THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 525-TTg |
Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 1993 |
VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI
Từ khi có Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị tháng 11 năm 1989 và Quyết định số 72-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 13-3-1990 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương miền núi đã có bước chuyển biến mới; đã có một số mô hình mới. Thế nhưng, tình hình miền núi và dân tộc chuyển biến còn chậm; nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước đã ban hành nhưng việc chỉ đạo thực hiện chưa đến nơi đến chốn.
Cuối tháng 9 năm 1993, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển kinh tế - xã hội miền núi nhằm kiểm điểm và bàn biện pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết 22 và Quyết định số 72-HĐBT nói trên.
Căn cứ vào thực tế tình hình và ý kiến của các ngành, các địa phương, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị thực hiện những chủ trương, biện pháp sau đây, nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội miền núi, thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 22 và Quyết định số 72-HĐBT ngày 13-3-1990 và quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng (khoá VII) gần đây về "đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn".
Nhiệm vụ đặt ra trước mắt là phải đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng dân tộc, để ngay từ năm 1994, đạt cho được các mục tiêu đã đề ra cho năm 1995 và đến năm 1995, có một số mục tiêu phải vượt cao hơn mức dự kiến, đồng thời tích cực chuẩn bị cho bước phát triển trong các năm sau.
1. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế miền núi.
Cần căn cứ vào yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá của cả nước, vào các khả năng mới, thực hiện từng bước việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế miền núi nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng to lớn về rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi quy mô lớn, cùng với những tiềm năng về phát triển công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Cơ cấu kinh tế mới của miền núi phải được hình thành theo yêu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước và được điều chỉnh dần qua từng thời gian.
- Về nông nghiệp, phải xác định rõ cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh nghiệm sản xuất của từng vùng sinh thái, kể cả các tiểu vùng; phải hình thành cho được những vùng cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung quy mô lớn. Đến nay, đã rõ là miền núi không thể đi lên bằng lương thực, tuy lương thực tại chỗ là rất quan trọng, phải tập trung vào một số vùng có điều kiện thâm canh, tăng năng suất, đạt hiệu quả cao. Với khả năng sản xuất lương thực hiện nay của cả nước, phải tổ chức thật tốt việc điều hoà lưu thông lương thực trong phạm vi một vùng hoặc trong cả nước để bảo đảm nhu cầu lương thực cho miền núi bằng nguồn tài nguyên phong phú của miền núi.
- Về lâm nghiệp, bảo vệ rừng hiện có, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng mới, tạo được những vùng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; khôi phục được môi trường sinh thái kể cả bảo vệ thảm thực vật. Có chế độ sử dụng nguồn tài nguyên từ rừng hợp lý theo yêu cầu của từng loại rừng.
- Về công nghiệp, cần tiếp tục sắp xếp lại; những xí nghiệp kể cả nhỏ và vừa làm ăn có hiệu quả cần thiết duy trì và phát triển sản xuất cần được đầu tư chiều sâu; đối với những xí nghiệp không cần giữ hình thức quốc doanh thì mạnh dạn chuyển đổi sở hữu hoặc tổ chức lại, sáp nhập, cổ phần hoá, v.v...
Bộ Công nghiệp nặng khẩn trương tổ chức việc sản xuất các loại công cụ phù hợp với yêu cầu của miền núi (cho sản xuất nông nghiệp, làm rừng, máy chế biến nông sản, lâm sản, v.v...).
Hướng chủ yếu của miền núi là phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, lâm sản, khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, ngói... ở những nơi có điều kiện).
+ Địa phương cần phát triển nhiều xí nghiệp cỡ nhỏ và vừa.
+ Trung ương tập trung vào những xí nghiệp lớn có ý nghĩa quyết định đối với cả nước hoặc từng vùng (gang thép, thuỷ điện lớn, v.v...).
Khuyến khích các tỉnh miền núi liên doanh, kêu gọi vốn với các thành phần kinh tế trong vùng, trong nước và ngoài nước để tạo điều kiện phát triển nhanh công nghiệp miền núi.
