ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-UBND |
Thanh Hóa, ngày 09 tháng 12 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc tập trung nguồn lực, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh; nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, đó là: việc rà soát, hoàn thiện thể chế, xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, môi trường vẫn còn xảy ra; việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm, còn để xảy ra một số trường hợp gây thất thoát, lãng phí ... Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan do một số quy định của pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; song, nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt yêu cầu.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện quyết liệt hiệu quả các nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với từng cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tổ chức thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đặc biệt là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm của tỉnh…
Phải luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan, địa phương, đơn vị; phải xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành tự giác, tự nguyện của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, người thân và Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực kinh tế, xã hội cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh và nâng cao cuộc sống của Nhân dân.
2. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định của pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
a) Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật do tỉnh ban hành không còn phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và thực tiễn của tỉnh; đồng thời, rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật do trung ương ban hành có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 10/02/2025 và gửi về Sở Tài chính để tổng hợp.
b) Giao Sở Tài chính chủ trì, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, báo cáo của các đơn vị và tình hình thực tế:
- Đối với các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật do tỉnh ban hành: chủ động tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế; đối với các văn bản không thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành mình tham mưu, phải khẩn trương tổng hợp, dự thảo văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan tham mưu sửa đổi, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 28/02/2025.
- Đối với các luật, văn bản quy phạm pháp luật do trung ương ban hành: khẩn trương tổng hợp, tham mưu dự thảo văn bản của UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 28/02/2025.
3. Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực sau:
3.1. Về quản lý ngân sách nhà nước
a) Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý thuế, kế toán, kiểm toán...; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi cho đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.
- Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
b) Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch trong việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường công tác tham mưu, hướng dẫn đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
3.2. Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công
a) Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 06/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 16728/UBND-THKH ngày 11/11/2024 về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
- Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; kịp thời xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
- Tăng cường tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đầu tư công; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, kiên quyết cắt giảm các thủ tục không cần thiết; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ dự án đầu tư công.
b) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tập trung rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
- Thường xuyên rà soát, kịp thời đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm từ các dự án không giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn.
- Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, lập kế hoạch đầu tư công, rà soát kỹ lưỡng hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo việc phân bổ vốn phải hợp lý, tập trung; sử dụng vốn tối đa, tránh phân tán, dàn trải; theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư công; kịp thời tham mưu biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hoặc biện pháp xử lý nghiêm các đơn vị, chủ đầu tư, địa phương thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý dự án yếu, tỷ lệ giải ngân thấp so với mức trung bình của cả tỉnh hoặc vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
3.3. Về quản lý, sử dụng tài sản công
a) Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; trong đó, tập trung thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Khẩn trương rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/12/2024, đồng thời gửi về Sở Tài chính để tổng hợp.
- Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm công tác tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa theo Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 03/6/2024 của UBND tỉnh, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định.
b) Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Khẩn trương tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định biện pháp xử lý đối với các tài sản không có nhu cầu sử dụng, nhanh chóng đưa vào sử dụng các cơ sở nhà, đất, công sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, phát huy hiệu quả sử dụng tài sản Nhà nước; trước mắt, khẩn trương tổng hợp, tham mưu dự thảo văn bản của UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính kết quả rà soát, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 12/12/2024.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tham mưu xây dựng Cơ sở dữ liệu thành phần để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/5/2025.
3.4. Về quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai
a) Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố , theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc lập, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý đất đai; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và hội nhập quốc tế. Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.
b) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan:
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; rà soát, đánh giá đúng thực trạng các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên phạm vi toàn tỉnh, đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh việc thực hiện dự án, đưa đất đai vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai.
- Tập trung rà soát, thẩm tra năng lực chủ đầu tư các dự án khai thác khoáng sản, kiên quyết không tham mưu, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận, cấp giấy phép các dự án khai thác khoáng sản sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây lãng phí tài nguyên hoặc không thân thiện với môi trường; đẩy mạnh công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động khoáng sản trái phép; kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác, đảm bảo kê khai, nộp thuế theo đúng khối lượng thực tế khai thác.
- Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu, thẩm định quy hoạch, kế hoạch, đo đạc, lập phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính, đảm bảo việc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
3.5. Về quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
a) Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tiếp tục tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tài chính, đổi mới quản trị, công nghệ, cơ cấu lại sản phẩm, ngành, nghề sản xuất kinh doanh, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát theo quy định và kế hoạch việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp nhà nước.
b) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan:
- Khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các khu đất, công trình có nguồn gốc của hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập đã giải thể, sáp nhập và các doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa nhưng doanh nghiệp chưa đưa vào báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc cố tình bỏ sót, để ngoài sổ sách, báo cáo; việc chuyển sở hữu, “tư nhân hóa ngầm” đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không đấu giá; báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất biện pháp xử lý với UBND tỉnh trước ngày 30/4/2025, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát ngân sách nhà nước.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bảo đảm tuân thủ đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp; trường hợp phát hiện doanh nghiệp sử dụng đất có mục đích khác với phương án đã được phê duyệt hoặc đã được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, phải kịp thời xử lý hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
3.6. Về tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động
a) Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ; quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng, đảm bảo năng suất, hiệu quả công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước.
- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, thời gian xử lý, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm; tăng cường thực hiện giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ Nhân dân.
- Chuyển đổi số toàn diện việc thực hiện thủ tục hành chính, nhất là hoạt động cấp phép, chuyển mạnh sang cấp phép tự động dựa trên ứng dụng công nghệ, dữ liệu số.
b) Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tập trung tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của trung ương về sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
- Thường xuyên rà soát, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ tại các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh; kiên quyết đề xuất điều chuyển, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực yếu kém, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.
3.7. Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, thực hành tiết kiệm trong tổ chức lễ hội, ngày kỷ niệm: Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, khẩn trương rà soát kết quả thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức các lễ hội, ngày kỷ niệm…; trên cơ sở kết quả rà soát và các quy định hiện hành của pháp luật, khẩn trương tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/01/2025 (kèm dự thảo công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về biện pháp thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, ngày kỷ niệm…).
4. Về tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí : giao Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm, như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài sản công; trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra lãng phí hoặc tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.
5. Căn cứ Chỉ thị này, Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và khu vực; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc sở; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Tổng giám đốc, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc tỉnh quản lý, Giám đốc các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Giám đốc các đơn vị dự toán ngân sách, phải trực tiếp chỉ đạo rà soát, thống kê toàn bộ các vụ việc, dự án, công việc đang bị lãng phí hoặc có nguy cơ lãng phí trên các lĩnh vực thuộc phạm vi do mình quản lý, theo dõi; trên cơ sở kết quả rà soát, khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục tình trạng lãng phí (trong đó cần nêu cụ thể nội dung công việc, đơn vị chủ trì thực hiện, dự kiến tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành, phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp chỉ đạo, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện); báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/01/2025.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt Chỉ thị này đến từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nội dung theo chỉ đạo nêu trên; kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.