THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2004/CT-TTg | Hà Nội, ngày 02 tháng 1 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC THỰC HIỆN CUỘC BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2004 - 2009
Căn cứ Chỉ thị số 31/CT-TW ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 429/2003/NQ-UBTVQH ngày 23 tháng 12 năm 2003 về ấn định ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 vào ngày Chủ nhật 25 tháng 4 năm 2004.
Cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị lớn của đất nước, được tổ chức vào thời điểm có nhiều thuận lợi; sự nghiệp đổi mới của toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình trong nước, khu vực và thế giới đang có những chuyển biến nhanh, phức tạp. Đứng trước những cơ hội mới và thách thức mới, chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến việc củng cố và xây dựng chính quyền nhân dân, trước hết là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và góp phần giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Để bảo đảm cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm, thể hiện được không khí ngày hội của toàn dân, bảo đảm cho nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ sau đây để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009:
a) Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương tổ chức tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; nội dung cơ bản của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân vừa được thông qua tại kỳ họp thứ IV Quốc hội khoá XI, để mọi người hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử và nắm được những quy định, hướng dẫn của cơ quan nhà nước về công tác bầu cử. Trên cơ sở đó, với ý thức làm chủ và tinh thần tự giác, mọi công dân tham gia lựa chọn và bầu những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất làm đại biểu Hội đồng nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
b) Bộ Giao thông vận tải, Bộ Bưu chính, Viễn thông chỉ đạo nhằm bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc thông tin trong quá trình chuẩn bị và tổ chức thực hiện bầu cử.
c) Bộ Quốc phòng hướng dẫn triển khai công tác bầu cử trong các đơn vị quân đội theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và phối hợp với Bộ Công an triển khai lực lượng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở những địa bàn trọng điểm trong những ngày bầu cử.
d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ lập phương án phân bổ ngân sách phục vụ bầu cử trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và hướng dẫn việc lập dự toán, quyết toán và kiểm tra việc sử dụng kinh phí bầu cử, bảo đảm kinh phí được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.
đ) Tổng cục Thống kê chỉ đạo Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp số liệu dân số đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2003 để làm căn cứ tính số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị hành chính.
e) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện triển khai, tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho cán bộ làm công tác bầu cử ở các địa phương; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, các ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện công tác bầu cử theo quy định của pháp luật; phát hành mẫu phiếu bầu, thẻ cử tri, thẻ đại biểu Hội đồng nhân dân và các biểu mẫu, biểu tổng hợp phục vụ cho công tác bầu cử; theo dõi tình hình chuẩn bị, tiến độ thực hiện và tổng hợp kết quả bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp trong toàn quốc để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo đúng tiến độ bầu cử.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, tổ chức thực hiện và bảo đảm các phương tiện vật chất cho cuộc bầu cử; giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức phòng, chống cháy, nổ tại các địa điểm bỏ phiếu, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện cuộc bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường vụ Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để tổ chức cuộc bầu cử thật dân chủ, đúng luật, an toàn và tiết kiệm.
Trong quá trình chuẩn bị, Uỷ ban nhân dân các cấp cần xây dựng phương án dự phòng đối với các trường hợp đặc biệt, đột xuất xảy ra, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra đúng kế hoạch và an toàn.
3. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị bầu cử và thường xuyên thông báo về Bộ Nội vụ tiến độ thực hiện, để kịp tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho ý kiến chỉ đạo, bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 thành công tốt đẹp.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.