BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01-BYT/CT | Hà Nội, ngày 02 tháng 2 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH VÀ SỰ NGHIỆP
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch HĐBT số 439/CT ngày 24/12/1990 về chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, Bộ Y tế có công văn hướng dẫn các đơn vị thực hiện như sau:
Trong thời gian qua, cùng với việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước, các đơn vị trực thuộc Bộ có thêm nguồn thu từ hoạt động kinh tế, viện trợ quốc tế, hợp tác chuyên gia, hợp tác lao động, học phí, viện phí... kinh phí phục vụ cho công tác được tăng thêm, đồng thời còn dành một phần cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên, do cơ chế quản lý mới chưa đồng bộ, nhiều điểm bất hợp lý chưa được sửa đổi, nhận thức về quyền tự chủ trong việc sử dụng kinh phí Nhà nước cấp cũng như các nguồn kinh phí khác còn nhiều sai lệch, công tác quản lý chưa được chặt chẽ, chế độ hạch toán kế toán, thống kê không được chấp hành nghiêm túc cho nên bên cạnh các mặt tích cực nói trên, công tác quản lý thu chi của các đơn vị trực thuộc Bộ cũng còn những khuyết điểm, tiêu cực không nhỏ biểu hiện dưới các hình thức sau đây:
1. Chế độ lập dự toán thu, chi ngân sách hàng quý, năm không được chấp hành nghiêm chỉnh, các khoản thu sự nghiệp, viện trợ, các khoản thu từ hoạt động sản xuất dịch vụ không được tính toán đầy đủ cụ thể và đưa vào dự toán hàng quý, năm.
2. Việc chi tiêu không theo dự toán, chưa tiết kiệm các khoản chi tiêu hành chính như điện tiêu dùng, bưu phí, điện thoại, xăng dầu ô tô hội nghị, công tác phí, mua sắm trang thiết bị nhập khẩu quá tốn kém. Có đơn vị vẫn còn duy trì chế độ bao cấp trả tiền điện tiêu dùng sinh hoạt thay cho CBCNV chức ở các khu nhà tập thể.
3. Dùng kinh phí được cấp để chi tiếp khách, quà biếu, chi đoàn ra đoàn vào, tổ chức hội thảo, chi nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học quá mức, mang tính chất phô trương hình thức, không tính toán hiệu quả qua thiết thực.
4. Quản lý khâu sửa chữa xây dựng còn nhiều sơ hở, nhất là khâu chọn đơn vị để thuê khoán, việc xem xét thiết kế dự toán, nghiệm thu quyết toán công trình còn chậm trễ, hoặc lãng phí.
5. Việc sử dụng nguồn thu từ viện trợ quốc tế, từ các lớp học, hội thảo do nước ngoài tài trợ chưa được quản lý chặt chẽ và sử dụng chưa đạt hiệu quả tối ưu.
6. Chưa chấp hành đầy đủ, chế độ hạch toán kế toán như hạch toán hàng viện trợ có nơi chỉ theo dõi số lượng chưa theo dõi giá trị và đánh giá hiệu quả nguồn viện trợ, để số dư công nợ cao và dây dưa nhiều năm, vật tư, tài sản mất mát hư hỏng thường không được quy trách nhiệm cụ thể và giải quyết sử lý kịp thời. Không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo quyết toán theo quy định hiện hành, như quyết toán gửi quá chậm có đơn vị 6 tháng sau mới xong quyết toán năm trước, có đơn vị quý 3 mới xong quyết toán quý 1. Có đề tài nghiên cứu khoa học không quyết toán hàng quý và chỉ làm quyết toán năm.
7. Công tác tự kiểm tra ở cơ sở và công tác kiểm tra, thanh tra xét duyệt dự toán và báo cáo quyết toán của Bộ với cơ sở còn bị buông lỏng, các chế độ, định mức bất hợp lý chưa được sửa đổi kịp thời.
Các khuyết điểm này, trước hết thuộc trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, mặt khác các kế toán trưởng chưa làm đầy đủ chức năng kiểm soát viên của Nhà nước vừa làm tham mưu, vừa yêu cầu thủ trương và đơn vị chấp hành đúng chế độ tài chính của Nhà nước. Nhiều đồng chí kế toán trưởng còn yếu về tổ chức điều hành, một số đồng chí chưa quan tâm học tập để tinh thông về nghiệp vụ nên để công việc bê trễ, báo cáo quyết toán chậm để Bộ bị Nhà nước phê bình và nhắc nhở.
Thực hiện Chỉ thị số 439/CT ngày 24/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng để chấm dứt tình trạng nói trên, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ở các đơn vị, Bộ Chỉ thị để các đơn vị cần làm tốt những công việc sau đây trong năm 1991.