- Về vấn đề đầu tư nước ngoài: Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư có trách nhiệm giúp các địa phương miền núi tìm đối tác nước ngoài; trình Chính phủ sớm các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các vùng miền núi.
Các tỉnh miền núi xây dựng sớm các dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, đề xuất các chính sách cụ thể đối với từng dự án.
2. Về vấn đề bảo vệ rừng gắn với định canh, định cư.
Các tỉnh miền núi phải coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa rất cấp bách. Chỉ thị số 462-TTg ngày 11-9-1993 đã đề ra các chủ trương và biện pháp rất toàn diện và cơ bản về quản lý, bảo vệ rừng, khai thác gỗ. Các ngành và các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các chủ trương và biện pháp đã đề ra trong Chỉ thị nói trên.
Trong 2 năm 1994-1995, chủ yếu tập trung sức bảo vệ cho được vốn rừng hiện có, kể cả dùng vốn đáng lẽ dành để trồng mới cho việc bảo vệ rừng; nhất thiết không để rừng tiếp tục bị tàn phá như hiện nay. Số vốn dành cho các dự án theo Quyết định số 327-CT ngày 15-9-1992 phải tập trung chủ yếu vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cho được vốn rừng hiện có. Mỗi tỉnh, mỗi huyện phải xác định rõ bước đi thích hợp, chỉ nơi nào đã bảo vệ được tốt, không còn (hoặc còn rất ít) đồng bào du canh du cư, thì vừa tiếp tục định canh, định cư, vừa phát triển rừng, trồng cây theo các chương trình.
Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tổng cục Quản lý ruộng đất cùng các địa phương thực hiện ngay việc đóng cửa rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trên núi đá, rừng nghèo phải khoanh nuôi để xúc tiến tái sinh. Khẩn trương hoàn thành việc khoanh định địa điểm, diện tích và phạm vi cụ thể của từng khu rừng này; xác định rõ diện tích giao cho các đơn vị quốc doanh và quân đội quản lý, diện tích giao cho dân bảo vệ, khoanh nuôi.
Đối với số đồng bào còn du canh, du cư, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi phối hợp với các ngành liên quan, các tỉnh nắm lại số hộ, số nhân khẩu hiện còn du canh, du cư hoặc đã định cư nhưng còn du canh; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác định rõ mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ định canh, định cư: nơi nào có điều kiện thì hoàn thành ngay từ các năm 1994 hoặc 1995, phần còn lại thì đến hết năm 1996.
Đối với các hộ còn du canh, du cư, cần khoanh cho mỗi hộ một số diện tích, bảo đảm về lương thực, để các hộ này có trách nhiệm quản lý, bảo đảm rừng không bị phá, không bị cháy và được hưởng lợi ích, cụ thể là:
- Đối với rừng có sẵn hiện còn là tự nhiên và rừng đã trồng bằng vốn ngân sách: có thể khoán đến từng hộ gia đình để bảo vệ và nếu là rừng sản xuất, khi khai thác, các hộ nhận khoán được hưởng một tỷ lệ nhất định;
- Đối với rừng tự nhiên khoanh nuôi để tái sinh: mỗi hộ được giao khoán để tu bổ, chăm sóc và nếu là rừng sản xuất, khi khai thác, các hộ này cũng được hưởng lợi ích;
- Đối với đồi núi trọc: Nhà nước dùng vốn ngân sách để đầu tư trồng các loại rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, rừng sản xuất có chu kỳ trên 20 năm theo quy hoạch. Nhà nước cho các hộ gia đình vay vốn để họ trồng rừng mới (nông - lâm kết hợp) theo quy hoạch.
Bộ Lâm nghiệp và Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ quy định các định mức khoán và tỷ lệ lợi ích khi rừng sản xuất được khai thác như nói ở trên.
Đối với đồng bào đã định cư nhưng còn du canh, thì cũng giao khoán để bảo vệ, khoanh nuôi hoặc trồng mới và cấp cho mỗi hộ một số tiền hoặc lương thực đủ ăn trong một số năm.
