PHỦ THỦ TƯỚNG ****** |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 82-TTg |
Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 1961 |
VỀ KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH CUỘC VẬN ĐỘNG HỢP LÝ HÓA SẢN XUẤT CẢI TIẾN KỸ THUẬT TRONG NĂM 1961
Thi hành nghị quyết của hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 và nghị quyết Ban Bí thư, của Hội đồng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm hoàn thành vượt mức và toàn diện kế hoạch Nhà nước năm 1961, nội dung kế hoạch và phương pháp tiến hành cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật của các ngành công nghiệp trong năm 1961 như sau.
Thi đua phát huy sáng kiến hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật là một phong trào cách mạng của quần chúng trên mặt trận kinh tế nhằm không ngừng tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, và tăng cường quản lý kinh tế, kỹ thuật. Nó phát triển liên tục từ thấp đến cao, liên tiếp từ đợt này qua đợt khác. Trong khi chỉ đạo phong trào, phải căn cứ vào tình hình cụ thể mà đặt yêu cầu cần từng đợt cho thích hợp với điều kiện từng nơi, từng lúc, và nâng dần yêu cầu của phong trào từ thấp đến cao, để không ngừng phát triền sản xuất với tốc độ cao. Trong năm 1961, yêu cầu và nội dung của cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật, cụ thể là:
1. Về mặt chính trị và tư tưởng, cần giáo dục cho cán bộ của công nhân thấm nhuần đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội, quán triệt chính sách công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và phương châm xây dựng công nghiệp của đại hội Đảng, quán triệt phương châm “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, xây dựng quan điểm phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân, cần kiệm xây dựng nước nhà. Nắm vững phương châm kỹ thuật của Đảng và những kiến thức cơ bản về kỹ thuật. Đồng thời nâng cao, ý thức làm chủ Nhà nước, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, phát huy tinh thần tích cực cách mạng, nhiệt tình hăng say lao động sản xuất, xây dựng công tác, học tập, nâng cao cảnh giác cách mạng của quần chúng và cán bộ.
Kiên quyết khắc phục các tư tưởng: cá nhân chủ nghĩa, bảo thủ, chống lãng phí tham ô, quan liêu mệnh lệnh.
2. Về mặt kinh tế, trên cơ sớ phát triển rộng rãi cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật tăng cường công tác quản lý kinh tế kỹ thuật, phấn đấu tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, thực hành tiết kiệm, kiên quyết chống lãng phí tham ô, đảm bảo cho từng đơn vị, từng người hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch hàng năm, hàng quý, hàng tháng, hàng ngày. Trên cơ sở tăng năng suất lao động, hạ giá thành, phát triển sản xuất, tích cực cải thiện điều kiện lao động và đời sống vật chất, văn hóa của quần chúng.
3. Về mặt lãnh đạo và tổ chức quản lý, qua cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng, thực hiện tốt cuộc vận động kiện toàn chi bộ và tổ chức Đảng cơ sở, làm tốt việc phát triển đảng viên, tăng cường chế độ phụ trách của thủ trưởng, phát huy vai trò quần chúng công nhân tham gia quản lý xí nghiệp; củng cố và phát triển công đoàn và đoàn thanh niên; củng cố tổ sản xuất và đội xây dựng; cải tiến và xây dựng thêm một bước các chính sách, thể lệ, chế độ về quản lý xí nghiệp, công trường, thực hiện một cách phổ biến chế độ hạch toán kinh tế ở phân xưởng và ở công trường; kiện toàn bộ máy quản lý, sửa đổi tác phong lãnh đạo và về lối làm việc của cán bộ, thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động và bàn bạc với công nhân).
II. NỘI DUNG HỢP LÝ HÓA SẢN XUẤT, CẢI TIẾN KỸ THUẬT
Phương hướng chung của cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật : vừa cải tiến vừa học tập, mọi người, mọi ngành đều học tập, đều cải tiến.
