ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2006/CT-UBND |
Tam Kỳ, ngày 19 tháng 4 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin (BCVT & CNTT) là một ngành kinh tế kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, việc đẩy mạnh phát triển BCVT & CNTT có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực cùng phát triển, tăng cường năng lực công nghệ địa phương nhằm rút ngắn quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về đẩy mạnh phát triển BCVT & CNTT tạo khả năng đi tắt đón đầu trong xu thế “hội nhập và phát triển”. Lĩnh vực BCVT&CNTT của tỉnh cũng bước đầu phát triển, mặc dù chưa mạnh nhưng đã góp phần đáng kể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thực trạng tình hình BCVT & CNTT trên địa bàn tỉnh phát triển còn thấp so với yêu cầu, nhất là việc ứng dụng CNTT chưa rộng rãi, nguồn nhân lực chưa được chuẩn bị kịp thời cả về số lượng và chất lượng, đầu tư cho CNTT chưa đáp ứng nhu cầu,…
Để đẩy mạnh phát triển BCVT & CNTT phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Giám đốc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BCVT & CNTT trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
1. Sở Bưu chính, Viễn thông có nhiệm vụ:
- Khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển BCVT & CNTT giai đoạn 2006- 2010 và định hướng đến năm 2020 và trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện trong quí II năm 2006; tăng cường sự phối hợp với các ngành, địa phương trong việc quản lý và triển khai thực hiện đồng bộ Quy hoạch phát triển ngành với Quy hoạch phát triển của các ngành khác và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng các dự án, đề án phát triển cơ sở hạ tầng nhằm mở rộng các điểm cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích đến các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của mọi người dân và thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ thông tin của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.
- Đẩy mạnh phát triển các điểm Bưu điện văn hoá xã, nhà Bưu điện văn hoá cộng đồng; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho nhân viên các điểm Bưu điện văn hoá xã, nhà Bưu điện văn hoá cộng đồng các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đến năm 2010, đạt mức độ phục vụ bình quân dưới 5.000 người dân trên một điểm phục vụ, rút ngắn bán kính phục vụ bình quân dưới 3 km; đạt 100% số xã có điểm phục vụ dịch vụ bưu chính, 100% các xã có báo Đảng đến trong ngày.
- Phát triển mạng cáp quang, mở rộng phủ sóng thông tin di động xuống tất cả các huyện, thị xã, các vùng kinh tế trọng điểm, các cụm, khu công nghiệp. Đảm bảo các cơ quan hành chính Nhà nước, huyện, thị xã có kết nối Internet băng rộng, kết nối mạng diện rộng của Chính phủ; 100% trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và Trung học phổ thông trên địa bàn có kết nối Internet băng rộng; các trường Trung học cơ sở, bệnh viện được kết nối Internet. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 100% số xã có điểm dịch vụ điện thoại công cộng, 70% số xã có điểm truy cập Internet công cộng, 100% số huyện, thị xã và trên 70% số xã có truy cập Internet băng rộng.
- Tiếp tục triển khai xây dựng hầu hết các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh có trang thông tin điện tử, trước mắt năm 2006 xây dựng 20 trang, đến năm 2008 hầu hết các đơn vị đều có trang thông tin điện tử; phối hợp các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn đảm bảo 100% đơn vị có trang thông tin điện tử và mở rộng đến các trường Trung học phổ thông có trang thông tin điện tử; 100% các doanh nghiệp Nhà nước xây dựng trang thông tin điện tử với đầy đủ thông tin về hoạt động của cơ quan, đơn vị, hệ thống pháp luật, chính sách, qui định, thủ tục hành chính, qui trình làm việc, các dự án đầu tư, đấu thầu và mua sắm,... tiến đến phát triển Cơ quan điện tử, Chính phủ điện tử, Doanh nghiệp điện tử.
- Thực hiện mở cửa thị trường phát triển CNTT và truyền thông, chủ động hội nhập kinh tế Quốc tế, chuyển mạnh sang thị trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển thị trường lao động CNTT, đặc biệt chú trọng lao động sản xuất phần mềm; tiến tới sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông, máy tính và phần mềm mang thương hiệu Việt Nam.
- Chịu trách nhiệm thẩm định tất cả các dự án, đề án trong lĩnh vực BCVT & CNTT trên địa bàn tỉnh. Đối với dự án, đề án ứng dụng và phát triển CNTT đảm bảo đồng bộ 4 yếu tố: đầu tư phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và đào tạo nguồn nhân lực; phần mềm ứng dụng và đào tạo nguồn nhân lực chiếm tỷ trọng tối thiểu 60% tổng giá trị dự án, đề án.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BCVT & CNTT, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng các dịch vụ, hoạt động kinh doanh để ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành.
2. Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển BCVT & CNTT trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở BCVT tham mưu cho UBND tỉnh bố trí khoản ngân sách hỗ trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, chương trình ứng dụng, xây dựng trang thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp theo nguyên tắc: "quản lý tập trung, triển khai phân tán”, chỉ bố trí kinh phí cho các dự án, báo cáo đầu tư đã được Sở BCVT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt; chủ đầu tư chỉ được triển khai thực hiện sau khi đã có đầy đủ các thủ tục theo qui định. Có kế hoạch phân bổ kinh phí chi thường xuyên hằng năm, giao cho các Sở, Ban ngành và các đơn vị huyện, thị để đầu tư, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị, kể cả phần cứng và phần mềm để phát triển CNTT.
4. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Sở Bưu chính, Viễn thông, Sở Giao thông Vận tải ban hành qui định hướng dẫn việc xây dựng các đường truyền dẫn viễn thông kết hợp đi dọc đường giao thông, cầu cống, hè phố đảm bảo chất lượng và mỹ quan đô thị. Đồng thời, trong quá trình thẩm định quy hoạch các công trình công cộng phải lưu ý dành diện tích, mặt bằng xây dựng các hạng mục công trình thuộc hạ tầng BCVT & CNTT phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, thuận lợi cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ.
5. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông, Sở Giáo dục & Đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo tin học ở tất cả các cấp, các ngành; khuyến khích đào tạo bằng đại học thứ hai về lĩnh vực Công nghệ thông tin; nghiên cứu, xây dựng qui định bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phương tiện CNTT và truyền thông trong công việc, qui chế khai thác, cập nhật và chia sẻ thông tin.
6. Sở Giáo dục & Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh việc dạy tin học và ứng dụng CNTT ở các trường phổ thông.
7. Các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện có trách nhiệm phối hợp cùng Sở Bưu chính, Viễn thông trong việc triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành BCVT & CNTT nhằm phục vụ tốt cho phát triển ngành và địa phương mình.
8. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BCVT & CNTT thực hiện nghiêm chỉnh các qui định của Nhà nước về BCVT & CNTT, nhất là các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông tại Chỉ thị số 10/2005/CT-BBCVT ngày 30/9/2005.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Giám đốc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BCVT & CNTT trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.