UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2004/CT-UB |
Bến Tre, ngày 29 tháng 9 năm 2004 |
CHỈ THỊ
V/V TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC CÁT LÒNG SÔNG
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều phương tiện thuỷ hành nghề vận chuyển, khai thác cát trái phép. Các phương tiện này hoạt động khai thác cát hết sức bừa bãi cả ngày lẫn đêm, có khi khai thác cả ở những khu vực cấm, gần bờ, đầu cồn. Đa số các phương tiện này là những phương tiện không mang biển số, không đăng ký, không đăng kiểm và do người dân tận dụng cải tiến từ những phương tiện cũ, tự thiết kế nên không đảm bảo an toàn trong sử dụng, người điều khiển phương tiện không có bằng lái theo quy định. Thực trạng này đã tác động xấu đến môi trường, thay đổi dòng chảy, đã gây sạt lở bờ sông một vài nơi, ảnh hưởng đến an toàn giao thông thuỷ, mất an ninh trật tự, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm tăng cường công tác quản lý về hoạt động khai thác cát và nạo vét kết hợp với khai thác tận thu cát lòng sông, đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số: 16/2002/CT-TTg ngày 31/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông và Chỉ thị số 17/2003/CT-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải; Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu sở ngành, UBND các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1) Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:
- Kết hợp với các Sở: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Văn hóa – Thông tin…điều tra khoanh vùng các khu vực cấm, tạm cấm khai thác cát, các khu vực có thể đưa vào đấu thầu khai thác và khai thác tận thu cát san lấp trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh để trình Chính phủ hoặc Bộ Công nghiệp phê duyệt.
- Kết hợp Công an tỉnh, Thanh tra Giao thông thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác cát, thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh, trong đó có vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ.
- Có kế hoạch tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác ở các mỏ, đo đạc đáy sông ít nhất 6 tháng/1lần để trình UBND tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định.
- Lập văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện, xã tiến hành điều tra, thống kê số lượng phương tiện thuỷ có tham gia khai thác cát của các tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn huyện, xã về trình tự, thủ tục xử lý các trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm trong quá trình khai thác cát.
- Đề xuất việc phân cấp, phân quyền cho địa phương tổ chức quản lý khai thác các mỏ cát tận thu trên địa bàn.
2) Sở Tư pháp:
- Kế hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Sở Công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về các hoạt động khoáng sản.
3) Sở Tài chính:
- Xây dựng bảng giá tài nguyên cát ở dạng nguyên khai để các đơn vị khai thác có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên theo Thông tư số: 07-TC/TCT ngày 07/02/1991 của Bộ Tài chính.
- Hướng dẫn chế độ phân phối, sử dụng các khoản thu của Nhà nước trong hoạt động khoáng sản được khai thác như Điều 39 Nghị định số: 76/2000/NĐ-CP.
4) Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh:
- Tổ chức việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận phương tiện thuỷ, cấp bằng thuyền, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn phương tiện thuỷ nội địa.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thuỷ nội địa không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có nhưng không phù hợp với phương tiện đang điều khiển nhất là các phương tiện tham gia khai thác cát.
- Sở Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan có kế hoạch nạo vét các bến cảng, bến phà, khơi thông dòng chảy… Trong quá trình thực hiện có kết hợp với khai thác tận thu cát san lấp phải đăng ký khối lượng tận thu cát với Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu khu vực nạo vét thuộc ranh giới nhiều tỉnh phải đăng ký khối lượng tận thu cát với Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh có liên quan.
5) Chi cục Đăng kiểm Bến Tre:
Tập trung giải quyết các phương tiện thuỷ chưa đăng kiểm (đặc biệt đối với các phương tiện dưới 100 tấn), thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện thuỷ nội địa và các biện pháp tích cực khắc phục tình trạng các phương tiện chưa kiểm tra an toàn kỹ thuật nhưng vẫn hoạt động trên các tuyến đường thuỷ nội địa.
6) Uỷ ban nhân dân huyện, thị:
- Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: UBND huyện, thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan để thực hiện: kiểm tra giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm khai thác cát (trong đó có vi phạm về trật tự an toàn giao thông); kiểm tra bảo vệ các khu vực có cát chưa đưa và khai thác, các khu vực cấm, tạm cấm.
- Thường xuyên nhắc nhở cấp xã tăng cường công tác kiểm tra; đôn đốc cấp xã tiến hành điều tra, thống kê số lượng phương tiện thuỷ có tham gia khai thác cát của các tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn hành chính của mình; tổng hợp kết quả báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường.
7) Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã):
- Tiến hành điều tra, thống kê số lượng phương tiện thuỷ có tham gia khai thác cát của các tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn xã.
- Lập kế hoạch san lấp mặt bằng các công trình xây dựng cơ bản, công trình giao thông, cải tạo vườn tạp, cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn cấp xã báo cáo về UBND huyện, thị tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh để UBND tỉnh có kế hoạch cân đối khai thác cát một cách hợp lý.
- Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị mỏ đã có giấy phép khai thác nằm trong phạm vi hành chánh xã.
- Điều tra các khu vực trên sông do xã quản lý, khoanh các vùng có khả năng đưa vào khai thác cát; báo cáo trữ lượng, chất lượng, diện tích sơ bộ về huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh; nhất là sau mùa mưa lũ để tỉnh có kế hoạch thăm dò và đưa vào khai thác.
- Tất cả các xã nằm dọc theo sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên phải thành lập các đội kiểm tra thành phần gồm: Chủ tịch UBND xã, Công an, Tư pháp, Xã đội…do Chủ tịch UBND xã là Trưởng đoàn có nhiệm vụ: kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác cát, bảo vệ các khu vực có cát chưa đưa vào khai thác, khu vực cấm, tạm cấm khai thác; giải quyết các đơn tố cáo, khiếu nại có liên quan đến việc khai thác cát trong địa giới hành chánh xã; kết hợp chặt chẽ với các Đoàn kiểm tra cấp tỉnh, huyện khi có yêu cầu phối hợp thực hiện; chuẩn bị địa điểm, lực lượng để tiến hành tạm giữ tang vật khi cần thiết.
8) Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng; các Ban Quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh, huyện; các sở, ban ngành khác khi tổ chức san lấp mặt bằng công trình, yêu cầu bên thi công không được dùng cát san lấp có nguồn gốc bất hợp pháp để san lấp mặt bằng công trình.
Quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cát lòng sông, hạn chế thiệt hại do sự cố môi trường gây ra là nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi hỏi phải có sự góp sức của nhiều ngành, nhiều cấp, các đoàn thể và những cán bộ, nhân viên có hành vi tiêu cực hoặc cố tình bao che cho các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác cát lòng sông phải được xử lý nghiêm khắc.
UBND tỉnh yêu cẩu các sở, ban ngành và UBND các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này, phấn đấu đến cuối quý IV năm 2004 phải chấm dứt tình trạng khai thác cát bừa bãi và báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có gì vướng mắc phải báo cáo ngay để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.