ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 11 năm 2022 |
CHỈ THỊ
VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm, có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn kết đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng, lợi thế lớn về hệ thống đường thủy, tổng chiều dài khoảng 912,9 km, với hệ thống cảng biển; cảng, bến thủy nội địa trải khắp trên các tuyến đường thủy địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Giao thông đường thủy là một trong những giải pháp quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực. Trong những năm qua, từ khi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2015 đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đối với hệ thống các công trình vượt sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Các địa bàn, tuyến sông, kênh, rạch trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông đường thủy được giải quyết, các bất cập trong tổ chức giao thông có nguy cơ tiềm ẩn, phức tạp về tai nạn giao thông đường thủy được xử lý kịp thời; ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ phương tiện, người tham gia giao thông thủy có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động kinh doanh, khai thác cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông được công bố, cấp phép của cơ quan có thẩm quyền hoạt động ổn định, bảo đảm các điều kiện an toàn hoạt động bến, phục vụ an toàn thuận tiện thông suốt cho người dân địa phương góp phần hạn chế áp lực lưu thông đường bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tình hình tai nạn giao thông đường thủy trong các năm cơ bản được kiềm chế, kéo giảm đến mức thấp, luồng tuyến đường thủy nội địa được bảo đảm an toàn, thông suốt, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường thủy địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và quản lý hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với các quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Giao Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố:
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Đôn đốc chính quyền địa phương các cấp phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung ương đóng trên địa bàn, các tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy.
2. Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải:
Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý công trình vượt sông, kênh, rạch không lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu và duy tu bảo trì các báo hiệu này trong suốt thời gian tồn tại công trình, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy được cấp thẩm quyền chấp thuận; kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, chống lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng và phạm vi từ biên hành lang bảo vệ luồng đến mép bờ cao quy hoạch của các tuyến đường thủy nội địa.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, lập danh sách các bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gửi Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện xử lý theo thẩm quyền.
Chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa Thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thủy vào, ra cảng, bến thủy nội địa vi phạm điều kiện an toàn giao thông đường thủy theo quy định.
Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với hành vi neo đậu phương tiện để xếp dỡ, chuyển tải hàng hóa hoặc đón, trả hành khách tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động; kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động đường thủy nội địa thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật; đặc biệt xử lý nghiêm đối với các hành vi liên quan đến tải trọng.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và vận động các chủ cảng, bến thủy nội địa; chủ phương tiện, người tham gia giao thông đường thủy thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
3. Giao Giám đốc Công an Thành phố:
Tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với chủ phương tiện thủy, người điều khiển phương tiện vi phạm điều kiện an toàn theo quy định, đặc biệt là xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải trọng cho phép, không chấp hành quy định về báo hiệu đường thủy và quy tắc giao thông, không đăng ký, đăng kiểm; người lái phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an thành phố Thủ Đức, các quận - huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động theo thẩm quyền; hành vi neo đậu phương tiện để xếp dỡ, chuyển tải hàng hóa hoặc đón, trả hành khách tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động.
Chỉ đạo Trưởng Công an thành phố Thủ Đức, các quận - huyện thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện giao trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm đối với các bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động; phối hợp tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc không tự tháo dỡ, thanh thải theo quy định.
4. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy đến các chủ cảng, bến thủy nội địa; chủ phương tiện, người tham gia giao thông đường thủy.
Khẩn trương hoàn thành việc cập nhật quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030 vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm các bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động; các trường hợp vi phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn quản lý theo các quy định hiện hành. Có biện pháp tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc không tự tháo dỡ, thanh thải theo quy định.
Chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc Công an Thành phố và Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động; các trường hợp vi phạm lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn quản lý.
Phối hợp Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trên địa bàn quản lý theo quy định.
5. Giao Sở Thông tin và Truyền thông:
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo, đài Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và quản lý hoạt động bến thủy nội địa trên các phương tiện truyền thông đại chúng; chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác quản lý các hoạt động bến thủy nội địa và hoạt động kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở; thực hiện nghiêm việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (khi có yêu cầu) theo đúng quy định.
6. Triển khai thực hiện và báo cáo:
Giao Giám đốc các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện có liên quan lập kế hoạch thực hiện Chỉ thị này của cơ quan, địa phương mình; báo cáo tình hình thực hiện của ngành, địa phương định kỳ 06 tháng cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng gửi Sở Giao thông vận tải để tổng hợp chung.
Sở Giao thông vận tải là cơ quan thường trực trong phối hợp hoạt động, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện trong việc thực hiện Chỉ thị này; báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và kịp thời đề xuất giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền (nếu có) trong quá trình thực hiện.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đối với hệ thống các công trình vượt sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.