ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2007/CT-UBND |
Long Xuyên, ngày 27 tháng 6 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRONG CÁC DOANH NGHIỆP, CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH - DỊCH VỤ
Trong những năm qua, việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ và người lao động từng bước đã đi vào nề nếp, có nhiều chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ý thức chấp hành pháp luật lao động ngày càng được nâng cao; tạo mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước và ngay tại An Giang đã xảy ra những tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động dẫn đến một số vụ đình công, lãn công gây dư luận không tốt và gây thiệt hại đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và an ninh trật tự xã hội; đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
Qua kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng cho thấy còn nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động nhất là việc ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thực hiện thỏa ước lao động tập thể, công tác bảo hộ lao động v.v... có thể dẫn đến tranh chấp lao động.
Trước tình hình đó, để chấn chỉnh việc thực hiện pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về lao động, hạn chế phát sinh những mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp; đồng thời thực hiện tốt Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg ngày 06/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ, các đơn vị sử dụng lao động (gọi chung là các doanh nghiệp) phải chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách lao động như: ký kết hợp đồng lao động; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong doanh nghiệp. Đồng thời các doanh nghiệp phải thành lập Hội đồng hòa giải cơ sở, Hội đồng bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cơ sở và tạo các điều kiện cần thiết cho các tổ chức này hoạt động.
Thực hiện tốt công tác Bảo hộ lao động tại doanh nghiệp, quan tâm cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động, vệ sinh lao động, tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, kiểm định các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất để phòng ngừa tai nạn lao động.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan và Liên đoàn lao động tỉnh tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền khác phù hợp từng loại hình doanh nghiệp, từng đối tượng để người sử dụng lao động, người lao động nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quá trình lao động, sản xuất.
Kiện toàn và nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm: Hội đồng hòa giải cơ sở; hòa giải viên lao động cấp huyện, thị xã, thành phố; trọng tài lao động tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp. Thực hiện xử phạt nghiêm minh đối với các doanh nghiệp và cá nhân cố tình vi phạm các quy định của pháp luật lao động theo quy định tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/4/2004 của Chính phủ và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo Liên đoàn lao động các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành tập trung hướng dẫn cho các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn sớm thành lập BCH công đoàn lâm thời trong doanh nghiệp theo Thông tư Liên tịch số 01/TTLT-TLĐLĐVN-BLĐTBXH của Tổng Liên đoàn lao động Việt nam và Bộ Lao động-TBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định số 96/2006/NĐ-CP ngày 14/9/2006 của Chính phủ; đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp; phối hợp giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.
4. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên nắm tình hình, phát hiện kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ doanh nghiệp, chủ động có biện pháp ngăn chặn, kềm chế các hoạt động quá khích, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp cố ý gây rối trật tự xã hội.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, có biện pháp tăng cường quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả và chấp hành đúng pháp luật lao động. Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố kiểm tra và có hình thức xử lý thích hợp đối với doanh nghiệp cố tình không thực hiện đầy đủ chính sách lao động tại doanh nghiệp.
6. Các cơ quan cấp tỉnh có liên quan như: Bảo hiểm Xã hội, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ nắm rõ và chấp hành các quy định pháp luật có liên quan nhiệm vụ của ngành.
7. Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang) thường xuyên tuyên truyền rộng rãi những quy định của Bộ luật Lao động và các quy định chính sách mới về lao động của Nhà nước; hướng dẫn cho người lao động và người sử dụng lao động nắm rõ quyền hạn, nghĩa vụ của mình và các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn - vệ sinh lao động.
8. Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động tại địa bàn quản lý. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động trong các doanh nghiệp; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý để phát hiện và xử lý kịp thời những vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động.
Yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.