BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2592/CT-BNN-TL |
Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2024 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH THỦY LỢI, ĐÊ ĐIỀU TRONG MÙA MƯA, LŨ NĂM 2024
Năm 2023, trên thế giới và khu vực đã xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản kinh tế. Ở nước ta, thiên tai cũng xảy ra cực đoan trên các vùng miền, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân. Năm 2024, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì trong trạng thái El Nino đến hết mùa Xuân, sau đó chuyển sang trạng thái trung tính và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2024; từ tháng 7, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực biển Đông; tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, số 22/CT- TTg ngày 07/8/2018 về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; Thông tư số 13/2021/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai; để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc trọng tâm sau đây:
1. Chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn công trình
- Tổ chức tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn; rà soát, kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương các cấp; bổ sung phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều;
- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, đê điều nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình, nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt. Trong đó, căn cứ phương án được duyệt, chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê, công trình thủy lợi; ngoài vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư trong Nhân dân để sử dụng trong trường hợp xảy ra sự cố (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn);
- Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; chuẩn bị, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, các khu vực được đê bảo vệ trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp mưa, lũ cực đoan vượt tần suất thiết kế;
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn; tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa, lũ và báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh, thành phố và Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định;
- Tổ chức diễn tập phương án hộ đê, phương án ứng phó khẩn cấp của các hồ chứa; kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ khuyết kịp thời những thiết sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, ứng phó khẩn cấp sự cố công trình, đặc biệt là lực lượng quân đội đóng trên địa bàn;
- Tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cống dưới đê, cửa khẩu qua đê, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa;
- Tổ chức phát quang mái, chân đê, đập và trong phạm vi bảo vệ công trình để phục vụ công tác tuần tra, phát hiện và kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa, lũ; giải tỏa, thanh thải vật cản, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tiêu để đảm bảo tiêu úng, thoát lũ.
2. Hoàn thành tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình trước mùa mưa, lũ
- Đối với những sự cố công trình đã xảy ra trong các mùa mưa, lũ trước cần đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xử lý; đồng thời, lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa, lũ năm 2024;
- Huy động nguồn lực của địa phương để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa mưa, lũ và tu bổ các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra khi có lũ, bão;
- Rà soát, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, hồ chứa nước phải lập quy trình bảo trì, xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện. Chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên xử lý các trọng điểm đê điều, hồ chứa nước xung yếu, hồ chứa có lưu vực tập trung dòng chảy nhanh;
- Chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục công trình thủy lợi, đê điều đang tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng (trong đó lưu ý công trình thuộc các dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025) đảm bảo chất lượng, an toàn chống lũ, bão và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão; tuyệt đối không cắt xẻ đê và không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ;
- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND cấp huyện, đơn vị liên quan đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều xong trước mùa mưa, lũ và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão.
3. Đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa, lũ
a) Đối với các hệ thống công trình thủy lợi
- Tiếp tục rà soát, đánh giá nhiệm vụ, quy trình vận hành của các hồ chứa; báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình, nhất là các hồ chứa có tác động lớn đến dòng chảy, dân sinh vùng hạ du. Hoàn thiện và tổ chức thực hiện việc đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, nhất là các hồ chứa thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên; quyết định việc tích nước đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương;
- Bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình theo quy định; xây dựng quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện. Việc vận hành các hồ chứa phải chấp hành nghiêm quy trình vận hành đã được phê duyệt; rà soát và có giải pháp xử lý ách tắc dòng chảy khi vận hành xả lũ;
- Tăng cường theo dõi, cập nhật dự báo khí tượng thủy văn và áp dụng các công nghệ tiên tiến hỗ trợ điều tiết hồ chứa thủy lợi, phục vụ chỉ đạo, vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du;
- Đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ, quan trắc 4 lần một ngày và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn. Cập nhật thông tin vận hành các hồ chứa tối thiểu 2 lần/ngày trong điều kiện thời tiết bình thường và 4 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) lên trang điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Cục Thủy lợi (địa chỉ: www.thuyloivietnam.vn).
b) Đối với hệ thống đê điều
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ, bão; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra;
- Tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT để phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều xảy ra;
- Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và tổng hợp, báo cáo kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và PTNT; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai;
- Riêng đối với các cống dưới đê, cần tập trung, quan tâm thực hiện những nội dung sau:
+ Đối với những cống dưới đê đã xảy ra sự cố những năm trước, cống mới xây dựng nhưng chưa được vận hành trong điều kiện có lũ cao hoặc cống đang thi công, phải xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các cống đã xảy ra sự cố như: cống Cẩm Đình, cống Liên Mạc, thành phố Hà Nội; cống Tắc Giang, tỉnh Hà Nam; cống Long Phương, tỉnh Bắc Ninh; cống Đa Mai, tỉnh Bắc Giang; cống Liên Nghĩa, tỉnh Hưng Yên; cống Ngọc Quang, tỉnh Thanh Hóa,…;
+ Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt tạm thời hoặc vĩnh viễn đối với cống không đảm bảo an toàn; đối với các cống xung yếu phải có phương án bảo vệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó phân giao cụ thể nhiệm vụ cho tổ chức, cá nhân chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện; lập phương án cấp nước (hoặc tiêu nước) hỗ trợ để hạn chế ảnh hưởng do việc hoành triệt cống;
+ Việc sử dụng cống dưới đê trong mùa lũ phải chấp hành nghiêm quy trình đóng, mở. Đối với những cống chưa có quy trình vận hành, Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương chỉ đạo xây dựng, phê duyệt trước mùa mưa, lũ để tổ chức thực hiện ngay trong năm 2024;
+ Đối với cống do các Công ty, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi hoặc Chi cục Thủy lợi quản lý, đơn vị quản lý phải có quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương trong việc thực hiện phương án bảo vệ, xử lý các sự cố;
+ Đối với những cống dưới đê khác, giao cho UBND cấp huyện chỉ định ngay tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành.
- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, đê điều nhằm kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều. Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành quyết định cấp phép đối với chủ đầu tư các công trình liên quan đến thủy lợi, đê điều theo quy định của pháp luật;
- Chỉ đạo thực hiện nghiệm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; nhất là tình trạng vi phạm tập kết vật liệu quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ,…;
- Chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều;
- Tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn nhằm đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo vận hành công trình;
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.