THANH TRA CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 769/CT-TTCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2019 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NGÀNH THANH TRA
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong thời gian qua, Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao trên các mặt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tập trung chỉ đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức và người lao động ngành Thanh tra (sau đây gọi chung là công chức, viên chức thanh tra).
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thanh tra và đội ngũ công chức, viên chức thanh tra đã nêu cao trách nhiệm, ý thức chấp hành quy định pháp luật, nội quy, quy chế, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, ngành trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số công chức, viên chức thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành Thanh tra và Thanh tra Chính phủ, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Nguyên nhân chủ yếu là do việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số công chức, viên chức thanh tra không nghiêm, còn hạn chế, yếu kém; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị thanh tra chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức; việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa nghiêm.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và uy tín của người làm công tác thanh tra và ngành Thanh tra; Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu toàn ngành Thanh tra tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chính sau đây:
1. Chấp hành nghiêm quy định về những việc công chức, viên chức không được làm theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
2. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm pháp luật về công vụ, công chức, pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm quy trình chuyên môn nghiệp vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức thanh tra trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.
3. Thực hiện tốt Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của công chức, viên chức thanh tra trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc, tài sản công; cụ thể hóa nhiệm vụ, trách nhiệm của từng công chức, viên chức.
4. Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và Chánh thanh tra bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công chức, viên chức, đảng viên thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan; kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính cấp trên và Tổng Thanh tra Chính phủ kết quả xử lý.
5. Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường phối hợp với Thanh tra Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thanh tra, công chức, viên chức thanh tra theo thẩm quyền trong việc thực thi nhiệm vụ, chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước; kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.
6. Giao Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, đôn đốc, định kỳ đánh giá, sơ kết, báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ việc thực hiện Chỉ thị này.
Công chức, viên chức ngành Thanh tra, Thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Chánh thanh tra bộ, ngành, địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
TỔNG THANH TRA |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.