ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2009/CT-UBND |
Cần Thơ, ngày 25 tháng 9 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ
Trong thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải y tế. Hoạt động đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải đã được lồng ghép vào các dự án đầu tư, nâng cấp cải tạo bệnh viện hoặc đề án hỗ trợ y tế. Tuy nhiên việc vận hành xử lý chất thải rắn y tế chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn môi trường còn hạn chế, chưa đảm bảo tiến độ thực hiện và đạt chuẩn theo yêu cầu.
Nhằm nghiêm túc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và đẩy nhanh tốc độ thực hiện Quyết định số 328/2005/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch quốc gia kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010; thực hiện Quy chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường có liên quan đến chất thải y tế, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ thị việc tăng cường công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố Cần Thơ như sau:
1. Sở Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và địa phương có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý chất thải y tế của tất cả các cơ sở y tế (kể cả các cơ sở y tế tư nhân) theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 31 Quy chế quản lý chất thải y tế; phấn đấu đến năm 2010 thực hiện xử lý 100% chất thải y tế đúng quy định; đến năm 2015 hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố.
- Lồng ghép việc thực hiện xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại (chất thải rắn và chất thải lỏng) vào các đề án hỗ trợ y tế. Trước mắt ưu tiên nội dung xây dựng hệ thống xử lý chất thải khi triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010 theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý và xử lý chất thải y tế cho từng đơn vị.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn công nghệ phù hợp và xây dựng hệ thống xử lý nước thải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường hiện hành; thường xuyên kiểm tra, bảo trì, vận hành hệ thống xử lý nước thải đúng quy trình, có biện pháp khắc phục kịp thời các tồn tại (nếu có).
- Chịu trách nhiệm trong việc quản lý việc xử lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố; thường xuyên chỉ đạo các Giám đốc: Bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm y tế, Thủ trưởng các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc việc quản lý chất thải y tế theo quy định của Bộ Y tế.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố và các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra việc quản lý và xử lý chất thải y tế; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quản lý và xử lý chất thải y tế.
- Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố.
2. Các Giám đốc: Bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm y tế, Thủ trưởng các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố phải thực hiện nghiêm túc các nội dung dưới đây:
- Lập kế hoạch quản lý chất thải y tế và xây dựng đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho quản lý chất thải y tế của đơn vị.
- Chỉ đạo xác định, phân loại, thu gom, vận chuyển, lập hồ sơ theo dõi và xử lý tốt các chất thải y tế theo đúng quy định; mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn cho việc phân loại thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; phối hợp với các cơ quan môi trường, các cơ sở xử lý chất thải của địa phương để xử lý và tiêu hủy chất thải y tế theo quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Thông tư 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Thực hiện các biện pháp làm giảm lượng chất thải y tế phải tiêu hủy thông qua các hoạt động giảm thiểu, thu gom, tái chế và tái sử dụng sau khi xử lý đúng quy định.
- Phân loại tốt chất thải y tế, không để lẫn lộn chất thải thông thường với chất thải nguy hại theo đúng Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tuyệt đối không thu gom để tái chế chất thải y tế có dính, chứa thành phần nguy hại như: dây truyền dịch, các loại ống dẫn lưu, bơm tiêm nhựa.
- Thực hiện nghiêm túc việc đăng ký chủ nguồn thải và xử lý chất thải tại Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời hạn đăng ký trong quý IV năm 2009.
- Hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế với các đơn vị có chức năng được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
- Hướng dẫn và quản lý việc đăng ký chủ nguồn thải và xử lý chất thải y tế nguy hại, đơn vị vận chuyển, đơn vị xử lý chất thải nguy hại phải thực hiện đúng quy trình kê khai và sử dụng chứng từ chất thải y tế nguy hại theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006; lập hồ sơ theo dõi lượng chất thải thông thường và chất thải nguy hại phát sinh hàng ngày, định kỳ 06 tháng báo cáo cho Sở Y tế và Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý.
- Chịu trách nhiệm về quản lý chất thải y tế từ khi phát sinh tới khâu tiêu hủy cuối cùng.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn lập hồ sơ, đăng ký chủ nguồn thải và xử lý chất thải nguy hại, cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, cấp mã số quản lý chất thải nguy hại.
- Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hệ thống quản lý và xử lý rác thải y tế cho các cơ sở y tế; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm tra sau báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án xây dựng điểm xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật. Cập nhật thông tin các công nghệ và chọn lọc công nghệ thu gom và xử lý chất thải phù hợp với địa phương, đề xuất áp dụng.
- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, các quận, huyện và các ngành có liên quan kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện công tác đăng ký chủ nguồn thải và xử lý chất thải nguy hại, cấp mã số quản lý chất thải nguy hại, định kỳ 06 tháng và hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
4. Các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố, trình Hội đồng nhân dân thành phố bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện và các cơ sở y tế công chưa có hệ thống xử lý nước thải; lò đốt chất thải rắn y tế, mua sắm trang thiết bị, hóa chất phục vụ cho việc thu gom, xử lý chất thải y tế; bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp y tế để xử lý tạm thời đối với các bệnh viện tuyến quận, huyện có điều kiện khó khăn.
- Phối hợp và hướng dẫn Sở Y tế lập Dự án xây dựng các điểm đốt chất thải rắn y tế tập trung đạt chuẩn, đúng nơi quy định; đồng thời đề xuất việc xử lý đối với các điểm đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường hoặc thay đổi các điểm đốt chất thải không còn phù hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố vào quý I năm 2010.
- Tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố có chính sách xã hội hóa công tác thu gom và xử lý chất thải rắn y tế, có chính sách thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp với các cơ quan, báo, đài tại địa phương thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành danh mục chất thải nguy hại và Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã sổ quản lý chất thải nguy hại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất thải nguy hại.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý mới; hỗ trợ cho các tổ chức và cá nhân trong việc triển khai các công nghệ thu gom và xử lý rác nguy hại; nhanh chóng ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng đổi mới công nghệ, thiết bị trong các lĩnh vực xử lý chất thải y tế nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố được thực hiện tốt hơn.
7. Công an thành phố: theo chức năng và nhiệm vụ được giao, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, điều tra xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và xử lý chất thải y tế.
8. Ủy ban nhân dân quận, huyện: phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo Phòng Y tế và các phòng, ban trực thuộc, Trung tâm Y tế dự phòng để thực hiện công tác quản lý chất thải y tế của các cơ sở y tế tại địa phương (kể cả các cơ sở y tế tư nhân) đúng theo Quy chế quản lý chất thải y tế được ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười ngày và được đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày kể từ ngày ký.
Giám đốc các sở, thủ trưởng ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.