UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2009/CT-UBND |
Huế, ngày 28 tháng 9 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng, Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 12 tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai đồng loạt nhiều biện pháp tổng hợp để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực không ngừng của các lực lượng liên ngành trong công tác bảo vệ rừng, nên nhiều tụ điểm phá rừng ồ ạt trước đây đã được khống chế và kiểm soát, tình hình rừng trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tại một số địa bàn như: Khu vực rừng ven tuyến Hữu Trạch và Tả Trạch đầu nguồn sông Hương, các tiểu khu rừng đầu nguồn sông Bồ, đặc biệt tại các đập và lòng hồ thủy điện... vẫn còn tình trạng những cá nhân đang lén lút vào rừng, đưa trái phép các công cụ phương tiện thủ công, phương tiện cơ giới vào rừng thực hiện những hoạt động săn bắt chim thú, chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản và đào đãi vàng trái phép. Những tệ nạn này đã và đang diễn ra có lúc, có nơi rất ồ ạt ngày đêm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại thành các điểm nóng phá rừng nếu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không tiến hành ngay các biện pháp thích ứng và kiên quyết.
Để kịp thời chặn đứng nguy cơ tái diễn tệ nạn phá rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và duy trì sự ổn định tình hình rừng; nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra ngăn chặn người và phương tiện xâm nhập vào rừng trái phép, thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và những quy định có liên quan của pháp luật, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Nghiêm cấm các hành vi đưa trái phép người, công cụ, phương tiện thủ công, cơ giới, chất nổ... vào rừng để săn bắt chim thú, khai thác, chế biến lâm sản, thu thập mẫu vật và đào đãi vàng trái phép trên địa bàn rừng toàn tỉnh, đặc biệt các vị trí có nguy cơ xâm hại cao sau đây:
a) Khu vực rừng đầu nguồn sông Hương: Kể từ vị trí đập thủy điện Bình Điền trên tuyến sông Hữu Trạch; từ vị trí đập Tả Trạch trên tuyến sông Tả Trạch;
b) Khu vực rừng đầu nguồn sông Bồ: Kể từ vị trí đập Thủy điện Hương Điền.
c) Tại các khu vực trọng điểm khác trên địa bàn, giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quy định điểm cửa rừng và thông báo rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân có liên quan để nghiêm túc thực hiện.
Mọi hoạt động trong rừng từ các vị trí quy định là cửa rừng phải được sự cấp phép bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Khi được cấp phép hoạt động ở trong rừng - khu vực phía trên các đập thủy điện và các điểm cửa rừng –các tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm túc những quy định của pháp luật, quy chế quản lý rừng và nội quy, quy ước bảo vệ rừng của từng khu rừng. Mọi cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm vào rừng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm về quản lý bảo vệ rừng được giao; tham mưu cho UBND Tỉnh việc xây dựng đề án chuyển đổi các Trạm Kiểm lâm Bình Điền thuộc Hạt Kiểm lâm Hương Trà, các Trạm Kiểm lâm Dương Hòa và Bãi Gạo thuộc hạt Kiểm lâm Hương Thủy, Trạm Kiểm lâm Phong Sơn thuộc hạt Kiểm lâm Phong Điền để thành lập các Trạm Kiểm lâm lòng hồ trực thuộc Hạt Kiểm lâm các huyện với yêu cầu: Các Trạm phải đủ mạnh về lực lượng, trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện, thiết bị thích ứng, xây dựng quy chế, kế hoạch, phương án hoạt động hợp lý để thực hiện được tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên các lòng hồ và khu vực lân cận. Đồng thời, tiến hành rà soát, bố trí lại các Trạm Bảo vệ rừng của các chủ rừng trên địa bàn khu vực rừng đầu nguồn sông Hương, Sông Bồ thật phù hợp để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, khi mặt nước các hồ dâng cao.
3. Các cơ quan chức năng như Công an, Quân đội, Bộ Đội Biên phòng, chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý khai thác hồ và đập thủy điện... có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hổ trợ lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng; xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch bố trí lực lượng chốt chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; phối hợp đồng bộ tổ chức triển khai các đợt kiểm tra, truy quét tại các địa bàn có dấu hiệu lâm dân xâm nhập, đưa trái phép dụng cụ phương tiện vào rừng để thực hiện các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Đơn vị nào không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thì thủ trưởng đơn vị và những cá nhân có liên quan phải bị xử lý kỷ luật, trong trường hợp nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.