Hình thành đội ngũ và bộ máy khuyến lâm đến tận các xã miền núi để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất.
Các Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng trực tiếp nhận một số diện tích để bảo vệ, khoanh nuôi hoặc trồng mới, kết hợp với bảo vệ an ninh biên giới và được hưởng các chính sách khuyến khích.
Thực hiện cơ chế "khoán gọn" việc thực hiện từng dự án cho Uỷ ban nhân dân tỉnh. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thực hiện các dự án phù hợp với số vốn và lương thực được giao. Các ngành Trung ương cần duyệt sớm các dự án mà các địa phương đã xây dựng theo đúng thủ tục để có thể triển khai ngay trong cuối năm 1993 và chuẩn bị sớm cho năm 1994. Cải tiến thủ tục xét duyệt các dự án theo hướng đảm bảo chặt chẽ về mục tiêu, nhưng thủ tục đơn giản, phù hợp với trình độ cán bộ miền núi.
Vận động các đoàn thể nhân dân (nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh) tham gia việc tuyên truyền, giải thích, nâng cao nhận thức về yêu cầu cấp bách bảo vệ môi trường, đồng thời giúp đỡ tổ chức cho các đoàn thể và đoàn viên, hội viên nhận thực hiện các dự án phù hợp.
Tổ chức lại hệ thống kiểm lâm ở các địa phương do Uỷ ban nhân dân các tỉnh trực tiếp quản lý để bảo đảm quản lý, điều hành có hiệu lực; Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn về thể chế, chính sách và quy chế nghiệp vụ, đào tạo cán bộ. Các tổ chức kiểm lâm không chỉ kiểm tra trên các trục đường giao thông, mà phải kiểm tra ngay tại cửa rừng và vào sâu trong rừng. Từng bước tăng thêm các phương tiện phòng chống cháy, chống sâu bệnh, phương tiện đi lại, giải quyết các chính sách thoả đáng về đời sống của lực lượng kiểm lâm.
a) Giao thông vận tải là lĩnh vực quan trọng nhất cần đặc biệt chú ý.
Bộ Giao thông vận tải và từng tỉnh cần nắm lại hệ thống đường trong tỉnh, xác định rõ mục tiêu đối với từng loại đường quốc lộ; đường tỉnh; các tuyến đường ngang nối từ các quốc lộ, tỉnh lộ ra biên giới, v.v... để có kế hoạch nâng cấp hoặc làm mới.
Chú trọng nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng; cải thiện hệ thống đường từ huyện đến trung tâm xã hoặc các cụm dân cư, hệ thống đường các xã, để có thể sử dụng các loại phương tiện từ xe thồ, ngựa thồ, đến xe máy, ô-tô, v.v... để đến hết năm 1995 các đường xuống trung tâm huyện đều đi được thông suốt cả mùa khô và mùa mưa; đến năm 2000, có đường ô tô từ huyện xuống các trung tâm kinh tế, các cụm dân cư của các xã. Từ xã về bản làng thì tổ chức nhân dân tự làm tuỳ yêu cầu và khả năng.
Mỗi tỉnh xác định rõ từng tuyến đường cần làm trước và tập trung đầu tư dứt điểm: loại do Trung ương đầu tư, loại do tỉnh, huyện và xã tự làm, Nhà nước hỗ trợ cầu, cống, thuốc mìn, máy lu và các phương tiện làm đường, v.v... Bộ Giao thông vận tải xác định rõ số vốn đầu tư thật cần thiết bổ sung cho năm 1993 và thực hiện trong năm 1994 - 1995, dự trù phần Nhà nước cần hỗ trợ để báo cáo Chính phủ kịp đưa vào kế hoạch năm 1994; đồng thời, đề nghị Chính phủ các chính sách khuyến khích về vốn, tín dụng, lãi suất, thuế để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh vận tải trên các địa bàn miền núi.
b) Giải quyết vấn đề nước cho sản xuất và đời sống.
