ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/2006/CT-UBND |
Huế, ngày 20 tháng 9 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ CHỐNG TIÊU CỰC VÀ KHẮC PHỤC BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC
Trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá của đất nước vấn đề nguồn lực con người đã được nâng lên tầm chiến lược. Trong đó giáo dục và đào tạo giữ vai trò chủ đạo, phát triển giáo dục được khẳng định “là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Định hướng có tính chiến lược về giáo dục và đào tạo của Đảng ta tại Đại hội X cũng đã khẳng định: “Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học, khắc phục lối truyền thụ một chiều. Hoàn thiện hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục. Cải tiến nội dung và phương pháp thi cử nhằm đánh giá đúng trình độ tiếp thu tri thức, khả năng học tập. Khắc phục những mặt yếu kém và tiêu cực trong giáo dục”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục đã có xu hướng ngày càng phổ biến như: tình trạng gian lận trong thi cử, trong cấp và sử dụng văn bằng chứng chỉ, tiêu cực trong tuyển sinh, chuyển trường và các cấp học, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong xây dựng trường sở và mua sắm thiết bị dạy học. Các biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục đã làm ảnh hưởng đến các nguyên tắc cơ bản của giáo dục làm cản trở bước phát triển chung của xã hội.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006 về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Để thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a. Căn cứ Chỉ thị 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3859/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục với yêu cầu: nâng cao đạo đức của nhà giáo, giáo dục tính trung thực cho học sinh, sinh viên, bảo đảm trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường trong việc ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Xác định nhiệm vụ trọng tâm chống tiêu cực và bệnh thành tích của từng năm học, tập trung chỉ đạo các bậc học, ngành học và các cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn nghiêm túc thực hiện Chương trình hành động nói trên.
b) Tổ chức triển khai và tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, các tổ chức đoàn thể xã hội và các tầng lớp nhân dân trong xã hội hiểu mục đích, yêu cầu của cuộc vận động, nhằm nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, thống nhất ý chí, hành động và quyết tâm thực hiện trong học sinh, giáo viên, các nhà trường đồng thời tạo sự đồng thuận trong xã hội.
c) Phối hợp với Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức đoàn thể liên quan và các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng và thực hiện chương trình liên ngành để việc chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục trở thành hành động chung của toàn xã hội.
2. Các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, các cơ sở giáo dục đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cần chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; thông báo cho Sở Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và các cơ sở giáo dục do địa phương quản lý nghiêm túc thực hiện chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo.
4. Gia đình và các bậc phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh cần chú trọng giáo dục con em mình thái độ học tập đúng đắn, trung thực; không tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và chính quyền địa phương phát hiện và kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục.
5. Sở Văn hóa Thông tin, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về việc triển khai cuộc vận động, trước mắt là tuyên truyền về cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
6. Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các thủ tục thi đua khen thưởng cho cơ sở phù hợp với tinh thần đổi mới trong công tác thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tạo ra hiệu quả giáo dục thực chất.
7. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tổ chức, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp tình hình và báo cáo định kỳ hàng quý kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này về UBND tỉnh.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.