UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2008/CT-UBND |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 11 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XỬ LÝ VI PHẠM TRẬT TỰ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng đã quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của các cơ quan quản lý các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, nhưng việc thực hiện chưa nghiêm, chưa triệt để dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép và các vi phạm khác trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn xảy ra trên địa bàn thành phố. Trong năm qua, tuy tình trạng vi phạm xây dựng có giảm nhưng vẫn còn ở mức độ cao, ở một số quận, huyện ngoại thành xây nhà không phép, sai phép phát sinh trở lại làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung của thành phố.
Nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm xây dựng và chấn chỉnh công tác quản lý tại địa phương và trên toàn địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị như sau:
I. TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN 24 QUẬN, HUYỆN
1. Chịu trách nhiệm quản lý địa bàn, chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng quận, huyện, phường, xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra hoạt động của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng nhằm phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý kiên quyết, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật như: xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng được cấp và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động xây dựng; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc không phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động xây dựng.
2. Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tăng cường quản lý các hoạt động xây dựng trên địa bàn. Khi phát hiện hành vi xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng được cấp, yêu cầu lực lượng Thanh tra Xây dựng phường, xã, thị trấn phải xử lý nghiêm, kiên quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, đồng thời xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Việc yêu cầu phá dỡ bộ phận công trình hoặc công trình vi phạm phải căn cứ vào quy định tại Điều 12, Điều 13 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng trách nhiệm quản lý để xảy ra vi phạm trên địa bàn phụ trách quản lý.
4. Thực hiện công tác báo cáo tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn định kỳ hàng tháng, quý về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Xây dựng.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ - NGÀNH
1. Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, lập đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện, hướng dẫn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng Thanh tra Xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn; phối hợp với Sở Nội vụ kiểm tra, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý cán bộ, công chức buông lỏng quản lý trật tự xây dựng và các biện pháp để quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả. Đồng thời, theo dõi tổng hợp, phân loại, đánh giá và báo cáo số liệu xử lý vi phạm định kỳ và đột xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng. Kiên quyết xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
2. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra Xây dựng quận, huyện, phường, xã, thị trấn xử phạt kiên quyết các trường hợp vi phạm xây dựng các công trình trong hành lang sông, rạch theo Chỉ thị số 27/2002/CT-UB ngày 19 tháng 12 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường quản lý nhà nước đối với sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 319/2003/QĐ-UB ngày 26 tháng 12 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy định về quản lý việc san lấp và xây dựng công trình trên sông, kênh, rạch, đầm, hồ công cộng thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
3. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở khác liên quan có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Thanh tra tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực do mình quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, hệ thống thông tin liên lạc, sông rạch, bờ kè…, báo cáo định kỳ 3 tháng gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn các chủ đầu tư công trình, dự án do sở, ngành quản lý thực hiện tốt các quy định tại Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
4. Các Ban Quản lý dự án, các Tổng Công ty có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn quản lý về xây dựng tăng cường công tác kiểm tra sau cấp phép trên địa bàn quản lý, đình chỉ ngay các trường hợp xây dựng trái phép, không đảm bảo chất lượng theo quy định tại Điều 67 Luật Xây dựng. Phối hợp với Thanh tra Xây dựng xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng.
5. Các đơn vị liên quan:
- Công ty Điện lực thành phố, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành ngưng cung cấp các dịch vụ điện, nước theo đúng quyết định đình chỉ thi công xây dựng và quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, nghiêm túc thực hiện theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
- Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo Trưởng Công an các quận, huyện, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Thanh tra Xây dựng phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu trong quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền đúng theo quy định của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA ngày 07 tháng 7 năm 2007 của Bộ Xây dựng và Bộ Công an hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng.
- Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và xử phạt theo quy định tại Nghị định số 123/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, lực lượng Thanh tra Xây dựng các cấp thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên theo quy định của Chỉ thị này trên địa bàn mình quản lý. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tất cả các tầng lớp nhân dân về nội dung Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Giao Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc các Ban Quản lý, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty; Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Công ty Điện lực thành phố và các sở, ngành khác có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này trên toàn địa bàn thành phố.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở, ngành được giao nhiệm vụ nghiên cứu, có văn bản đề xuất gửi về Sở Xây dựng tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết hoặc xin ý kiến Bộ Xây dựng và các Bộ chuyên ngành để được giải quyết kịp thời.
4. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.