ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8/CT-UBND |
Đồng Nai, ngày 18 tháng 09 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ỨNG PHÓ VỚI NGUY CƠ NẮNG NÓNG, HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC, XÂM NHẬP MẶN MÙA KHÔ 2023 - 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, đến nay trên toàn quốc tổng lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; hiện nay mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp, một số hồ chứa lớn thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu m3. Theo dự báo, năm 2023 là một trong những năm nóng kỷ lục, với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn, đồng thời khả năng cao ảnh hưởng của hiện tượng El Nino vào nửa cuối năm 2023, nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới, nhất là tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, lượng mưa đến ngày 25/7/2023 đạt 50,3% so với trung bình nhiều năm; dự báo tổng lượng mưa tháng 10-11 thấp hơn 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; mùa mưa kết thúc vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, sớm hơn trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình tháng 10-12/năm 2023 cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,00C; mực nước trên các sông suối xuống dần, cần đề phòng tình trạng thiếu hụt nguồn nước có thể xảy ra.
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; nội dung đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 3396/SNN-TL ngày 26/7/2023; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các địa phương, đơn vị chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa
a) Khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp phòng tránh, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn do ảnh hưởng của El Nino có thể xảy ra vào mùa khô 2023 - 2024; đặc biệt là đối với một số khu vực trọng điểm có khả năng thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô hàng năm ở các địa phương như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu,... và các địa bàn thường xảy ra xâm nhập mặn như: Nhơn Trạch, Long Thành. Kế hoạch gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/10/2023 để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý.
b) Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nước để bảo đảm nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân gieo trồng tập trung, đồng loạt theo kế hoạch mùa vụ, không gieo trồng vượt quá khả năng phục vụ của công trình thủy lợi để tránh xảy ra thiệt hại. Phối hợp với đơn vị cấp nước lập và thực hiện nghiêm kế hoạch dùng nước nhằm sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. Hướng dẫn nhân dân chủ động biện pháp tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
c) Rà soát, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước; trong trường hợp thiếu hụt nguồn nước, cần ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho nhân dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
d) Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, nghiên cứu điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, ưu tiên các giống cây ngắn ngày, sử dụng ít nước, có khả năng chịu hạn và có giá trị kinh tế cao.
đ) Chỉ đạo đơn vị quản lý công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch nạo vét thông thoáng dòng chảy các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương; rà soát các vị trí phù hợp trên suối để bố trí các đập tạm; đào, đắp ao trữ nước; chuẩn bị sẵn sàng nhiên liệu, máy móc, thiết bị để lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến khi nguồn nước bị thiếu hụt; tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây lâu năm có giá trị kinh tế cao.
e) Chỉ đạo việc thành lập, củng cố và kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức thủy lợi cơ sở trên địa bàn, làm cơ sở để khai thác hiệu quả công trình và hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới về thủy lợi ở địa phương.
g) Chủ động dự phòng ngân sách địa phương phục vụ công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tham gia công tác phòng, chống hạn; sẵn sàng các phương tiện vận chuyển để cấp nước sạch cho các vùng sâu, vùng xa, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và dịch bệnh do thiếu nước, xâm nhập mặn.
2. Các Sở, ban, ngành và đơn vị tỉnh
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi; hướng dẫn đơn vị quản lý thực hiện việc quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương và đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra tình hình nguồn nước, tình hình phục vụ sản xuất, công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ; kịp thời hướng dẫn thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và bảo đảm an toàn trong công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi.
- Theo dõi, tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ động theo dõi sát diễn biến thời tiết do các cơ quan có chức năng cung cấp, kịp thời cung cấp thông tin cho các đối tượng khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước nhằm có kế hoạch điều tiết hoạt động sản xuất đảm bảo nguồn nước trong mùa khô hạn và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do UBND tỉnh ban hành; tăng cường công tác quản lý tham mưu cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các tổ chức, cá nhân; chủ động triển khai các giải pháp phân phối nguồn tài nguyên nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt để tránh xảy ra tranh chấp nguồn nước.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các địa phương thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
c) Sở Công Thương
- Phối hợp với Công ty Thủy điện Trị An và Công ty Cổ phần Ani Power (chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Trị An và thủy điện Phú Tân 2) rà soát phương án sản xuất điện trong bối cảnh xảy ra thiếu nước tại hồ thủy điện để có phương án chủ động
bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên nguồn nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các tháng cao điểm nắng nóng.
- Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương, Công ty Thủy điện Trị An, Công ty Cổ phần Ani Power và các đơn vị có liên quan thống nhất kế hoạch điều tiết nước hồ chứa thủy điện Trị An và thủy điện Phú Tân 2 để bảo đảm cân đối nguồn nước phục vụ phát điện, sinh hoạt và sản xuất; bổ sung nước phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đẩy mặn cho hạ du; ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe của nhân dân, sau đó là phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.
d) Sở Y tế: Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các kiến thức, kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi xảy ra nắng nóng gay gắt kéo dài; chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do nắng nóng kéo dài, thiếu nước, xâm nhập mặn.
đ) Sở Xây dựng: Chỉ đạo các cơ quan thuộc các ngành, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy cấp nước sạch đô thị; rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, suối bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du.
e) Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ động phối hợp với các cơ quan, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đồng Nai đăng tải các nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị và người dân, nhằm thay đổi nhận thức, chủ động sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn.
g) Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đồng Nai và các cơ quan truyền thông tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị và nhân dân trong việc sử dụng điện, nước với phương châm tiết kiệm, hiệu quả, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cộng đồng.
h) Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chủ động phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước tại các công trình thủy lợi, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô 2023 - 2024.
i) Các đơn vị quản lý, vận hành các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh: Tổ chức xây dựng kế hoạch điều tiết, vận hành các hồ thủy điện trong mùa khô 2023-2024 và lấy ý kiến các cơ quan, địa phương có liên quan trước khi ban hành kế hoạch, làm cơ sở để phối hợp điều tiết, vận hành nhằm ứng phó nguy cơ nắng nóng, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024.
k) Các Sở, ban, ngành khác: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, chủ động triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024; chủ động phổ biến, tuyên truyền sử dụng nguồn nước, nguồn điện tiết kiệm để bảo đảm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.