ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2010/CT-UBND |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 10 năm 2010 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, là đô thị đông dân nhất nước, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của các hệ thống dịch vụ, thương mại cũng làm tăng các mối nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ tại khu vực này.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy chợ, trung tâm thương mại gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chủ yếu là do các cơ quan quản lý, người đứng đầu và các hộ kinh doanh tại các cơ sở này còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng cháy và chữa cháy, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình hoạt động.
Để ngăn chặn và giảm thiểu các nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị như sau:
1. Sở Công Thương:
a) Chủ trì cùng các sở - ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tham mưu đề xuất những giải pháp thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 17/2009/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy và chữa cháy, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng cháy và chữa cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố liên quan đến chức năng quản lý nhà nước đã được quy định.
c) Phối hợp với Tổng Công ty Điện lực thành phố kiểm tra việc sử dụng điện; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật sử dụng an toàn điện tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố.
d) Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng kế hoạch khảo sát, quy hoạch kết cấu hạ tầng mạng lưới chợ, siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở khảo sát, quy hoạch, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các chủ đầu tư tiến hành xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở này, đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy và chữa cháy hiện hành.
2. Sở Quy hoạch - Kiến trúc:
Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Xây dựng tăng cường khảo sát quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố; hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho Ủy ban nhân dân các quận - huyện về quy hoạch và kiến trúc trong quá trình thực hiện quy hoạch tại địa phương, quy hoạch tập trung theo hướng phát triển các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại văn minh, hiện đại, tiện ích và an toàn.
3. Sở Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường kiểm tra công tác cấp giấy phép xây dựng và chất lượng công trình xây dựng an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.
4. Tổng Công ty Điện lực thành phố:
Biên soạn các tài liệu, tờ rơi hướng dẫn các biện pháp an toàn sử dụng điện tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố tăng cường công tác kiểm tra an toàn lưới điện, trạm biến áp tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố.
5. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn:
Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện liên quan kiểm tra, rà soát các trụ nước xung quanh khu vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố; đảm bảo về số lượng trụ, áp lực và lưu lượng theo quy định quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy để phục vụ có hiệu quả công tác chữa cháy khi có sự cố cháy xảy ra.
6. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:
a) Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Quy hoạch - Kiến trúc quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cho phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương và mật độ dân cư theo quy định tại TCXDVN - Tiêu chuẩn 361: 2006 “Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế”.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố và Sở Công Thương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy, hướng dẫn thực hiện các quy định, biện pháp, điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cho Ban quản lý các chợ, người đứng đầu trung tâm thương mại, siêu thị và các hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý.
c) Tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thuộc phạm vi quản lý; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.
d)Chỉ đạo Công an các quận - huyện tăng cường kiểm tra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thuộc địa bàn quản lý trong quá trình hoạt động và khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
đ) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường - xã, thị trấn kiên quyết giải tỏa tất cả các điểm, khu vực mua bán tự phát trên địa bàn quản lý không đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường.
7. Ban quản lý các chợ, người đứng đầu trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy, hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy đối với chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thuộc phạm vi quản lý; tổ chức tập huấn cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở và các hộ kinh doanh về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
b) Ban hành và niêm yết các nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định. Tổ chức vận động các hộ kinh doanh cam kết tự giác chấp hành các quy định, nội quy an toàn phòng cháy và chữa cháy.
c) Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở này, khắc phục kịp thời các thiếu sót, tồn tại về phòng cháy và chữa cháy; đôn đốc, nhắc nhở hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc các quy định, nội quy, điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; tăng cường trực bảo vệ và tuần tra 24/24 giờ hàng ngày, đặc biệt là vào các ngày nghỉ, lễ, Tết và ban đêm; kiểm tra hệ thống điện tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; kiểm tra, nhắc nhở việc sử dụng an toàn điện, nguồn nhiệt tại các quầy sạp, gian hàng; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo dễ dàng thoát nạn và chống cháy lan; kiên quyết giải tỏa các quầy, sạp xây dựng thêm mái che, các bãi giữ xe lấn chiếm đường giao thông và khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy.
d) Đảm bảo kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; tăng cường bổ sung, củng cố lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy, nguồn nước chữa cháy tại chỗ. Định kỳ rà soát, bổ sung và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại chỗ, đảm bảo kịp thời xử lý các sự cố cháy, nổ xảy ra ngay từ khi mới phát sinh.
8. Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố:
a) Tăng cường kiểm tra, phúc tra an toàn phòng cháy và chữa cháy chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kể cả kiểm tra vào ban đêm. Trong quá trình kiểm tra cần chú ý kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy của từng cơ sở, đặc biệt là đối với những thiết bị, những vị trí có nhiều khả năng gây cháy, nhiều chất cháy; kiểm tra việc thực hiện các quy định, điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở này; thẩm duyệt, kiểm tra thi công, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xây dựng mới, cải tạo, mở rộng các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Kịp thời hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy.
b) Phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các cơ quan, cá nhân có liên quan tăng cường các biện pháp phòng cháy và chữa cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; tổ chức tuyên truyền, phổ biến về pháp luật và kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; hướng dẫn thực hiện các biện pháp, điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy; tự tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, lực lượng bảo vệ và các hộ kinh doanh; hướng dẫn xây dựng, duyệt và thực tập các phương án chữa cháy có nhiều lực lượng tham gia tại các cơ sở này.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các quận - huyện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các cơ quan và cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 31/CT-UB-NC ngày 28 tháng 7 năm 1994 về công tác phòng cháy và chữa cháy tại các chợ trên địa bàn thành phố và Chỉ thị số 35/1998/CT-UB-KT ngày 19 tháng 9 năm 1998 về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.