- Hợp lý hóa tổ chức sản xuất: làm cho dây chuyền sản xuất được điều hòa, đồng bộ, chấp hành đúng chế độ chuẩn bị sản xuất, chế độ chuẩn bị công trường. Bố trí cân đối các bộ phận sản xuất, các bộ phận xây dựng. Thực hiện một bước chuyên môn hóa sản xuất và chuyên môn hóa xây dựng ,trên cơ sở đề cao tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở hoàn thành xây dựng chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật ở xí nghiệp, tiến lên cải tiến, nâng cao các chỉ tiêu, thống nhất một số chỉ tiêu cho những loại công việc cùng ngành nghề.
- Hợp lý hóa tổ chức lao động: củng cố và xây dựng các tổ sản xuất, các đội xây dựng nhằm làm cho mọi người công nhân sử dụng tốt và đầy đủ thời gian lao động của mình. Đẩy mạnh việc xây dựng chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật, trên cơ sở đó xây dựng chế độ trách nhiệm cá nhân,tăng cường chế độ công nhân tham gia quản lý sản xuất hàng ngày. Mở rộng diện trả lương theo sản phẩm để khuyến khích quần chúng tăng năng suất lao động, nâng cao phẩm chất và hạ giá thành.
- Hợp lý hóa tổ chức quản lý: đặc biệt tăng cường và mở rộng chế độ hạch toán kinh tế, thực hiện tốt chế độ hợp đồng kinh tế. Tích cực thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý. Cải tiến và thực hiện tốt các chế độ, thể lệ về quản lý lao động, quản lý kỹ thuật, khuyến khích tăng năng suất, khuyết khích tiết kiệm, khen thưởng những người có sáng kiến hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật. Cải tiến tổ chức và lề lối làm việc, tác phong công tác của các cơ quan quản lý.
- Cải tiến kỹ thuật thao tác, điều khiển máy móc thiết bị lạc hậu, chậm chạp. Áp dụng kinh nghiệm tiên tiến của những người sản xuất tiến tiến và kinh nghiệm của các nước anh em, nhất là đối với các xí nghiệp hiện đại.
Cải tiến công cụ, thiết bị, phương tiện lạc hậu, công cụ thiết bị, phương tiện cũ, hư hỏng.
- Sản xuất vật liệu, phụ tùng thay thế bằng vật liệu trong nước.
- Nghiên cứu thiết kế để sáng chế những công cụ, thiết bị, phương tiện vận tải nửa cơ khí hoặc cơ khí với những vật liệu sẵn có, rẻ tiền để thay thế những bộ phận lao động thủ công nặng nhọc, chủ yếu là dụng cụ cắt gọt kim loại và dụng cụ xây lắp ở các công trường, công cụ làm đất đá, phương tiện vận chuyển, thực hiện từng bước giải phóng đôi vai. Tăng thêm nhiều mặt hàng thích hợp với nhu cầu của nhân dân.
- Với điều kiện bảo đảm chất lượng, triệt để tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, động lực, và thay thế nguyên liệu, vật liệu đắt tiền, nhập của nước ngoài trong việc thiết kế, chế tạo sản phẩm cũng như thiết kế xây dựng công trình. Cải tiến phương pháp thiết kế công trình để tiến lên thiết kế được công trình công nghiệp loại nhỏ và vừa.
3. Học tập nắm vững kỹ thuật, nghiệp vụ:
- Yêu cầu học tập đối với công nhân là: thông thạo nghề mình, từ nắm vững kỹ thuật nghề mình tiến lên đạt được chương trình sơ cấp kỹ thuật. Đối với cán bộ, nhân viên kỹ thuật và quản lý phải tiến lên đạt chương trình trung cấp. Cán bộ lãnh đạo kỹ thuật, kinh tế phải tiến lên theo các lớp cao cấp về kỹ thuật và nghiệp vụ.
- Phương pháp học tập: kết hợp việc học tập trong thực tế với học tập theo chương trình từng lớp, kết hợp học tập văn hóa với học tập kỹ thuật và nghiệp vụ, lấy việc học tập tại chức làm chính, kết hợp việc nâng cao với phổ cập, nắm vững yêu cầu:”cần gì học nấy, làm nghề gì thạo nghề ấy”.
Về nội dung cụ thể cho từng ngành, các Bộ căn cứ vào nội dung chung để đề ra chương trình và nội dung cải tiến cho từng ngành một cách cụ thể hơn.
III. PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO CUỘC VẬN ĐỘNG
1. Lấy chính trị, tư tưởng dẫn đầu, khoa học kỹ thuật làm cơ sở, gằn chặt công tác chính trị, tư tưởng với công tác kinh tế kỹ thuật, khắc phục những biểu hiện chính trị suông hoặc chuyên môn thuần túy.
2. Nắm vững nguyên tắc lợi ích vật chất khuyến khích sản xuất, quan tâm đầy đủ lợi ích vật chất và văn hóa của quần chúng, đi đôi với động viên chính trị, nâng cao tư trưởng.
3. Mạnh dạn phát động quần chúng dám nghĩ, dám làm, kết hợp với việc chỉ đạo tập trung thống nhất. Cán bộ lãnh đạo, nhân viên kỹ thuật phải đi sát với quần chúng công nhân, thật sự cùng quần chúng bàn bạc hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật, luôn luôn có thái độ ủng hộ nhiệt tình cách mạng của quần chúng, nhưng đồng thời phải dựa trên sự nghiên cứu phân tích khoa học mà xác minh, tổng kết những sáng kiến, kinh nghiệm tốt để kịp thời khen thưởng, phổ biến và áp dụng rộng rãi.
4. Cải tiến từng bước, từ thấp lên cao, kết hợp phương pháp thô sơ với phương pháp hiện đại, cải tiến toàn diện nhưng phải có trọng điểm. Trong khi xây dựng chương trình hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật, trong từng lúc phải chú ý tìm ra khâu yếu trong dây chuyền sản xuất, tập trung lực lượng giải quyết.
5. Kết hợp việc áp dụng những kinh nghiệm tiên tiến sẵn có với việc tự sáng tạo, nắm vững nguyên tắc thí nghiệm tốt mới phổ biến và áp dụng rộng rãi. Phải đề cao tinh thần khiêm tốn học tập, áp dụng những kinh nghiệm sáng kiến của các nước anh em, của lao động tiên tiến, đồng thời phải đề cao tinh thần tự lực cánh sinh của cán bộ và công nhân để phát huy mọi khả năng nghiên cứu, tìm tòi đề ra những sáng kiến mới thích hợp với điều kiện sản xuất của mình để phát triển sản xuất với tốc độ cao.
IV. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH CUỘC VẬN ĐỘNG
1. Phổ biến nghị quyết của hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 về kế hoạch Nhà nước năm 1961. Nội dung phổ biến gồm mấy điểm: thắng lợi to lớn của kế hoạch 3 năm; yêu cầu của nhiệm vụ kế hoạch năm 1961 và kế hoạch 5 năm; khả năng to lớn để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng hạ giá thành để đưa mức kế hoạch lên cao trong đơn vị mình; những biện pháp để nâng cao mức kế hoạch và thực hiện vượt mức kế hoạch.
Tổ chức quần chúng tranh luận bàn bạc mấy vấn đề: vì sao phải nâng cao mức kế hoạch? Có điều kiện và khả năng nâng cao mức kế hoạch được không? Muốn tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành và thực hiện vượt mức kế hoạch thì phải cải tiến tổ chức sản xuất và cải tiến kỹ thuật thế nào? Có thể hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật được không? Trong từng tổ, từng phân xưởng, từng nhà máy cần cải tiến cái gì?
Yêu cầu của bước giáo dục này là: làm cho quần chúng phấn khởi, tin tưởng vào khả năng của xí nghiệp, công trường mình có thể vượt xa mức kế hoạch năm 1961 của Nhà nước.
2. Phát động quần chúng xây dựng quyển sổ kế hoạch thứ hai của xí nghiệp mình.
- Quần chúng thảo luận biện pháp về tổ chức và kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động của mình, của tổ mình, của phân xưởng mình, định mức năng suất và một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật .
- Giám đốc tổng kết mức năng suất và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của từng phân xưởng, của toàn xí nghiệp, xây dựng thành chỉ tiêu kế hoạch của toàn xí nghiệp, chú ý chỉ tiêu tăng sản lượng, chỉ tiêu sản phẩm chủ yếu, năng suất lao động, giá thành; định rõ tỷ lệ vượt mức kế hoạch và thời gian phải vượt kế hoạch cho toàn xí nghiệp; định mức sản lượng toàn năm, từng quý, từng tháng cho từng người công nhân, nhất là bộ phận sản xuất chủ yếu.
