TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-TLĐ | Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN THỐNG KÊ, BÁO CÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG TRONG HỆ THỐNG CÔNG ĐOÀN
Trong thời gian qua công tác thống kê, báo áo, phân tích tai nạn lao động chưa được các cấp công đoàn triển khai thực hiện nghiêm túc. Việc tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm về tai nạn lao động còn chậm trễ, chưa đầy đủ, số liệu thiếu chính xác. Nhiều vụ tai nạn lao động chết người hoặc tai nạn nghiêm trọng xảy ra không được báo cáo nhanh và không gửi biên bản điều tra tai nạn lao động về Tổng Liên đoàn theo quy định. Việc không báo cáo hoặc báo cáo chậm trễ, thiếu chính xác tình hình tai nạn lao động trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác định rõ nguyên nhân gây ra tai nạn lao động trong các địa phương, ngành nghề, từ đó gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp công đoàn đối với công tác bảo hộ lao động cũng như đề ra các biện pháp khắc phục và phòng ngừa các vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Để việc thống kê, phân tích, báo cáo tai nạn lao động trong thời gian tới được đầy đủ, chính xác, kịp thời qua đó giúp các cấp công đoàn có cơ sở xây dựng kế hoạch, chương trình công tác bảo hộ lao động, đề ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ công đoàn các cấp về công tác khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động.
2. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan quản lý lao động tại địa phương tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra về công tác khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động. Đưa nội dung công tác khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động trở thành tiêu chí để xem xét đánh giá khen thưởng hàng năm.
3. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động các cấp, yêu cầu mỗi công đoàn cơ sở phân công một ủy viên BCH, mỗi Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải phân công một cán bộ theo dõi công tác BHLĐ và chịu trách nhiệm thống kê, phân tích, báo cáo tình hình tai nạn lao động.
4. Đối với công đoàn cơ sở cần nâng cao chất lượng tham gia điều tra tai nạn lao động tại cơ sở; lập sổ thống kê tai nạn lao động và ghi đầy đủ các vụ tai nạn lao động đã xảy ra vào sổ thống kê; thực hiện định kỳ sáu tháng, một năm báo cáo công đoàn cấp trên trực tiếp và báo cáo Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
5. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn tổng hợp tình hình tai nạn lao động trong các đơn vị thuộc địa phương, ngành, đơn vị quản lý, định kỳ báo cáo Tổng Liên đoàn theo mốc thời gian: báo cáo 6 tháng đầu năm trước ngày 15 tháng 7, báo cáo cả năm trước ngày 25 tháng 1 năm sau.
6. Đối với các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao đợng có từ hai người bị thương nặng trở lên xảy ra trên địa bàn thì ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố phải báo cáo nhanh về Tổng Liên đoàn; sau khi hoàn thành điều tra, lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra phải sao gửi biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động về Tổng Liên đoàn và cho Công đoàn ngành TW (nếu CĐCS để xảy ra tai nạn lao động là đơn vị trực thuộc ngành TW).
7. Tổ chức thực hiện:
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn tổng công ty trực thuộc TLĐ có trách nhiệm phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này đến các cấp công đoàn trong phạm vi địa phương, đơn vị mình quản lý;
Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này, định kỳ báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.