1. Phải củng cố kiện toàn bộ máy kế toán ở cơ sở, tăng cường cán bộ phụ trách có phẩm chất và trình độ nghiệp vụ, chấn chỉnh công tác kế toán, thống kê, chấp hành đúng các chế độ chi tiêu của Nhà nước và của Bộ, thực hiện đúng chế độ kế toán mới ban hành theo Quyết định số 257/TC-CĐKT ngày 1/6/1990 của Bộ Tài chính. Tăng cường công tác tự kiểm tra để phát hiện và ngăn ngừa kịp thời nhưng hành động tham ô lãng phí các vi phạm chính sách chế độ kỷ luật kinh tế - tài chính của Nhà nước, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra với đơn vị cơ sở nếu phát hiện vi phạm về chi sai chế độ, chính sách quy định, chi sai mục đích thì sẽ xuất toán, thu hồi nộp vào ngân sách Nhà nước. Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách về các sai phạm.
2. Trong công tác lập dự toán hàng quý, năm phải lập đầy đủ các nguồn thu, các khoản chi cần tính toán cho sát với yêu cầu thực tế, khi chi tiêu phải theo đúng định mức chế độ hiện hành với tinh thần triệt để tiết kiệm theo Quyết định số 140/HĐBT ngày 15/9/1987 của Hội đồng Bộ trưởng. Trước mắt phải tiến hành làm ngay một số việc:
a. Các đơn vị không được tự ý xây dựng các công trình hạng mục công trình ngoài kế hoạch XDCB đã được Bộ duyệt, không được bổ sung thêm vốn đầu tư vượt quá mức Bộ duyệt bằng bất cứ nguồn kinh phí nào nếu không được Bộ đồng ý. Các đơn vị HCSN không được lấy kinh phí sự nghiệp được cấp để xây dựng mới nhà khách trụ sở làm việc và nhà ở. Việc chống xuống cấp các công trình ở các đơn vị HCSN phải có thiết kế, dự toán và được Bộ duyệt.
b. Các đơn vị không được dùng kinh phí để mua sắm những trang thiết bị nhập ngoại đắt tiền chưa thật cần thiết cho yêu cầu công tác chuyên môn, nhất là những thứ trong nước đã sản xuất được.
c. Chấp hành nghiêm chỉnh chỉ tiêu biên chế và quỹ lương đã được Bộ duyệt. Bộ chỉ cấp phát tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương cho các đơn vị theo đúng chỉ tiêu biên chế và quỹ lương đã duyệt.
d. Thực hiện ngay Chỉ thị số 338/CT ngày 19/10/1990 của Chủ tịch HĐBT và Công văn 1719/TC - HCVX ngày 6/11/1990 của Bộ Tài chính về triệt để tiết kiệm tiêu dùng xăng, dầu, nhằm giảm định mức tiêu hao xăng dầu trên đầu xe, chấp hành nghiêm chỉnh chế độ sử dụng xe ô tô con.
e. Triệt để tiết kiệm điện trong tiêu dùng ở từng đơn vị, nghiêm cấm các đơn vị dùng kinh phí HCSN để thanh toán tiền điện nhà ở tập thể cho CBCNV. Đơn vị cần có biện pháp tích cực phối hợp với ngành điện để lắp đặt đồng bộ đồng hồ điện cho các hộ tiêu dùng điện ở các khu tập thể trước đây sử dụng chung với điện của cơ quan.
g. Tiết kiệm chi tiêu về hội nghị, tiếp khách, chỉ trong trường hợp thật cần thiết mới được tổ chức hội nghị chuyên ngành và phải được Bộ duyệt, chi tiêu cho hội nghị phải theo đúng chế độ do Bộ Tài chính quy định.
Các cuộc hội thảo khoa học phải được chuẩn bị kỹ về nội dung đưa lại hiệu quả thiết thực, chi tiêu tiết kiệm trong phạm vi dự toán được duyệt. Từ nay trở đi, các cơ quan đơn vị không được dùng rượu bia, thuốc lá, nước giải khát nhập ngoại để tiếp khách.
3. Các đơn vị không được dùng tiền hạn mức Nhà nước cấp để mua quà biếu cho khách nước ngoài vào nước ta, hoặc quà biếu mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định. Trong việc giao dịch, tiếp khách nước ngoài cần thi tiêu đúng chế độ quy định, đảm bảo lịch sự , giữ quan hệ tốt trong công việc.
Quà biếu của khách nước ngoài cho cá nhân và tập thể có giá trị lớn như ô tô ... cần phải báo cáo với Bộ để nộp vào Ngân sách Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.