3. Tập hợp và nghiên cứu những đề nghị về cải tiến tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, tổ chức quản lý và cải tiến kỹ thuật của quần chúng công nhân và cán bộ, xây dựng thành chương trình hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật của toàn xí nghiệp, theo từng quý và toàn năm. Trong chương trình định rõ từng vấn đề cần cải tiến và thời gian hoàn thành việc cải tiến những vấn đề. Chương trình của xí nghiệp định rõ những vấn đề của toàn xí nghiệp, của từng phân xưởng phải nghiên cứu, định rõ những phí tổn cần cho việc nghiên cứu. Mỗi tổ sản xuất, mỗi đội xây dựng cũng phải có chương trình nghiên cứu cải tiến của mình.
- Tổ chức các nhóm, hoặc Ban Nghiên cứu từng vấn đề, thành phần gồm cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, chú ý người đã đề ra kiến nghị cải tiến. Kế hoạch và chương trình cải tiến lớn của xí nghiệp cần đưa thông qua ở Đại hội công nhân viên chức toàn xí nghiệp, gửi lời hứa quyết tâm của Đại hội cho cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
4. Tổ chức tuyên truyền động viên thật sôi nổi mạnh mẽ thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thưc: triển lãm giới thiệu sáng kiến, khẩu hiệu, phim, ảnh, ca, kịch, truyền thanh, nói chuyện, v.v…; tổ chức thi đua biểu diễn từng loại kỹ thuật, chọn những người có thành tích xuất sắc khen thưởng và học tập. Chú trọng nhất là biểu diễn kỹ thuật, triển lãm giới thiệu sáng kiến. Tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề bàn việc cải tiến tổ chức sản xuất và cải tiến kỹ thuật v.v…
5. Phát động phong trào học tập kỹ thuật, nghiệp vụ: tổ chức lớp học tại chức theo chương trình tùy theo trình độ; gây phong trào kèm cặp lẫn nhau nhưng phải định rõ thời gian, mức độ, kết quả kèm cặp và số lượng công nhân, cán bộ được kèm cặp.
6. Đúc kết thành tích và kinh nghiệm: kết hợp với việc sơ kết kế hoạch hàng quý, sơ kết thành tích cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật, kinh nghiệm lãnh đạo, uốn nắn nhận thức và lệch lạc của phong trào, đề ra phương hướng và chương trình cải tiến mới để tiếp tục nâng cao phong trào tiến lên.
7. Đối với các xí nghiệp, công trường đã xây dựng chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, thì trên cơ sở vận động phong trào hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật, có biện pháp thực hiện vững chắc các chỉ tiêu xét ra đã tiên tiến, nâng cao thêm một mức các chỉ tiêu, thống nhất một số loại chỉ tiêu tiên tiến cho từng ngành nghề.
Đối với những xí nghiệp chưa xây dựng chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, cần kết hợp với cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật mà tiến hành một đợt xây dựng chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; trong đợt này, kết hợp tiến hành một số biện pháp cần thiết về hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật.
Đối với những công trường chưa xây dựng chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, cần lấy việc hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật làm trọng tâm, trên cơ sở đó kết hợp tiến hành xây dựng chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật.
Đối với những xí nghiệp chưa qua phong trào cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp, cần có một đợt ngắn học tập và áp dụng chế độ lãnh đạo quản lý xí nghiệp của Đảng rồi mới tiến hành cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật và xây dựng chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.
V. VỀ TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO CUỘC VẬN ĐỘNG
- Các Bộ quản lý phải đề ra nội dung và phương hướng hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật, tổ chức việc nắm trọng điểm, cung cấp nguyên liệu, vật liệu kịp thời, kiện toàn các tổ chức hội đồng kỹ thuật và Vụ Kỹ thuật, xét duyệt và phổ biến sáng kiến theo từng ngành, điều chỉnh kế hoạch, tiền vốn, và vật tư đáp ứng kịp thời với việc phát triển sản xuất và giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Các Bộ, các xí nghiệp và công trường cần chuẩn bị chương trình và tài liệu học tập về kỹ thuật, chủ yếu là học tập những kiến thức kỹ thuật liên quan mật thiết với toàn xí nghiệp, với từng bộ phận sản xuất.
