ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/1998/CT-UB-KT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 01 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TIẾN ĐỘ CỔ PHẦN HÓA CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ
Tình hình thực hiện cổ phần hóa một số doanh nghiệp Nhà nước thành phố bước đầu đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung việc triển khai còn chậm. Năm 1997 thành phố báo cáo đăng ký với Trung ương triển khai 25 doanh nghiệp Nhà nước dự kiến cổ phần hóa, đến nay đã chuyển thể được 4 doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần.
Tiến độ cổ phần hóa chậm trong đó có nguyên nhân về nhận thức mục tiêu cổ phần hóa, về xây dựng phương án cổ phần hóa, về quy hoạch môi trường mà doanh nghiệp nằm trong diện di dời ; mặt khác do thủ tục trình tự hồ sơ, lập phương án cổ phần hóa còn chồng chéo trong quá trình hướng dẫn thực hiện quy trình của Trung ương chuyển doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần.
Nhằm tiếp tục triển khai tích cực và đẩy nhanh việc thực hiện chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước thành phố thành công ty cổ phần theo đúng các Nghị định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1- Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp thành phố tập trung đôn đốc các Ban cổ phần hóa doanh nghiệp thực hiện kế hoạch cụ thể, phân định thời gian hướng dẫn, thẩm định, kiểm tra các bước trong việc chuẩn bị phương án cổ phần hóa … Phấn đấu có 10 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện xong các thủ tục cổ phần hóa trong tháng 02/1998 để trình cấp có thẩm quyền xét duyệt trong tháng 3/1998.
2- Giao cho Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý doanh nghiệp Nhà nước (bao gồm các cơ quan được ủy quyền quản lý doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước 90,…) tiếp tục rà soát và sắp xếp phân loại các doanh nghiệp Nhà nước (không đặt nặng việc tự nguyện của doanh nghiệp) để lập danh sách các doanh nghiệp Nhà nước đủ điều kiện trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định trong tháng 3/1998 để đưa vào diện thực hiện cổ phần trong năm 1998.
3- Để khắc phục những vướng mắc trong thủ tục xác lập sở hữu Nhà nước và chuyển giao tài sản cố định cho các doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa, nay xác định trình tự, hồ sơ cụ thể như sau :
3.1- Trường hợp tài sản cố định (bao gồm đất đai, nhà, xưởng…) đã giao cho doanh nghiệp quản lý sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh có nguồn gốc tiếp quản bằng nhiều nguồn sau 30/4/1975, nhưng chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền chuyển thành sở hữu Nhà nước. Các doanh nghiệp đang quản lý sử dụng các tài sản này phải lập ngay hồ sơ tài sản thông qua Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định xác lập sở hữu Nhà nước và giao tài sản cố định cho doanh nghiệp. Hồ sơ tài sản cần xác định rõ một số nội dung sau đây :
- Văn bản giải trình nguồn gốc tài sản khi tiếp nhận (cải tạo, hiến, vắng chủ…).
- Diện tích đất, nhà, địa chỉ.
- Những tồn tại có liên quan tài sản (nếu có).
- Những giấy tờ khác có liên quan đến tài sản mà doanh nghiệp còn lưu giữ (nếu có).
3.2- Trường hợp tài sản cố định (bao gồm đất đai, nhà xưởng, kho bãi) do doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã được Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định xác lập sở hữu Nhà nước và giao cho Sở Nhà đất quản lý, hiện nay doanh nghiệp hợp đồng thuê của cơ quan nhà đất các cấp; nay xem xét chuyển giao tài sản cố định trên cho các doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa theo Chỉ thị 17/CT-UB ngày 07-6-1991 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc chuyển giao tài sản cố định cho các đơn vị quốc doanh theo các điều kiện như sau :
- Đối tượng được xét chuyển giao tài sản cố định : tất cả các doanh nghiệp Nhà nước đã được Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt tiến hành cổ phần hóa.
- Điều kiện xét chuyển giao về vị trí các bất động sản của doanh nghiệp không nằm trong qui hoạch phải di dời, giải tỏa để thu hồi đất sử dụng cho mục đích khác theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Nguyên tắc chuyển giao tài sản cố định cho các doanh nghiệp Nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa là không phải xác định lại giá trị tài sản trước khi chuyển giao ; Ủy ban nhân dân thành phố chuyển giao tài sản và vốn cho doanh nghiệp, giảm tài sản và vốn cho cơ quan nhà đất theo giá trị thể hiện trên sổ sách hiện có. Sau đó Ban cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ xác định lại giá trị thực và được thẩm tra lại theo quy định hiện hành về việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
- Hồ sơ do doanh nghiệp xin chuyển giao tài sản cố định nộp tại Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét ký quyết định chuyển giao.
