ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2011/CT-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 29 tháng 8 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã được củng cố, kiện toàn; đội ngũ những người làm công tác giám định tư pháp theo vụ việc được công bố trên hầu hết các lĩnh vực và có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở vật chất, phương tiện công tác và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động giám định đã được chú trọng. Hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm; giúp cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, tránh được oan sai; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều hạn chế như: công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp chưa thường xuyên, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; hệ thống tổ chức giám định tư pháp chưa hoàn thiện; cơ sở vật chất đã được đầu tư song nhìn chung vẫn còn thiếu, lạc hậu trước yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; đội ngũ người làm công tác giám định tư pháp còn thiếu về số lượng và chưa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ...
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, phục vụ tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng và nhu cầu của xã hội về giám định tư pháp trong tiến trình cải cách tư pháp, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tập trung tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp:
Thủ trưởng các sở, ban ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan cần nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng cũng như trong đời sống xã hội; nhận thức rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc chăm lo, tạo điều kiện cho hoạt động giám định tư pháp thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương; tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về giám định tư pháp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác giám định tư pháp, tạo vị thế mới của hoạt động giám định tư pháp đáp ứng với tiến trình cải cách tư pháp trong tình hình mới.
2. Củng cố, kiện toàn tổ chức; tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp:
a) Củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp:
a.1) Trách nhiệm của Sở Tư pháp:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp nhằm củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh” trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở thực hiện. Việc thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh phải được hoàn thành trước ngày 30/9/2011. Việc xây dựng và ban hành Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh” phải hoàn thành trước ngày 15/10/2011.
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tiếp tục lựa chọn những người có đủ điều kiện về chuyên môn, trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp; lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc, nhất là các lĩnh vực có nhiều nhu cầu, lĩnh vực mới để UBND tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định khi có yêu cầu và phải được bổ sung thường xuyên.
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế rà soát đội ngũ giám định viên tư pháp, cơ sở vật chất hiện có, trên cơ sở đó xây dựng Đề án trình UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Pháp y và Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh.
a.2) Công an tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện việc rà soát, nắm rõ về số lượng và chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp, người làm công tác giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực quản lý; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho người làm giám định tư pháp, đồng thời có giải pháp thích hợp sử dụng những giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu theo chế độ, có trình độ chuyên môn cao, có đủ sức khoẻ và tự nguyện tiếp tục làm công tác giám định tư pháp, khắc phục tình trạng thiếu giám định viên hiện nay và về lâu dài cần thực hiện các giải pháp đồng bộ tạo nguồn nhằm tạo sự đột phá về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ người làm giám định tư pháp.
b) Tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp:
b.1) Công an tỉnh, Sở Y tế chủ động phối hợp với Viện Khoa học hình sự (trực thuộc Bộ Công an), Viện Pháp y Quốc gia, Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương (trực thuộc Bộ Y tế) cử người đi đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác giám định pháp y, giám định kỹ thuật hình sự, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ của những người thực hiện giám định trong những lĩnh vực này.
b.2) Công an tỉnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành liên quan tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cần thiết cho giám định viên tư pháp và đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương.
3. Bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động giám định tư pháp:
Công an tỉnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp tiến hành rà soát, đánh giá đúng thực trạng cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực do Sở, ngành mình quản lý (nhất là cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc của Phòng kỹ thuật hình sự, Phòng giám định pháp y, Bệnh viện tâm thần), trên cơ sở đó đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí mua sắm, trang bị cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ tốt hoạt động giám định tư pháp.
Đối với các sở, ngành có người giám định tư pháp theo vụ việc, việc bố trí kinh phí cho hoạt động giám định tư pháp được lập cùng với dự toán chi ngân sách nhà nước của sở, ngành hàng năm.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập dự toán kinh phí hàng năm đảm bảo cho hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh” và kinh phí quản lý về công tác giám định gửi Sở Tài chính thẩm tra, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
4. Tăng cường quản lý nhà nước về giám định tư pháp:
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan giúp UBND tỉnh tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm quản lý nhà nước đồng bộ, hiệu quả và đi vào thực chất, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước về giám định tư pháp hiện nay. Từ nay đến hết quý IV năm 2011, nghiên cứu xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ngành có các tổ chức giám định tư pháp nhằm phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
5. Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp do ngành quản lý; rà soát đội ngũ giám định viên tư pháp, cơ sở vật chất hiện có, xây dựng Đề án trình UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Pháp y và Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh.
6. Giám đốc Công an tỉnh căn cứ các quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp, Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp, Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh” và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tiếp tục tăng cường củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Phòng Kỹ thuật hình sự.
7. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt chính sách việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút đối với đội ngũ giám định viên tư pháp và người làm giám định tư pháp theo vụ việc trên địa bàn tỉnh.
8. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh” và kinh phí công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp do Sở Tư pháp lập dự toán.
9. Giám đốc các sở, ngành: Tư pháp, Y Tế, Tài chính, Nội vụ, Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp Trung ương. Quý IV năm 2013 tổ chức tổng kết đánh giá kết quả việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.