- Củng cố và phát triển các công trình thuỷ lợi nhỏ là chủ yếu. Mỗi tỉnh nắm lại tình hình và xác định các công trình hiện có cần gia cố, những công trình cần xây dựng mới và tính toán vốn đầu tư cần thiết. Kết hợp thuỷ lợi nhỏ với thuỷ điện nhỏ ở nơi có điều kiện.
- Tập trung vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho vùng cao, cơ bản giải quyết đủ nước ăn cho 9 huyện trọng điểm (kết hợp với chương trình nước ăn vùng cao và nước sạch nông thôn do UNICEF tài trợ để phát triển các giếng, bể). Cố gắng hoàn thành sớm chương trình cấp nước cho vùng cao ngay trong năm 1996 (theo kế hoạch cũ là vào năm 1998 - 1999).
- Bộ Thuỷ lợi và Bộ Y tế thực hiện chức năng hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất và bảo đảm nước ăn sạch cho nhân dân miền núi; Uỷ ban nhân dân địa phương làm chủ dự án, có trách nhiệm tổ chức thực hiện để việc xây dựng và quản lý được đúng kỹ thuật, an toàn.
Xác định rõ quan hệ phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội trong việc xây dựng các giếng nước, bể nước do UNICEF tài trợ.
c) Tăng nguồn năng lượng, bảo đảm nhu cầu ánh sáng cho miền núi:
- Đối với các xã vùng cao, cần tính toán kỹ tác chi phí, nếu có hiệu quả, có thể sử dụng điện lưới quốc gia; Nhà nước đầu tư xây dựng đường dây hạ thế dưới 35kV để đưa điện đến các xã.
- Ngoài ra, để thích hợp với điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, cần phát triển nhiều cụm điện điêden và thuỷ điện nhỏ, cực nhỏ. Bộ Năng lượng xúc tiến hoàn chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới điện cho miền núi, vùng cao năm 1994 - 1995 để thực hiện từng năm thật cụ thể.
Bộ Công nghiệp nặng chủ trì cùng với các ngành nghiên cứu gấp một hình thức liên kết các xí nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu xây lắp các cụm điêden và thuỷ điện. Nhà nước đặt hàng và bao tiêu một số máy điêden và trạm thuỷ điện trên cơ sở quy hoạch và nhu cầu của các tỉnh; tổ chức bán (hoặc có thể cung cấp không đối với một số vùng), tổ chức việc dựng cột, kéo dây đến tận hộ dân, từ đó, mở rộng dần việc sản xuất và cung ứng các máy này.
- Chú ý nghiên cứu, làm thử việc sử dụng các dạng năng lượng thích hợp cho từng vùng, kể cả pin mặt trời, sức gió, v.v...
d) Chú trọng mạng lưới thông tin liên lạc: Tổng cục Bưu điện phải bảo đảm năm 1995, có điện thoại đến tất cả các huyện và những địa bàn trọng điểm ở miền núi, chú ý những nơi giao thông còn khó khăn thì thông tin càng bức xúc. Trong quý I năm 1994, giải quyết dứt điểm phương tiện thông tin cho các đồn biên phòng.
4. Về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin.
a) Giáo dục, đào tạo và công tác khoa học kỹ thuật.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương nghiên cứu lại nội dung chương trình và phương thức dạy và học, quy mô trường lớp phù hợp với đặc điểm từng tỉnh, huyện. Từ nay đến năm học 1995 - 1996, ở mỗi bản vùng cao tổ chức một lớp học ghép từ lớp 1 đến lớp 3 để thu hút hết số học sinh trong độ tuổi. ở mỗi cụm 4-5 xã, mở trường bán trú để thu hút học sinh lớp 4 - 5 ở các bản xa, không có cấp I toàn cấp. Cung cấp sách dạy chữ dân tộc cho các trường cấp I có yêu cầu.
- Củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, nhất là các trường của tỉnh, bảo đảm nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo cán bộ cho miền núi. Chú trọng cải tiến chương trình dạy và học ở các trường này, gắn học với hành, tiếp thu ngay kỹ thuật mới. Có kế hoạch sử dụng toàn bộ số học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông dân tộc nội trú.
