ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2008/CT-UBND | Pleiku, ngày 22 tháng 02 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, NÂNG CAO Ý THỨC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ( khoá IX) và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò của pháp luật và công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong quản lý, chỉ đạo, điều hành ở địa phương. Chính quyền các cấp đều xây dựng được kế hoạch, hướng dẫn nội dung phổ biến pháp luật, theo chủ đề, có trọng điểm, phù hợp từng nhóm đối tượng với hình thức phong phú, thiết thực. Từ đó, đã bước đầu tạo sự thay đổi về nhận thức, nâng cao kỷ luật công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn hạn chế; hình thức tuy có được đổi mới nhưng chưa thật sự phù hợp với đối tượng, nhất là các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thấy được trách nhiệm của mình trong công tác phổ biến pháp luật. Nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhiều người dân còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực an toàn giao thông, trật tự xã hội. Vẫn còn một số đồng bào dân tộc thiểu số do kém hiểu biết, bị bọn phản động lợi dụng kích động, lôi kéo vượt biên trái phép; tai nạn giao thông, phạm pháp hình sự gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại nêu trên, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn; Giám đốc các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chương trình, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; Quyết định 212/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về phổ biến giáo dục pháp luật từ 2005 đến 2010 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.
2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tham mưu với Cấp uỷ cùng cấp tăng cường sự lãnh đạo của Cấp uỷ Đảng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy vai trò của hệ thống chính trị đối với công tác này. Cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức phải gương mẫu trong thực hiện pháp luật, kết hợp chặt chẽ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật.
3. Nội dung phổ biến pháp luật phải ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực và phù hợp với từng đối tượng, nhóm đối tượng; những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của nhân dân phải được phổ biến thường xuyên, liên tục. Tiếp tục thực hiện các hình thức phổ biến pháp luật có hiệu quả như: Tuyên truyền miệng, qua băng, đĩa hình, tiếng; thông qua trợ giúp pháp lý; thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo của lãnh đạo chính quyền các cấp; lồng ghép với các loại hình sinh hoạt câu lạc bộ; công tác hoà giải; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; qua các phương tiện thông tin đại chúng…
4. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh giúp UBND tỉnh, hướng dẫn UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện, cấp xã và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các thành viên Hội đồng, các sở, ban, ngành để làm tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến tất cả các đối tượng.
5. Sở Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh giúp UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp thực hiện 04 Đề án trong Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ 2005 đến 2010; Xây dựng Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2008 đến 2012. ; hướng dẫn cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng tủ sách pháp luật; sơ kết, tổng kết, thi đua - khen thưởng trong công tác PBGDPL.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật, tăng cường công tác đảm bảo an ninh học đường. Ngoài các chương trình chính khoá cần phối hợp với các ngành chức năng như Tư pháp, Công an tổ chức các hoạt động lồng ghép trong các tiết học ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, về phòng chống ma tuý… để nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên.
7. Sở Văn hoá thông tin phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng các “điểm sáng” chấp hành pháp luật; phát động phong trào “ Toàn dân thực hiện tốt pháp luật” theo các tiêu chí chung: Thôn, làng, không có người vi phạm pháp luật; Không có khiếu kiện trái pháp luật; Không có người vượt biên trái phép; Không có người tham gia tổ chức phản động Fulrô.
8. Báo Gia Lai mở các chuyên mục phổ biến giáo dục pháp luật với hình thức hấp dẫn, phong phú; về nội dung đảm bảo tính chính xác, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương trong từng thời điểm; Chú ý lồng ghép việc phổ biến các thông tin pháp luật khi đăng tải các vấn đề có tính thời sự xã hội.
9. Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng thời lượng phát sóng, duy trì thường xuyên chuyên mục an toàn giao thông, nghiên cứu mở thêm các chuyên mục về an ninh học đường, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn...; biên tập, biên dịch những nội dung văn bản pháp luật, chính sách xoá đói giảm nghèo liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số để phát bằng tiếng Jrai, BahNar trên các đài phát thanh, truyền thanh. đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa kịp thời và phát triển hệ thống loa truyền thanh không dây.
10. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hàng năm dự trù kế hoạch kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các cấp trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua theo quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Giao Giám đốc Sở Tư pháp - Thường trực Hội đồng PBGDPL theo dõi, đôn đốc việc thực hiện vào tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 29/1998/CT-UB ngày 07/12/1998 của UBND tỉnh Gia Lai về việc tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.