không để hình thành “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự.
5. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và 03 Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, đúng pháp luật các loại tội phạm, nhất là các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng “vũ khí nóng”, tội phạm về ma túy; tội phạm cướp tài sản, giết người, chống người thi hành công vụ; tội phạm là người nước ngoài; tội phạm môi trường; tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tăng cường công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư, quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, sản xuất hàng giả; tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án mà dư luận quan tâm, chú ý làm rõ và xử lý nghiêm sự móc nối của bọn tội phạm bên ngoài với số cán bộ thoái hóa, biến chất trong nội bộ. Chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng các cấp làm tốt công tác phòng ngừa, hạn chế các yếu tố nảy sinh hành vi tham nhũng; đồng thời phát hiện, đấu tranh với các đối tượng lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng sơ hở của chính sách và hệ thống pháp luật để tham nhũng.
Ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là buôn lậu xăng, dầu, khoáng sản, vàng, ngoại tệ qua biên giới... Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý thị trường; phát hiện kịp thời và đấu tranh với hoạt động tung tin thất thiệt hoặc lợi dụng các biến động tiêu cực trên thị trường để đầu cơ, nâng giá các mặt hàng thiết yếu. Phát hiện, xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh vàng, thu đổi ngoại tệ, cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen” trái pháp luật...Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
6. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành và các địa phương thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; thực hiện “Năm an toàn giao thông”, góp phần làm giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông; giảm 20% số vụ ùn tắc giao thông (nhất là tại địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) so với năm trước; ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép. Tăng cường công tác quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công tác phòng, chống cháy nổ.
7. Hoàn thành việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Tiếp tục cụ thể hóa các biện pháp công tác của lực lượng Công an nhân dân đã được nêu trong Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình, nội dung cải cách tư pháp trong Công an nhân dân theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tổ chức tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 và các văn bản hướng dẫn; xây dựng dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện tốt Luật Tương trợ tư pháp. Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc Luật thi hành án hình sự; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế với các cơ quan An ninh, Tình báo, Cảnh sát các nước và các cơ quan thực thi pháp luật có quan hệ với Việt Nam. Đề xuất các chương trình, đề án hợp tác quốc tế để đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống, khủng hoảng kinh tế, tài chính, phòng chống khủng bố, phòng chống tội phạm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia... Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp triển khai chủ trương, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tham mưu với Đảng, Chính phủ có chủ trương, chính sách và phương sách ứng xử phù hợp trong quan hệ kinh tế với các nước trên cơ sở đảm bảo an ninh, trật tự của đất nước.
Phối hợp với Thanh tra Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa; xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy định bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Luật khiếu nại, Luật tố cáo. Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, trọng tâm là Đề án 30 của Chính phủ về cải cách hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an và Đề án 301 về cải cách thủ tục hành chính trong lực lượng Công an nhân dân.
8. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09 ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Đổi mới nội dung, hình thức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với đặc điểm vùng, miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn cụ thể; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành và toàn dân. Quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn liền với nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân. Củng cố thế trận an ninh nhân dân ở các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, vùng tập trung đồng bào dân tộc ít người, vùng tập trung đồng bào theo tôn giáo... Củng cố, kiện toàn lực lượng Công an xã về mọi mặt.
9. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 02/CT-BCA ngày 10/02/2012 của Bộ Công an về công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2012 trong Công an nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế huy động tiềm lực phát triển hậu cần, kỹ thuật; tiêu chuẩn định mức, quy hoạch, kế hoạch về hậu cần - kỹ thuật để thực hiện thống nhất. Tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư; tổ chức rà soát sắp xếp lại các dự án theo thứ tự ưu tiên và phù hợp với khả năng ngân sách; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và chống thất thoát, lãng phí. Phát động phong trào tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài sản công; giảm hội họp, dành thời gian chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc tại đơn vị cơ sở; phấn đấu giảm mức chi tiêu công theo yêu cầu của Chính phủ.
10. Tổ chức thực hiện
Trên cơ sở nội dung Chỉ thị này, các Tổng cục, Bộ tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố, các Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch công tác cụ thể và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hằng tháng, quý và đề xuất các giải pháp, gửi Văn phòng Bộ trước ngày 15 hằng tháng. Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện 1 năm báo cáo lãnh đạo Bộ (qua Văn phòng Bộ) trước ngày 15/11/2012 để tập hợp báo cáo Chính phủ.
Văn phòng Bộ giúp lãnh đạo Bộ theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.