- Sử dụng các chiến sĩ biên phòng, cán bộ đoàn thể, v.v... góp phần làm nhiệm vụ giáo dục, xoá mù chữ và có phụ cấp riêng về việc này.
- Hình thành 4 trung tâm đại học: Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Hoà Bình (chuyển một số nhà ở khu khách sạn trước đây sang dùng cho trung tâm đại học). Bộ Giáo dục và Đào tạo làm gấp đề án để triển khai việc này.
Chú trọng hơn nữa việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất miền núi, kể cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến.
- Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cùng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nghiên cứu gấp các chính sách toàn diện đối với cán bộ, giáo viên miền núi, nhất là cán bộ, giáo viên công tác ở vùng cao; khuyến khích cán bộ, giáo viên miền xuôi lên công tác ở miền núi và các cán bộ dân tộc công tác ở miền núi. Học sinh tốt nghiệp các trường đại học, trung cấp... nhận công tác ở miền núi được hưởng 100% lương trong thời gian tập sự. Nghiên cứu tiếp các chế độ khuyến khích như tăng các loại phụ cấp để thu nhập gấp 2 lần lương cơ bản; tăng thêm thời gian nghỉ phép năm cũng dài gấp đôi, v. v... Nghiên cứu chính sách đối với trưởng bản, già làng.
b) Về y tế, xã hội.
- Một vấn đề rất cấp bách là vận động đồng bào không trồng cây anh túc và tổ chức có hiệu quả việc cai nghiện.
+ Mỗi tỉnh xác định rõ số điểm còn trồng cây anh túc, chưa chuyển được; chuyển sang cây gì phù hợp với điều kiện địa phương; định thời gian hoàn thành việc này; đề xuất các chính sách cần hỗ trợ trong một số năm đầu, khi thu nhập của bà con có thể thấp so với trước (thí dụ: cấp lương thực). Một số địa phương đã trồng cây thanh hao hoa vàng và chiết suất artémicin; Bộ Y tế cần hướng dẫn cách trồng, bảo đảm chất lượng, giúp công cụ chế biến và tổ chức việc tiêu thụ sản phẩm.
+ Trừng trị thật nghiêm bọn buôn bán, vận chuyển thuốc phiện, ma tuý.
+ Tổ chức tốt việc cai nghiện: cung cấp đủ các loại thuốc cai nghiện; củng cố các cơ sở cai nghiện và tạo việc làm cho người nghiện (có thể giao cho Đoàn Thanh niên phụ trách một số cơ sở). Bộ Y tế nghiên cứu xác định tác dụng, hiệu quả các loại thuốc cai nghiện.
- Đối với các bệnh sốt rét, bướu cổ, tiêu chảy: mỗi tỉnh xác định rõ mức phấn đấu đến năm 1995 giảm được loại bệnh nào và các biện pháp thực hiện; phấn đấu năm 1995 đẩy lùi một bước và năm 2000, giảm hẳn bệnh sốt rét và bướu cổ; nhất thiết không để dịch (như sốt rét) xảy ra, nếu xảy ra thì phải dập tắt ngay.
- Mỗi tỉnh nắm lại tình hình, lập quy hoạch khoanh từng khu vực, đẩy lùi dần bệnh phong ở từng vùng. Trước mắt, tập trung ngay bệnh nhân phong về các nơi chữa bệnh. Rà soát lại những cơ sở tập trung bệnh nhân phong hiện có; những nơi điều kiện ăn, ở, chữa bệnh chưa tốt thì phải củng cố, bổ sung phương tiện tốt hoặc chuyển đến nơi có điều kiện tốt hơn. Bộ Y tế nghiên cứu trình Chính phủ dự trù vốn đầu tư kinh phí và đề xuất các chính sách đối với cán bộ y tế làm công tác chống bệnh phong.
