THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2014 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Xây dựng nông thôn mới là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân, được nhân dân cả nước đồng tình và hưởng ứng tích cực. Trong 03 năm qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân đã chung sức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có sự chuyển biến tích cực phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân. Tuy nhiên, tiến độ triển khai Chương trình còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu; một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, nhưng bổ sung, điều chỉnh chưa kịp thời.
Để thực hiện Kết luận 97-KL/TW ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình đến năm 2015 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc trọng tâm sau đây:
a) Các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Do vậy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, là yếu tố quyết định cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, trực tiếp góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
b) Tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, trên cơ sở rà soát quy hoạch tổng thể, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển hàng hóa nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định thế mạnh và sản phẩm chủ lực, đảm bảo liên kết vùng, hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.
c) Thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng lớn trong nước, coi đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.
d) Tập trung chỉ đạo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Nhân rộng các mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tập trung giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
đ) Triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đã ban hành. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời chính sách đủ mạnh để khuyến khích việc ứng dụng khoa học-công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn nhất là những vùng khó khăn, miền núi, hải đảo. Mở rộng các hình thức hợp tác công tư trong phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tăng nguồn vốn tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, dễ tiếp cận vốn tín dụng.
e) Chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, cần lựa chọn các vấn đề bức xúc trên từng địa bàn để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ rệt, trong đó chú trọng phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân (giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, môi trường, an ninh nông thôn...). Xây dựng và thực thi các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất các nông sản chủ lực có tính cạnh tranh cao và đời sống cho người dân ở những vùng khó khăn.
g) Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động của doanh nghiệp và của địa phương. Chú trọng đào tạo theo các đề án, dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn và thông qua các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với nông dân. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động tại doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn.
h) Tiếp tục tập trung làm tốt công tác giảm nghèo, chú trọng nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Chú trọng quan tâm tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn; cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn, giữ vững sự bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và văn hóa cộng đồng ở nông thôn.
i) Tăng cường các biện pháp tổ chức, chỉ đạo thực hiện, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là cán bộ cấp xã, thôn, bản, ấp. Kiện toàn, nâng cao năng lực, bổ sung cán bộ chuyên trách cho bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo các cấp trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại nhân sự trong tổng biên chế được giao.
2. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy trình công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.
- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới 2011-2015 theo Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng Bộ tài liệu chuẩn sử dụng cho đào tạo bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp; bổ sung, hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới cấp xã.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng chỉ đạo tổ chức thực hiện cho đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp nhất là cho cấp cơ sở.
- Nghiên cứu xây dựng và triển khai một số mô hình về bảo vệ môi trường cấp xã, nhất là xử lý rác thải phù hợp với từng vùng để rút kinh nghiệm, nhân rộng.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho các vùng đặc biệt khó khăn, các vùng đặc thù để đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới ở các khu vực này.
- Phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường vận động nguồn vốn của các tổ chức tài chính quốc tế, nhất là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Chương trình.
c) Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương phân cấp quản lý nguồn vốn và nguồn thu để lại cho xã để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn.
- Hướng dẫn bố trí vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình, trong đó có tỷ lệ tối thiểu ngân sách địa phương bố trí thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện từng vùng, miền.
- Nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về lập và sử dụng quỹ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
d) Bộ Giao thông vận tải:
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển giao thông nông thôn.
- Điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn thực hiện tiêu chí về giao thông của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo phát triển bền vững phù hợp với các vùng đặc thù.
đ) Bộ Xây dựng:
- Ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí số về nhà ở dân cư của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra, tháo gỡ những vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết.
- Hướng dẫn rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đảm bảo chất lượng và phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời ban hành hướng dẫn quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng dân cư trên địa bàn xã.
e) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với điều kiện đặc thù của các tỉnh miền núi, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
- Tăng cường công tác phổ biến, truyền thông về văn hóa nông thôn mới; đẩy mạnh hoạt động thể thao, văn nghệ trên địa bàn thôn, xã; xây dựng mô hình thôn, bản đạt chuẩn văn hóa nông thôn.
g) Bộ Nội vụ:
- Khẩn trương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp theo hướng chuyên trách.
- Hoàn thiện tài liệu đào tạo công chức xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, gắn với bổ sung kiến thức xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cơ sở.
- Nghiên cứu đề xuất hình thức tôn vinh những hộ gia đình, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp có đóng góp lớn cho xây dựng nông thôn mới để kịp thời khen thưởng vào thời điểm sơ kết 05 năm.
h) Bộ Thông tin và Truyền thông: Tăng cường thông tin, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
i) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với các bộ liên quan đề xuất chính sách phát triển hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn, chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân mua bảo hiểm y tế; bảo hiểm nông nghiệp; chính sách bảo hiểm xã hội đối với nông dân.
k) Bộ Công an: Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng an ninh nông thôn, đảm bảo cuộc sống thanh bình, an toàn cho người dân nông thôn giúp họ yên tâm sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
l) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chú trọng chính sách tín dụng khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
m) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tăng cường việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi, tìm hiểu mô hình vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò các báo, tạp chí của Mặt trận, các báo của các tổ chức thành viên trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới.
n) Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã, Hội Cựu Chiến binh, Hội Người cao tuổi: Theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý của đơn vị chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực, phối hợp để vận động, khích lệ, động viên các cá nhân, tổ chức cùng đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới. Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao năng lực và vị thế cho phụ nữ nông thôn.
3. Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Trên cơ sở quy hoạch của Trung ương, tập trung rà soát điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn để làm cơ sở cho các huyện, xã điều chỉnh bổ sung quy hoạch hạ tầng và sản xuất.
b) Tiếp tục điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách của địa phương huy động tốt hơn các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Hàng năm dành một tỷ lệ ngân sách thỏa đáng cho xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc. Việc huy động đóng góp phải trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của dân tại từng địa bàn, trong mọi trường hợp, không được huy động quá sức dân.
c) Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, xã. Khẩn trương bổ sung cán bộ chuyên trách cho bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo các cấp trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại nhân sự trong tổng biên chế được giao.
d) Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; tổ chức định kỳ công tác sơ kết, tổng kết và đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng nơi làm tốt và các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực vào phong trào. Phát hiện kịp thời những cách làm hay, mô hình tốt để phổ biến ra diện rộng.
Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.