ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND |
Gia Lai, ngày 23 tháng 12 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC, CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường và đổi mới, bám sát nhất quán theo quan điểm, mục tiêu, yêu cầu công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới; góp phần chăm lo, nâng cao mọi mặt đời sống của Nhân dân; mở rộng dân chủ, phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân. Đặc biệt việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới đã góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình tổ chức thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp ở tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: nhận thức của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức về công tác dân vận có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ, sâu sắc; tình trạng xem nhẹ công tác dân vận còn xảy ra; công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được đổi mới; việc lồng ghép triển khai nhiệm vụ chính trị với công tác dân vận có nơi chưa hiệu quả; quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc công khai, minh bạch vẫn còn tình trạng hình thức; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị còn mặt thiếu chặt chẽ; việc cụ thể hóa thực hiện cũng như kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện công tác dân vận đôi khi còn chậm, chưa kịp thời.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, gắn với thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong thời gian tới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức thực hiện tốt các nội dung:
1. Thực hiện công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải có hiệu quả. Gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với an toàn trong đại dịch COVID-19; xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng nền hành chính nhà nước phục vụ tốt nhất các nhu cầu của Nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, kịp thời, đột phá, sáng tạo; phải gắn việc xây dựng Chương trình, Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân vận cơ quan, đơn vị mình với việc triển khai nhiệm vụ chính trị.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, nhất là Kết luận 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; Kết luận số 43- KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25- NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Kế hoạch số 193-KH/TU ngày 28/02/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 43-KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư; Quyết định số 400-QĐ/TU ngày 22/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh.
2. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong công tác dân vận; xác định đầy đủ nhiệm vụ, công việc của cơ quan, đơn vị và phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong thực hiện công tác dân vận; quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo; chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Tập trung rà soát, tiếp tục triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; nhất là tập trung trên các lĩnh vực công tác liên quan trực tiếp đến người dân và kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, gắn với thực hiện tốt Kế hoạch số 46-KH/TU ngày 08/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đảm bảo mỗi cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp phải xây dựng, nhân rộng, phát huy hiệu quả ít nhất 01 mô hình “Dân vận khéo”. Tích cực phối hợp với cơ quan dân vận các cấp định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị.
3. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai theo Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm; gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình tổng thể đã đề ra. Hằng năm trong báo cáo công tác dân vận của cơ quan, địa phương phải có phần đánh giá đúng về tác động của thực hiện chương trình Cải cách hành chính đến công tác dân vận.
4. Thực hiện nghiêm Đề án văn hóa công vụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Định kỳ đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức. Tập trung đổi mới và nâng cao thái độ, chất lượng phục vụ Nhân dân gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp.
5. Tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Thường xuyên đánh giá việc nâng cao chất lượng, niêm yết công khai thông tin trong công tác tiếp công dân; việc thực hiện tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; công tác tiếp nhận, xử lý và thông báo kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, xử lý các hành vi vi phạm Luật Tiếp cận thông tin. Tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc, đối thoại, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân.
Thực hiện nghiêm Quyết định số 553-QĐ/TU ngày 14/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân, Quyết định số 554-QĐ/TU ngày 14/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quan tâm định kỳ, thường xuyên rà soát, giải quyết nhanh chóng các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là những vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm; giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân, không để xảy ra các trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không được tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định.
6. Tổ chức thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở; đảm bảo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong triển khai các dự án đầu tư, công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức lấy ý kiến cộng đồng, phản biện khoa học, phản biện xã hội, giám sát đầu tư cộng đồng của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với các chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
7. Chủ động, tích cực phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tham gia giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
8. Báo Gia Lai, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, các cơ quan, tổ chức quản lý thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh bố trí phù hợp thời lượng phát sóng, đăng tin trên báo giấy, báo điện tử, phần chuyên trang, chuyên mục, tin, bài để giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, kết quả thực hiện nhiệm vụ dân vận chính quyền và các mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực.
9. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào yêu cầu thực tiễn để xây dựng Kế hoạch triển khai và thực hiện tốt các nội dung trên. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 15 tháng 11 để tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.