- Củng cố tổ chức y tế ở miền núi, vùng vao: Hoàn thành việc xây dựng trung tâm y tế huyện; bố trí hợp lý cán bộ y tế xã tuỳ theo địa điểm dân cư, địa bàn hoạt động và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của dân. Củng cố y tế thôn, bản, lấy y tế thôn, bản làm cơ sở; trong một số năm trước mắt không còn xã trắng về y tế (hiện nay còn 90 xã chưa có trạm và cán bộ y tế). Thành lập thêm và củng cố các đội y tế lưu động, đặc biệt ở những vùng cao mà mạng lưới y tế còn yếu.
Cán bộ y tế xã, phường, thị trấn miền núi được hưởng lương và các chế độ phụ cấp, trợ cấp như cán bộ giáo dục và giáo viên.
c) Về văn hoá, thông tin:
- Tiếp tục phát triển phát thanh và truyền hình ở miền núi và vùng dân tộc: hết năm 1995, hoàn chỉnh việc phủ sóng truyền hình cho các huyện. Nâng cao chất lượng các buổi phát thanh bằng tiếng dân tộc, đi vào các nội dung thiết thực như hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, sinh hoạt theo nếp sống mới, chống các hủ tục mê tín dị đoan... Sản xuất nhiều máy thu thanh loại nhỏ, giá rẻ để đủ bán cho đồng bào (có thể áp dụng chính sách trợ giá đối với một số vùng quá khó khăn).
- Phát triển các đội thông tin lưu động, có chương trình phù hợp, thiết thực, kèm thêm máy phát điện, viđêô, đi vào các xã vùng cao, vùng sâu, Bộ Văn hoá - Thông tin và các tỉnh nghiên cứu đề xuất tổ chức, trang bị và các chính sách khuyến khích đối với các đội này.
- Nhà nước tài trợ những loại sách có tác dụng thiết thực đối với đồng bào miền núi, vùng dân tộc. Tiếp tục thực hiện việc cấp không Báo Nhi đồng và Báo Thiếu niên Tiền phong cho học sinh các trường phổ thông miền núi (như đã thực hiện từ đầu năm 1993).
- Tiếp tục duy trì phát triển và từng bước nâng cao các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng, khai thác và bảo tồn vốn văn hoá lâu đời của cộng đồng các dân tộc. Nghiên cứu khôi phục và nâng cao các lễ hội truyền thống lành mạnh.
5. Về cung ứng các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ sản phẩm.
a) Về lương thực, mỗi tỉnh nắm lại thật cụ thể số người còn thiếu đói ở từng huyện, từng xã; mức độ thiếu đói và nguyên nhân tại sao họ còn đói; trên cơ sở đó xác định rõ biện pháp đối với từng huyện, từng xã, đi đến chấm dứt tình trạng xin cứu tế mỗi khi giáp hạt. ở mỗi xã, phải có biện pháp giải quyết và đề xuất cụ thể đối với từng gia đình, như:
- Giúp vốn, giống để sản xuất (bằng cách vay ngân hàng thông qua tín chấp của các đoàn thể nhân dân cấp xã, như Nhà nước đã quy định). Trước mắt, có thể cho vay lương thực cần thiết khi sản xuất chưa có thu hoạch.
- Với những gia đình thật sự không có sức lao động, thì xác định rõ mức độ cần cứu tế trong thời gian nhất định.
Mỗi Uỷ ban nhân dân tỉnh cần xác định rõ mức lương thực tỉnh tự điều hoà được (bằng tiền, bằng trao đổi hàng hoá với tỉnh có lương thực); hoặc yêu cầu Chính phủ hỗ trợ (thời điểm và thời gian cần hỗ trợ).
b) Về các loại thực phẩm khác (như nước mắm đủ độ đạm, cá khô, các loại mắm, mỳ chính, mỳ ăn liền, v.v...); thương nghiệp quốc doanh của Bộ và tỉnh có trách nhiệm đưa hàng lên miền núi, vùng cao, mở cửa hàng thương nghiệp quốc doanh ở cụm xã hoặc chợ.
c) Tiếp tục thực hiện việc cung ứng những mặt hàng đã có chính sách trợ giá bán và thương nghiệp quốc doanh có nhiệm vụ cung ứng (muối i-ốt, dầu hoả, giấy viết, vải mặc, xăng dầu, sắt thép).
