THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2014 |
VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2014
Trong 7 tháng đầu năm 2014, các Bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt kết quả khả quan trên hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao, khó tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng thấp; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Đặc biệt, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta, trong đó có thu, chi ngân sách nhà nước. Ngoài ra, việc khắc phục những tồn tại trong điều hành ngân sách nhà nước (phân bố, bố trí vốn ngân sách phân tán, lãng phí, kém hiệu quả...) tuy đã đạt một số kết quả bước đầu, nhưng tiến độ còn chậm.
Để giải quyết các khó khăn, thách thức, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, chủ động đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết phát sinh về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển Đông trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi chung là các Bộ, cơ quan), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục bám sát các nội dung Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, thực hiện đầy đủ, có kết quả các giải pháp đã nêu, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
a) Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Thực hiện các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh; giảm dần số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể.
- Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ (tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ đào tạo...) nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực gia nhập thị trường, xuất nhập khẩu, tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, thuế và hải quan, đất đai, bất động sản, đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động... tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
b) Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây.
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương:
- Khẩn trương hoàn thiện việc hướng dẫn về ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; xây dựng giải pháp hỗ trợ thuế hoặc cơ chế thanh toán bù trừ đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do nguyên nhân tồn kho, chưa được thanh quyết toán, giảm mức phạt chậm nộp thuế.
- Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện quyền và trách nhiệm đối với nhà nước.
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường giá cả, kịp thời đề xuất biện pháp phù hợp, đúng quy định của pháp luật để can thiệp thị trường nhằm bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát trên địa bàn từng địa phương và trong phạm vi cả nước, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết. Tiếp tục điều hành giá các mặt hàng thiết yếu (xăng, dầu, điện, than, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá dịch vụ sự nghiệp...) theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại.
2. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế:
Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan, địa phương:
a) Rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.
b) Đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời số thuế và thu ngân sách được gia hạn trong năm 2013 đến hạn phải nộp vào ngân sách. Tổ chức thực hiện đầy đủ, thu kịp thời các khoản phải thu theo kết quả Kiểm toán, Thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.
c) Duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra thuế và phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế. Đẩy mạnh công tác phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới.
3. Tăng cường công tác quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả:
a) Các Bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Thực hiện thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với số vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2014 đã giao trong dự toán đầu năm của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30 tháng 6 năm 2014 chưa phân bổ cho các dự án, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện các công việc của dự án theo quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản; kinh phí thường xuyên đã giao dự toán cho các đơn vị nhưng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2014 vẫn chưa phân bổ hết (trừ một số khoản được phép để lại phân bổ sau theo quy định).
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; đẩy mạnh việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương và số 14/CT-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2013 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Trong đó chú ý:
- Không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2014, các khoản ứng trước ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, các khoản bổ sung kế hoạch sang năm 2015 (trừ một số trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài).
- Hạn chế tối đa việc ứng vốn từ ngân sách nhà nước cho các công trình, dự án, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo và phải cân đối bố trí được nguồn để hoàn trả vốn ứng trước.
b) Rà soát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành về an sinh xã hội, dân tộc và miền núi. Bảo đảm nguồn chi trả và thanh toán kịp thời, đúng tiêu chuẩn, định mức chi tiêu theo quy định.
c) Nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi thường xuyên; chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách. Trong đó:
- Chủ động cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện đối với các khoản chi mua sắm để thay thế trang thiết bị, xe ô tô... tuy đã đến thời hạn thanh lý, thải loại nhưng vẫn có thể sử dụng được. Sau ngày 31 tháng 10 năm 2014, sẽ ngừng thực hiện và hủy bỏ kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán của các đơn vị nhưng đến thời điểm đó vẫn chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu.
- Hạn chế tối đa việc tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, lễ khánh thành; kiên quyết cắt giảm, không tổ chức các hội nghị, hội thảo có nội dung không thiết thực. Thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý và kết hợp hợp lý các loại cuộc họp, tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo điều hành và xử lý các công việc liên quan... qua đó tiết giảm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, tiếp khách, đi công tác trong nước; dừng các đoàn đi công tác nước ngoài bằng kinh phí ngân sách không thực sự cần thiết.
Không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới, hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước mà chưa xác định được nguồn đảm bảo.
d) Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết không thực hiện việc chuyển nguồn đối với các nhiệm vụ do chủ quan các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chậm.
4. Điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp:
Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo:
a) Quản lý chặt chẽ việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí dự toán ở các cấp ngân sách.
Dự phòng ngân sách trung ương đã tập trung đáp ứng các nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các địa phương cần chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để ứng phó với thiên tai, bão lũ và các nhu cầu đột xuất, cấp thiết phát sinh. Ngân sách trung ương chỉ xem xét, hỗ trợ địa phương trong trường hợp các nhu cầu chi phát sinh nêu trên vượt quá khả năng của địa phương.
b) Căn cứ khả năng thu ngân sách, chủ động sắp xếp, điều hành các nhiệm vụ chi và áp dụng giải pháp phù hợp để bảo đảm cân đối ngân sách các cấp.
Trường hợp thu cân đối ngân sách địa phương giảm so với dự toán, cần rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, trong đó phải bảo đảm nguồn thanh toán các khoản chi về tiền lương và có tính chất lương, các khoản chi thường xuyên để bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, các khoản chi an sinh xã hội, chi đầu tư xây dựng cơ bản các công trình quan trọng; đồng thời, chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để bù đắp số hụt thu cân đối ngân sách địa phương còn lại. Các địa phương không được vay thương mại để chi ngân sách địa phương (kể cả chi đầu tư xây dựng cơ bản); việc huy động vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, cấp thiết trên địa bàn thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước và phải bảo đảm được nguồn trả nợ trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm.
c) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao; bảo đảm vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.
d) Đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị và địa phương. Khẩn trương ban hành và triển khai các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Luật sớm đi vào cuộc sống.
a) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và những quy định của Chỉ thị này, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra việc thực hiện ở cấp dưới, các đơn vị trực thuộc để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật liên quan đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm.
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả triển khai Chỉ thị; tổng hợp, báo cáo tình hình ngân sách nhà nước tại phiên họp thường kỳ Chính phủ hàng tháng./.
|
THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.