- Các cấp Đảng ủy địa phương phải căn cứ vào kế hoạch chung và kế hoạch của từng Bộ mà lãnh đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện cuộc vận động, phối hợp với các Bộ giải quyết những khó khăn do phong trào đề ra. Phải có kế hoạch lãnh đạo tư tưởng cán bộ và công nhân, phổ biến sáng kiến trong địa phương, tuyên truyền kết quả của phong trào.
- Công đoàn cần phát huy chức năng của tổ chức mình, động viên hướng dẫn, tổ chức quần chúng công nhân tham gia phong trào thi đua “tiên tiến” lấy việc hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật là nội dung chủ yếu, kịp thời ủng hộ những sáng kiến tốt, tổ chức những hội nghị quần chúng trao đổi phổ biến kinh nghiệm sáng kiến, lựa chọn bình bầu cá nhân và đơn vị tiên tiến, nghiên cứu xây dựng các tổ, các đội lao động xã hội chủ nghĩa, kịp thời rút kinh nghiệm để hướng dẫn phong trào phát triển liên tục, sâu rộng. Đồng thời thông qua cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật, hướng mạnh công tác của các cấp công đoàn đi sâu vào sản xuất, đi sâu vào kỹ thuật, đi sâu vào việc tham gia quản lý xí nghiệp. Công đòan phải thiết thực chăm lo việc cải thiện đời sống, bồi dưỡng sức lao động cho công nhân.
- Đoàn Thanh niên lao động cần động viên tổ chức của mình đi đầu trong công cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật. Gây phong trào thanh niên học tập kinh nghiệm các bác thợ già, hợp tác với công nhân có kinh nghiệm để nghiên cứu sáng kiến hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật, đi đầu trong việc áp dụng những kinh nghiệm tiên tiến. Đồng thời, thông qua phong trào, chọn lựa những đoàn viên thanh niên ưu tú đề nghị kết nạp vào Đảng, chọn những thanh niên ngoài Đoàn có đủ điều kiện kết nạp vào Đoàn Thanh niên lao động, mở rộng hàng ngũ đoàn viên.
- Ủy ban Khoa học Nhà nước và các cơ quan kỹ thuật của các Bộ phải tăng cường hoạt động, đi sát phong trào quần chúng để hướng dẫn giúp đỡ cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật và tổng kết phổ biến những kinh nghiệm, sáng kiến mới của quần chúng.
- Các ngành văn hóa, báo chí cần tích cực dùng mọi hình thức báo chí, truyền thanh, phim ảnh, văn nghệ v.v… để động viên quần chúng tham gia cuộc vận động, tuyên truyền giới thiệu thành tích và kinh nghiệm, sáng kiến.
- Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng có trách nhiệm giúp Chính phủ chỉ đạo, theo dõi đôn đốc vận động.
- Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng, các Bộ, các cấp ủy địa phương cần chọn một số xí nghiệp, công tường điển hình để đặc biệt theo dõi rút kinh nghiệm lãnh đạo. Mỗi Đảng ủy xí nghiệp và công trường cần chọn một phân xưởng, hay một đội xây dựng để làm trọng điểm. Cần có những cán bộ có kinh nghiệm của Đảng, của Công đoàn, đoàn Thanh niên và cán bộ chuyên môn của chính quyền đi sát đơn vị trọng điểm bàn bạc kế hoạch tiến hành, theo dõi thực hiện để rút kinh nghiệm, dùng hình thức hội nghị tại chỗ để phổ biến kinh nghiệm lãnh đạo, kinh nghiệm phát động quần chúng.
Thời gian mở cuộc vận động: Đầu tháng 03-1961, nhân dịp mừng thắng lợi của Đại hội Công đoàn toàn quốc, các xí nghiệp, công trường đều chính thức mở cuộc vận động.
Chuẩn bị để có thể sơ kết chung vào cuối tháng 06-1961.
Nhận được chỉ thị này, các cấp, các ngành cần nghiên cứu kỹ, khẩn trương đặt kế hoạch thực hiện và chỉ đạo chặt chẽ cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1961.
|
K.T. THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.