ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND | Vĩnh Long, ngày 06 tháng 01 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020); trong năm 2016 phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực, đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh; kinh tế tăng trưởng 5,21%; GRDP bình quân đầu người đạt 41,1 triệu đồng, tăng gần 3,3 triệu đồng so với năm 2015; đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên; lĩnh vực y tế, giáo dục đạt kết quả tốt; an sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2016, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 và Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế và các đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nội dung sau đây:
1. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua. Các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất.
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là công tác cán bộ và phát triển kinh tế. Kinh tế tăng trưởng đạt 7% trở lên, coi trọng chất lượng tăng trưởng; tập trung cao cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp theo hướng bền vững. Thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, có biện pháp, giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
2. Các ngành, các cấp, các địa phương tổ chức các phong trào thi đua gắn với kế hoạch, chương trình mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng ngành, từng cấp, từng địa phương trong năm 2017; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đến năm 2020, 52/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới (58,4%). Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vĩnh Long chung tay vì người nghèo” giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân 1%/năm theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Cùng với việc tổ chức phát động, tổng kết phong trào thi đua hàng năm, cần phải chú trọng các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề với nội dung và hình thức phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Thường xuyên quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương "Người tốt, việc tốt" để biểu dương, tôn vinh nhằm tạo động lực, cổ vũ mọi người phát huy hết khả năng và phẩm chất tốt đẹp của mình, đẩy lùi những tư tưởng, việc làm tiêu cực, những thói hư, tật xấu, góp phần bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam "Phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học".
3. Tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị, nhằm đổi mới phong cách, tác phong làm việc; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nêu cao tinh thần trách nhiệm "nói đi đôi với làm" trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị vững mạnh.
4. Nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng nhất là việc tham mưu tổ chức và giám sát các phong trào thi đua yêu nước. Quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng loạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp và năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cơ quan, đơn vị, huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị kinh tế thuộc tỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới. Người đứng đầu các đơn vị, địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng và đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước chịu trách nhiệm về tính chính xác của thành tích, về chấp hành chính sách, pháp luật và quy trình, thủ tục.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, các đoàn thể chính trị, xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, phối hợp với chính quyền cùng cấp phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong việc vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động chuyên đề với tinh thần trách nhiệm cao, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
6. Tổ chức tốt việc thi đua theo cụm, khối; nâng cao chất lượng hoạt động cụm, khối thi đua ở các cấp trong tỉnh. Lãnh đạo các đơn vị Cụm trưởng, Khối trưởng các cụm, khối thi đua xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động cụm, khối; xây dựng nội dung sinh hoạt chuyên đề thi đua gắn với nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề khó khăn, phức tạp đưa ra thảo luận tìm các giải pháp, cách làm hay để nhân rộng, tạo sự lan tỏa thành động lực phong trào thi đua của từng đơn vị trong cụm, khối và đẩy mạnh phong trào thi đua của tỉnh.
7. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tổ chức xét khen thưởng phải kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng thành tích, đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo tôn vinh, khen thưởng được chính xác, có tác dụng nêu gương, giáo dục và có sức lan tỏa trong từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp phải đạt trên 60% đối với hình thức khen cấp tỉnh; đạt trên 20% đối với hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.
8. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh triển khai, theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này; đồng thời có nhiệm vụ phối hợp với các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và báo cáo thường xuyên, kịp thời về tình hình triển khai và kết quả thực hiện phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị, giúp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh thẩm định thành tích để xem xét biểu dương, khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng chính xác, kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp tích cực cho phong trào thi đua của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế và đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng cho UBND tỉnh (thông qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh)./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.