THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CT-TTG |
Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM HỖ TRỢ, PHÁT HUY TỐT VAI TRÒ CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Ngày 24 tháng 5 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới (sau đây gọi là Chỉ thị số 08/CT-TTg). Trong thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg đã được các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các cấp Hội Luật gia triển khai một cách nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi để kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị trí và vai trò tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của Hội Luật gia Việt Nam, góp phần tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện công tác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới theo Chỉ thị số 08/CT-TTg còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một số nhiệm vụ chưa được tổ chức thực hiện hiệu quả hoặc còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và Hội Luật gia Việt Nam chưa được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; kinh phí bố trí để thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg còn hạn hẹp trong khi công tác xã hội hóa chưa được đẩy mạnh...
Thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, Kết luận số 19-KL/TW ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Ban Bí thư khóa XI về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW và Thông báo Kết luận số 50-TB/TW ngày 17 tháng 7 năm 2018 của Ban Bí thư về sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Ban Bí thư, để tiếp tục phát huy vai trò và khả năng của giới luật gia trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh việc phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, Kết luận số 19-KL/TW ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Ban Bí thư khóa XI về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW và Thông báo Kết luận số 50-TB/TW để nắm vững những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội Luật gia củng cố, kiện toàn tổ chức và phát triển hội viên; lựa chọn, bố trí các luật gia có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình và có đủ tiêu chuẩn để bố trí làm cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác Hội; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ và hội viên. Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác xây dựng, thẩm định, góp ý kiến về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở và các thiết chế hòa giải khác, tư vấn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp pháp lý theo quy định pháp luật; tham gia phòng chống tội phạm; tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, giới thiệu một số chức danh tư pháp, hội thẩm nhân dân, hòa giải viên và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật… Đảm bảo, sử dụng kinh phí chi hoạt động thường xuyên hàng năm để thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị này theo quy định pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước.
2. Bộ Tư pháp chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau đây:
a) Tăng cường sự phối hợp, tham gia của Hội Luật gia Việt Nam trong các hoạt động tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, soạn thảo; mời đại diện Hội Luật gia Việt Nam tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Hội đồng thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan; tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi, thảo luận về các giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật...
b) Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, khai thác và sử dụng có hiệu quả đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên là hội viên Hội Luật gia các cấp tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện để Hội Luật gia Việt Nam tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, tập trung vào các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; biên soạn tài liệu pháp luật; phổ biến, giáo dục trên phương tiện thông tin đại chúng; tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách; tham gia công tác hòa giải ở cơ sở...; xây dựng, thực hiện các chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở...
c) Nâng cao năng lực của đội ngũ tư vấn viên pháp luật, chú trọng kỹ năng tư vấn pháp luật chuyên sâu cho cán bộ của các Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Hội Luật gia các cấp; triển khai ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cho Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam đủ điều kiện theo quy định; liên kết hoạt động tư vấn pháp luật tại các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý trong triển khai các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho từng đối tượng cụ thể.
d) Tăng cường sự phối hợp, tham gia của Hội Luật gia Việt Nam vào góp ý xây dựng các chương trình, dự án đề án về lĩnh vực tư pháp và pháp luật.
đ) Tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ Hội Luật gia Việt Nam tham gia công tác giám sát, theo dõi việc thi hành pháp luật; giải quyết các tranh chấp pháp lý theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Nội vụ phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, góp ý các đề án về cải cách thủ tục hành chính, chủ động tham gia kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
4. Thanh tra Chính phủ đề xuất và thực hiện các biện pháp để phát huy vị trí, vai trò của các cấp Hội Luật gia trong việc tham gia vào các hoạt động tiếp công dân, tư vấn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.
5. Bộ Ngoại giao thực hiện các giải pháp và tạo điều kiện để Hội Luật gia Việt Nam nâng cao năng lực thực hiện công tác đối ngoại Nhân dân; tăng cường vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong Hiệp hội luật gia các nước ASEAN (ALA), Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hiệp hội luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) và các tổ chức luật gia dân chủ, tiến bộ trên thế giới; tăng cường các hoạt động nghiên cứu, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và học thuật trong lĩnh vực pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế; tạo điều kiện cho Hội Luật gia Việt Nam tham gia vận động và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Ngoại giao.
6. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 08-CT/TTg ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chỉ thị này; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
|
THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.