UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UB |
Bến Tre, ngày 20 tháng 9 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KIỂM TRA ĐẢM BẢO AN TOÀN CÁC CÔNG TRÌNH CẦU, CỐNG ĐANG SỬ DỤNG TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRONG ĐỊA BÀN TỈNH.
Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bến Tre có tổng chiều dài 3.886km, bao gồm: 02 tuyến quốc lộ có chiều dài 76,06km, 7 tuyến đường tỉnh có chiều dài 215,42km, 18 tuyến đường huyện có chiều dài 271,70km, các đường liên xã có chiều dài 422km, các đường đến trung tâm xã và đường liên ấp có chiều dài khoảng 1.850km, các đường vào xóm, ấp có chiều dài khoảng 1.050km.
Các công trình giao thông gồm có: 1.955 cầu với tổng chiều dài 35.728m nằm trên các tuyến từ đường xã đến quốc lộ và 106 cống với tổng chiều dài 984m nằm trên các tuyến từ đường tỉnh đến quốc lộ. Ngoài ra, còn hàng trăm công trình cầu, cống nông thôn lớn nhỏ nằm khắp ở các đường vào xóm, ấp và những công trình kè, tường chắn để chống xoáy lở và lũ nằm dọc trên các tuyến đường.
Các công trình giao thông là một cơ sở hạ tầng đặc biệt, là tiền đề phát triển KT-XH, thể hiện trình độ văn minh, mức độ giao lưu của tỉnh nhà, là điều kiện cần cho việc giữ gìn an ninh, quốc phòng; đồng thời tạo điều kiện tốt để cải thiện và bảo vệ môi sinh, môi trường. Đó là một khối tài sản quốc gia có giá trị cao, một phần phúc lợi của toàn xã hội mà mọi người đều có quyền được thụ hưởng. Do vậy, chúng ta phải cùng nhau có trách nhiệm chăm lo dưới sự thống nhất quản lý và khai thác của Nhà nước.
Với yêu cầu thực tiễn trên, đồng thời để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số: 09/1999/CT-TTg ngày 17/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số: 293/1999/ CT-BGTVT ngày 09/7/1999 của Bộ Giao thông Vận tải v/v kiểm tra đảm bảo an toàn các cầu đang sử dụng trên các tuyến đường trong cả nước, UBND tỉnh chỉ thị:
Căn cứ theo phân cấp quản lý các công trình giao thông:
- Giao Sở Giao thông vận tải và Cty Xây dựng và Khai thác công trình giao thông: chịu trách nhiệm quản lý các công trình giao thông bao gồm quốc lộ 60 và các đường tỉnh.
- Giao UBND các huyện thị xã: chịu trách nhiệm quản lý các công trình giao thông bao gồm: các đường huyện và các đường từ huyện trở xuống các xã, ấp; hoặc các đường tương đương chưa xếp hạng.
Sở Giao thông vận tải và UBND huyện, thị xã cần thực hiện các công việc sau:
Tiến hành khẩn cấp và thực hiện thường xuyên việc kiểm tra, thống kê các cầu, cống…yếu thuộc phạm vi quản lý của mình (nêu rõ vị trí, quy mô trên tuyến đường, mức độ quan trọng về tình trạng giao thông, tình trạng kỹ thuật tại công trình) và phân ra các loại như sau:
Loại A: Loại cần phải thay thế ngay.
Loại B: Loại cần phải sửa chữa, tăng cường ngay để tiếp tục khai thác an toàn với tải trọng hạn chế và cần phải xây dựng mới trong thời gian tới.
Loại C: Loại phải sẽ sửa chữa, tăng cường và thay thế từ năm 2000-2005.
Sau khi kiểm tra thống kê, phân loại các cầu, cống…như đã nêu trên, cần lập ngay một kế hoạch sửa chữa khẩn cấp những cầu, cống hư hỏng nặng. Cùng với thống kê có kèm theo dự tính kinh phí cần đầu tư thay thế, tăng cường, sửa chữa để có khái toán cho việc chuẩn bị bố trí vốn trong khi chưa lập được các dự án cụ thể.
Đối với các cầu thuộc loại A và loại B, cần bố trí triển khai ngay việc thay thế, sửa chữa theo phân cấp quản lý. Trong trường hợp chưa sửa chữa được thì phải hạn chế tải trọng hoặc cấm lưu thông để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong lúc chưa cân đối ngay được vốn thì tạm thời sử dụng nguồn vốn khác để sửa chữa, không vì lý do chưa cân đối được vốn mà để sập cầu, cống. Nếu hiện tượng sập cầu xảy ra, trách nhiệm trước nhất thuộc thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp theo phân cấp.
Thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn sự cố sập cầu và đưa công tác đảm bảo an toàn cầu vào nề nếp như:
- Tiến hành các biện pháp tổ chức giao thông cần thiết như phân luồng, giảm tải, đặt các biển báo nguy hiểm, bố trí tuần tra nghiêm ngặt và có biện pháp đảm bảo giao thông trong trường hợp bất trắc. Tùy từng tuyến đường, từng cầu, cống, v.v… mà cần có sự hạn chế tải trọng lưu thông cho phù hợp.
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm định cầu định kỳ, bảo trì sửa chữa thường xuyên và tổ chức thực hiện nghiêm túc các kế hoạch này.
- Cần tăng cường công tác kiểm tra, thường xuyên bảo dưỡng, đặc biệt là các cầu yếu, cầu treo, phát hiện các hư hỏng để sửa chữa kịp thời, không để xảy ra sự cố gãy, sập cầu nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại.
Phối hợp với các cơ quan liên quan để có những biện pháp hiệu quả bảo vệ, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm phạm; xử lý dứt khoát, không được để tồn đọng những vụ việc cố tình xâm phạm đến hành lang bảo vệ cầu.
UBND các huyện, thị xã cần bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý các công trình giao thông. Cán bộ quản lý phải có lịch trình, nội dung kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ các công trình giao thông cầu, cống…
Sở Giao thông Vận tải tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh về kết quả kiểm tra, thống kê phân loại các cầu yếu trong toàn tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chánh - Vật giá bố trí bổ sung vốn đáp ứng cho yêu cầu đầu tư và sửa chữa và thay thế trong năm 1999, đồng thời cân đối bố trí vốn kế hoạch thích hợp theo yêu cầu từ năm 2000 trở về sau trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Sở Giao thông vận tải.
Việc đảm bảo an toàn công trình cầu trong quá trình khai thác sử dụng, đặc biệt trong các mùa mưa bão, lũ lụt là hết sức quan trọng. Do đó, cùng với Chỉ thị này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương theo phân cấp quản lý cần thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành./.
|
TM.UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.