3.3- Về xác định thời điểm cổ phần hóa để kiểm toán, kiểm kê, quyết toán làm cơ sở cho việc xác định doanh nghiệp do Ban cổ phần hóa doanh nghiệp quyết định nhưng phải thống nhất cùng thời điểm. Sau khi xác định thời điểm trên, khi cần nhượng bán tài sản cố định thuộc thẩm quyền quản lý của doanh nghiệp cho mục đích kinh doanh có hiệu quả, doanh nghiệp báo cáo và phải được Ban chỉ đạo cổ phần hóa thành phố chấp nhận và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
3.4- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phân công đồng chí Trần Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố kiêm Trưởng Ban Ban chỉ đạo cố phần hóa thành phố xem xét và ký quyết định xác lập sở hữu Nhà nước và chuyển giao tài sản cố định kể cả những vấn đề có liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước có quyết định thực hiện cổ phần hóa.
4- Trong khi chờ có quy chế hướng dẫn thống nhất việc quản lý phần vốn Nhà nước tại các Công ty cổ phần có vốn Nhà nước, các công ty cổ phần này phải tiếp tục báo cáo định kỳ 6 tháng và cuối năm về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với Ủy ban nhân dân thành phố, cơ quan Nhà nước được phân công quản lý doanh nghiệp (sở hoặc quận – huyện) và Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thành phố.
5- Giao cho Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn những vấn đề liên quan đến biến động vốn, tài sản của các công ty cổ phần có vốn Nhà nước theo quy định hiện hành. Trường hợp Hội đồng quản trị, các đại biểu cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp và Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thành phố không thống nhất ý kiến thì trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.
6- Về tổ chức : tiếp tục duy trì cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cổ phần hóa thành phố tại Viện Kinh tế thành phố ; các tổ công tác gồm : Tổ chuyên viên cố phần hóa thành phố, Tổ chuyên môn định giá trị và tỷ lệ còn lại đối với tài sản của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, Tổ nghiệp vụ giúp việc cho Hội đồng thẩm tra giá trị doanh nghiệp thành phố.
Thường trực ban chỉ đạo cổ phần hóa thành phố chịu trách nhiệm chủ trì việc phối hợp các Tổ công tác giúp việc trên để lập kế hoạch công tác cụ thể cho các Ban cổ phần hóa doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quy trình chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định.
Trước mắt cho phép Thường trực ban chỉ đạo cổ phần hóa tại Viện Kinh tế tuyển chọn một số cán bộ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định để bổ sung Tổ chuyên viên giúp việc và đào tạo thành tổ chuyên trách. Sau này Ban chỉ đạo cổ phần hóa thành phố cần có cơ quan, cán bộ chuyên trách để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.
7- Giao cho Ban chỉ đạo cổ phần hóa thành phố nghiên cứu đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết hoặc kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cần hướng dẫn cụ thể để khắc phục các vướng mắc liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước :
a) Chủ trương của Chính phủ đối với các phần vốn góp liên doanh với nước ngoài tại các doanh nghiệp Nhà nước đang cổ phần hóa.
b) Tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia, đối với các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa để phát triển quy mô và công nghệ hiện đại.
c) Việc sử dụng tiền bán cổ phần, tiền hoàn trả vay mua chịu hàng năm được hoàn về ngân sách qua Kho bạc, cổ tức thuộc cổ đông Nhà nước tại các Công ty cổ phần, để đầu tư lại cho các doanh nghiệp đã cổ phần hóa theo hình thức cho vay để đổi mới công nghệ hoặc mở rộng sản xuất.
d) Tổ chức cho bán đấu giá cổ phần song song với việc mở rộng tỷ lệ bán cổ phần ra công chúng rộng rãi, công bằng và hợp lý.
Chủ trương cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp Nhà nước là một trong những biện pháp tích cực sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ nhằm mục đích tạo động lực mới, huy động vốn trong dân để đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Yêu cấu các sở-ban-ngành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm chỉ đạo triển khai, kiểm tra đôn đốc và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan chức năng cần thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc và đề xuất các biện pháp giải quyết cụ thể để Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.