ỦY BAN NHÂN DÂNTHÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2004/CT-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 08 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢNTRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Trong thời gian qua, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/2002/CT-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2002. Các cơ quan liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, công trình thủy lợi, công trình giao thông và các cấp chính quyền địa phương cũng đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm khai thác khoáng sản vẫn còn diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, hiện tượng khai thác đất phục vụ yêu cầu san lấp xảy ra bừa bãi, không phép, trái phép tại các quận-huyện ven thành phố tiếp tục xuất hiện trở lại.
Các vi phạm trên có xu hướng gia tăng về số vụ lẫn sự tinh vi đã gây nhiều tác động xấu đến hoạt động kinh tế-xã hội, đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, gây tác động xấu đến môi trường, đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác thi hành nghiêm Luật Khoáng sản năm 1996, Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi), Chỉ thị số 16/2002/CT-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2002 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông, Quyết định số 06/QĐ-BTNMT ngày 19 tháng 9 năm 2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và để chấn chỉnh, tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho Giám đốc các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã, thị trấn tiến hành ngay các biện pháp sau :
1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, các sở-ngành, quận-huyện, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá lại thực trạng tài nguyên khoáng sản rắn trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, lập quy hoạch tổng thể, xây dựng kế hoạch quản lý, khoanh vùng khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch-Kiến trúc và các sở-ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận-huyện khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác đất dùng cho san lấp các công trình trên cơ sở khai thác hợp lý, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương và lợi ích kinh tế-xã hội-môi trường. Trình tự, thủ tục cấp phép khai thác cần tuân thủ theo Điều 63 Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi) ; Quyết định số 06/2003/QĐ-BTNMT ngày 19 tháng 9 năm 2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào Luật Khoáng sản, các văn bản của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật Khoáng sản trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, dự thảo Quy chế quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, trong đó cần thể hiện rõ các quy định về hoạt động quản lý, khai thác tận thu khoáng sản ; hoạt động nạo vét kết hợp tận thu khoáng sản ; hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng vật liệu san lấp.
2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, các lực lượng giao thông đường thủy, Công an, Quản lý thị trường các địa phương thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra các hoạt động khai thác, tận thu cát trên các tuyến sông giáp rạch một cách có hiệu quả. Có báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh về việc phối hợp này.
3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với cơ quan liên quan thuộc Sở Giao thông Công chánh, Khu quản lý đường sông, Công an thành phố, Đoạn quản lý đường sông 10, Chi cục Đường sông phía Nam, Cảng vụ thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện có sông rạch đi qua xây dựng kế hoạch kiểm tra tình trạng khai thác, bơm hút, nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông theo định kỳ và đột xuất trên toàn bộ các tuyến sông, rạch thuộc địa bàn thành phố.
4. Giao Sở Thương mại, Chi Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra tính hợp pháp về nguồn gốc của cát trên thị trường, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Công chánh, Ủy ban nhân dân các quận-huyện có sông rạch đi qua tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các bến bãi kinh doanh thu mua cát từ các nguồn cát bất hợp pháp.
5. Các đơn vị được cấp giấy phép thi công nạo vét luồng lạch kết hợp tận thu sản phẩm cát trên địa bàn thành phố phải tuân thủ nghiêm theo các quy định của giấy phép, tiến hành đăng ký thi công tại Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố theo đúng quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các thông tin đăng ký trên cho Ủy ban nhân dân địa phương nơi đơn vị thi công và cùng phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
6. Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giám sát, kiểm tra việc thi hành các quy định của pháp luật về khoáng sản đối với mọi tổ chức, cá nhân ở địa phương để mọi người biết và chấp hành tốt.
Đối với các địa phương có sông, rạch đi qua, ngoài việc cùng tham gia kiểm tra các hoạt động khoáng sản còn phải xây dựng kế hoạch kiểm tra độc lập việc các hộ khai thác cát quy mô nhỏ (ghe hút cát), các hộ kinh doanh cát, sỏi và hoạt động khai thác, nạo vét cát, sỏi, bùn trên các tuyến sông, rạch thuộc địa phương quản lý.
Đối với các địa phương có hiện tượng khai thác đất san lấp không phép, trái phép, Ủy ban nhân dân địa phương tiến hành thực hiện các biện pháp xử lý nghiêm nhằm chấm dứt ngay các hiện tượng trên ; xem xét lại công tác cấp phép, kiểm tra, giám sát sau khi cấp giấy phép trong thời gian qua.
Từ nay đến khi Quy chế quản lý tài nguyên khoáng sản được ban hành, Ủy ban nhân dân các quận-huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản (bao gồm cả khai thác đất san lấp) từ khâu quy hoạch, cấp phép, kiểm tra việc thực hiện sau khi cấp giấy phép và xử lý vi phạm (nếu có).
7. Các trường hợp vi phạm quy định hoạt động khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã, thị trấn và các cơ quan có thẩm quyền liên quan phải lập biên bản và kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
8. Căn cứ nội dung Chỉ thị này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, các sở-ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã, thị trấn khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc các cơ quan liên quan gởi báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và đề xuất biện pháp xử lý trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.
Nơi nhận : |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.