4. Xoá bỏ tất cả các quỹ lập ra trái phép để chi tiêu. Tất cả các nguồn thu, dịch vụ đều phải ghi vào sổ sách kế toán của hệ thống tài khoản, kế toán mới theo quy định số 257/TC - CĐKT ngày 1/6/1990 của Bộ Tài chính, nghiêm cấm các đơn vị tự đặt ra các lệ phí để thu thêm về các dịch vụ ngoài các chế độ quy định cụ thể như:
a. Chế độ thu một phần viện phí phải áp dụng đúng như QĐ 45/HĐBT ngày 24/4/1989 và Thông tư 14/TT-CB ngày 15/6/1990 của Liên Bộ Y tế - Tài chính và giá biểu tạm thời về một số dịch vụ y tế kèm theo.
b. Đối với các dịch vụ khác: cho thuê nhà cửa, các phương tiện chiếu phim, video, âm thanh, quảng cáo, tổ chức dạy ngoài giờ và khám chữa bệnh ngoài giờ phải thực hiện đúng theo Thông tư 03/ TC-HCVX ngày 16/2/1989 của Bộ Tài chính.
c. Đối với khoản thu bằng ngoại tệ phát sinh tự có ở đơn vị như thu dịch vụ khám chữa bệnh cho người nước ngoài phải thực hiện theo Thông tư 19/BYT-TT ngày 26/7/1988 của Bộ. Các khoản thu bằng tiền, hàng hoá, tài sản do tổ chức nước ngoài ủng hộ và viện trợ để hợp tác NCKH làm dịch vụ mở các lớp học, hội thảo tại Việt nam phải thực hiện đúng như Thông tư số 10/BYT-TT ngày 8/4/1988 và Thông tư 22/BYT-TT ngày 20/11/1990 bổ sung của Bộ Y tế.
d. Đối với khoản thu tiền một số mặt hàng viện trợ và thu lệ phí hàng viện trợ, các đơn vị phải thực hiện đúng như Thông tư 24/BYT-TT ngày 1/11/1989 và Công văn 3769/KHTC ngày 9/8/1990 bổ sung của Bộ Y tế.
5. Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán mới; đôn đốc thanh toán công nợ không để dây dưa nhiều năm, tổ chức một cách nghiêm túc và hợp lý việc nhượng bán tài sản cũ không còn cần dùng của cơ quan để bổ sung cho kinh phí của đơn vị theo đúng Thông tư 19/BYT-TT ngày 5/9/1989 của Bộ Y tế.
- Khai thác và tận dụng các nguồn viện trợ đã có nhưng chưa sử dụng hoặc dùng không hết công suất để tránh lãng phí khâu sử dụng.
- Vật tư, tài sản mất mát hư hỏng cần quy trách nhiệm, các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính, vật tư, tài sản của Nhà nước đều phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
- Chấp hành chế độ gửi báo cáo quyết toán về Bộ theo Thông tư 57/TC-NSNN ngày 26/11/1990 của Bộ Tài chính.
6. Tiếp tục nghiên cứu triển khai làm thí điểm xây dựng quỹ bảo hiểm y tế nhằm huy động sự đóng góp của nhân dân, tạo nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh thay thế dần việc thu viện phí, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức của từng cá nhân với sự nghiệp chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
- Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ, định mức cho phù hợp với đặc điểm của ngành.
Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thi hành nghiêm chỉnh Chỉ thị này, trong quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn vướng mắc, các đơn vị gửi báo cáo về Bộ để nghiên cứu giải quyết.
KẾ HOẠCH CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC TÀI CHÍNH CỦA BỘ Y TẾ
1. Củng cố lại hệ thống tài chính
- Nắm đội ngũ kế toán trong ngành, lập KH đào tạo, bổ túc nâng cao trình độ cho cán bộ kế toán.
- Rà soát lại năng lực đội ngũ kế toán trưởng các đơn vị trực thuộc để kiến nghị với cơ sở bổ sung kế toán trưởng có trình độ năng lực và phẩm chất tư cách tốt.
2. Tổ chức công tác thanh tra tài chính
- Nhắc các đơn vị tự kiểm tra
- Lập KH kiểm tra thường xuyên các đơn vị về các mặt:
+ Chấp hành chế độ kế toán mới
+ Chấp hành các chế độ chi tiêu tài chính, quản lý hàng viện trợ, nhượng bán tài sản tại các đơn vị.
+ Kiểm tra tất cả các nguồn thu: (kinh phí sự nghiệp, ngoại tệ, XDCB, Viện trợ, Viện phí, dịch vụ, hội thảo ...)
3. Duyệt quyết toán 1990 các đơn vị trực thuộc, lập và gửi báo cáo quyết toán kịp thời hạn quy định.
4. Rà lại các chế độ chi tiêu tài chính, kịp thời đề nghị Bộ sửa đổi hoặc đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi cho hợp lý với thực tế hiện nay.
5. Xem xét lại các tổ chức làm kinh tế trong các đơn vị trực thuộc, những tổ chức chưa đủ thủ tục phải đăng ký lại, chấn chỉnh quản lý, thủ tục. Những tổ chức không đủ điều kiện phải đình chỉ hoạt động.
6. Thực hiện thanh lý tài sản và giải quyết công nợ 2 vime, các công ty và các đơn vị có quan hệ kinh tế với Bộ.
7. Tiếp tục triển khai làm thí điểm xây dựng quỹ bảo hiểm y tế để thay thế dần việc thu viện phí trong ngành Y tế.
| Phạm Song (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.