THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51-TTg |
Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 1997 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội khoá IX thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 12 tháng 11 năm 1996 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1997. Đây là một trong những đạo luật quan trọng, quy định thẩm quyền, thủ tục và trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; đồng thời, quy định các nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương.
Để kịp thời triển khai thi hành Luật này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ soạn thảo:
- Nghị định ban hành Quy chế về thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
- Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ngành;
- Nghị định về việc dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài.
Các nghị định này phải được soạn thảo trình Chính phủ ban hành trong tháng 1 năm 1997.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác khi trình Chính phủ phải đảm bảo yêu cầu chất lượng cao; nội dung các điều khoản phải được chi tiết hoá, rõ ràng, cụ thể, để khi các văn bản đó được ban hành và có hiệu lực thì có khả năng thực thi ngay. Trong trường hợp luật, pháp lệnh, nghị định có các điều, khoản cần phải được quy định chi tiết bằng các văn bản khác thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải trình đồng bộ các văn bản đó với các dự án luật, pháp lệnh, nghị định để Chính phủ xem xét; đồng thời phải kèm theo danh mục các văn bản, các điều khoản của văn bản bị bãi bỏ.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương sắp xếp lại cán bộ, kiện toàn lại tổ chức pháp chế, bảo đảm để các tổ chức này thực sự trở thành cơ quan tham mưu, có đủ cán bộ có năng lực, trình độ cao, đủ sức tham mưu cho lãnh đạo trong hoạt động xây dựng và quản lý văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các yêu cầu ban hành văn bản quy phạm pháp luật như đã nêu ở điểm 2 Chỉ thị này và phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tư pháp có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế của các Bộ, ngành và địa phương.
4. Tiến hành đợt tổng rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trong hai năm 1997-1998 theo kế hoạch chung của Chính phủ kèm theo Chỉ thị này.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn nghiệp vụ cho các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổng rà soát này.
5. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương soạn thảo để sớm trình Chính phủ dự án Luật thẩm quyền, trình tự và thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.
6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật tới các cơ quan, đơn vị, cán bộ trực thuộc, nhất là những người trực tiếp quan hệ tới công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền ý nghĩa và nội dung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghiên cứu, biên soạn, chỉnh lý giáo trình, tài liệu liên quan cho phù hợp với các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế của các Bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể xã hội ở Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện tốt Luật này.
7. Văn phòng Chính phủ có kế hoạch củng cố bộ phận Công báo, tăng cường cán bộ và phương tiện để bảo đảm việc xuất bản và phát hành tờ Công báo đến tận các Bộ, ngành, các cấp chính quyền và nhân dân. Các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương phải được đăng trên tờ "Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.