ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2008/CT.UBND |
Vinh, ngày 21 tháng 8 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TIÊM PHÒNG VẮC XIN CHO GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp và xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng gia súc, bệnh tụ huyết trùng ở trâu bò và bệnh Tai xanh ở lợn (trong 6 tháng đầu năm dịch Tai xanh xảy ra tại 7 huyện, thành phố; lở mồm long móng ở gia súc xảy ra tại 8 huyện; cúm gia cầm đã tái phát tại 2 huyện; tụ huyết trùng trâu bò đã xảy ra tại 4 huyện) làm nhiều gia súc, gia cầm mắc bệnh và chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế, an sinh xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do công tác tiêm vắc xin phòng bệnh không được một số địa phương quan tâm đúng mức và nhiều người chăn nuôi không thực hiện nghiêm túc theo quy định, dẫn đến kết quả tiêm phòng thấp, thậm chí một số nơi không tiêm phòng.
Thực hiện Chỉ thị số 2349/CT-BNN-TY ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm, để tạo miễn dịch chủ động cho gia súc, gia cầm, ngăn chặn dịch bệnh tái phát và lây lan, hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi, tiết kiệm cho Ngân sách nhà nước phải hỗ trợ cho chủ chăn nuôi có gia súc, gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Sở Nông nghiệp & PTNT:
a) Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng và tổ chức, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo Chi cục Thú y chuẩn bị, cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng các loại vắc xin để công tác tiêm phòng thực hiện đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao. Trước mắt, tổ chức thực hiện Kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc vụ Thu 2008, tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc và vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm đợt II /2008 đạt hiệu quả cao.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
c) Báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp & PTNT về kết quả tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm cụ thể của từng huyện, thành phố, thị xã, gồm: tổng đàn gia súc, gia cầm; số lượng gia súc, gia cầm được tiêm phòng và tỷ lệ tiêm phòng đạt được đối với từng loại bệnh. Tham mưu trình UBND tỉnh khen thưởng biểu dương những tập thể cá nhân thực hiện tốt và phê bình những cá nhân đơn vị thực hiện không nghiêm túc, kết quả đạt thấp.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An: Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các địa phương, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tác dụng của tiêm phòng vắc xin; trách nhiệm của các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm và chính quyền các cấp trong việc thực hiện tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh và các quy định của pháp luật.
3. Sở Tài chính: Chủ động bố trí nguồn kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định hiện hành.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
a) Trên cơ sở Kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm của tỉnh, chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Kế hoạch tiêm phòng vắc xin của địa phương mình; đồng thời ra Chỉ thị yêu cầu UBND các phường, xã và các cấp các ngành liên quan của địa phương và người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc Kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Tỷ lệ tiêm phòng bắt buộc phải đạt 100% kế hoạch được giao. Ngoài ra còn tổ chức các đợt tiêm phòng bổ sung liên tục giữa các đợt tiêm chính, đảm bảo cho tất cả gia súc gia cầm đến tuổi tiêm phòng đều được tiêm phòng. Huyện, thành phố, thị xã nào tổ chức tiêm phòng chậm hoặc tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, nếu dịch xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng thì Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
b) Chỉ đạo UBND các phường, xã thành lập đội tiêm phòng vắc xin của xã, phường; lập sổ theo dõi tiêm phòng đến tận từng hộ chăn nuôi và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng để đối chiếu khi cần thiết và tạo cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển; trích ngân sách địa phương hỗ trợ công tác tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm.
c) Chỉ đạo Phòng Thông tin Tuyên truyền, Đài Truyền thanh Truyền hình huyện và Đài Truyền thanh các xã, phường phối hợp với cơ quan Thú y để tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước về tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh.
5. Các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm: Tự giác thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm của gia đình theo kế hoạch của Chính quyền địa phương. Nếu không chấp hành quy định về tiêm vắc xin phòng các loại bệnh theo quy định sẽ không được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi có dịch xảy ra theo tinh thần Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3380/QĐ.UBND ngày 01/8/2008 của UBND tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp, trình UBND tỉnh giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.