Bộ Thương mại nghiên cứu gấp và đề xuất các chính sách để tổ chức tiêu thụ những sản phẩm của đồng bào miền núi cần bán.
Miễn thuế doanh thu cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn miền núi.
Đối với đồng bào dân tộc ở những vùng cao đặc biệt khó khăn thì cấp không một số mặt hàng như muối i-ốt, dầu hoả thắp sáng. Uỷ ban Dân tộc và Miền núi cùng các Bộ liên quan (Tài chính, Thương mại, Y tế) xác định cụ thể số lượng hàng và mức kinh phí, trình Chính phủ quyết định.
Từ năm 1994, bảo đảm đủ muối có trộn i-ốt để bán rộng rãi ở các tỉnh miền núi, mọi người dân đều dùng muối i-ốt; khuyến khích mở rộng việc dùng muối i-ốt ra các vùng khác, vì chỉ có lợi, Bộ Y tế nghiên cứu và chuẩn bị sớm đề án này.
d) Về mạng lưới thương nghiệp, Bộ Thương mại tiếp tục khẩn trương củng cố thương nghiệp quốc doanh ở các tỉnh miền núi, phát triển mạng lưới các cửa hàng, điểm bán hàng, v.v... quốc doanh đến từng cụm xã; xây dựng các chợ miền núi và vùng cao gắn với đường giao thông; duy trì và xây dựng thêm chợ phiên ở những nơi có tập quán.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh miền núi có trách nhiệm chỉ đạo việc cung ứng các mặt hàng trợ giá và quản lý kiểm tra khâu trợ giá ở địa phương.
- Trước hết là phải phân công thực hiện theo từng chương trình, phân rõ trách nhiệm của ngành Trung ương, của Uỷ ban nhân dân địa phương (kể cả về vốn đầu tư và tổ chức việc thực hiện). Các ngành cần làm rõ các chủ trương, biện pháp, hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án thực hiện trong địa phương và trình Chính phủ.
- Uỷ ban nhân dân các địa phương phải tăng cường cán bộ đủ trình độ, đủ trách nhiệm để tổ chức thực hiện từng chương trình. ở các tỉnh miền núi và các huyện miền núi, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện phải trực tiếp chỉ đạo toàn bộ các chương trình, tổ chức việc phối hợp lực lượng giữa các chương trình. ở các tỉnh và huyện có cả miền xuôi và miền núi mà miền núi chiếm một vị trí quan trọng, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện cũng phải trực tiếp chỉ đạo.
- Các tỉnh, các huyện cần rút kinh nghiệm từ các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để mở rộng diện ứng dụng. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện.
- Ở các Bộ, các ngành, phải củng cố bộ phận chuyên về miền núi (như Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử một Thứ trưởng đặc trách) để đủ sức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, dự án và đặc biệt là kịp thời rút kinh nghiệm từ thực tiễn mà đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp.
Các Bộ, các tỉnh cần có kế hoạch cụ thể về quy hoạch, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc và miền núi. Củng cố bộ máy làm công tác miền núi và dân tộc.
Tóm lại, phải tập trung hơn nữa việc chỉ đạo, có sự đổi mới về tổ chức, cán bộ và phương thức làm việc, thực hiện tốt những nhiệm vụ đối với miền núi được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng Khoá VII, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 22, Quyết định số 72-HĐBT ngày 13-3-1990 và Chỉ thị này, bảo đảm tạo ra một số chuyển biến rõ rệt về kinh tế - xã hội miền núi và vùng dân tộc trong những năm tới.
Căn cứ Chỉ thị này, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi cùng các Bộ cần kịp thời hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh miền núi xây dựng thành các chương trình, quy hoạch và kế hoạch để thực hiện ngay trong những tháng còn lại của năm 1993 và đưa vào kế hoạch năm 1994 - 1995; trong đó đặc biệt chú trọng các cơ chế chính sách. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính cùng các Bộ, các ngành tổng hợp kế hoạch của các địa phương để đưa vào kế hoạch 1994 - 1995 trình Chính phủ.
|
Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.