ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2003/CT-UB |
Bến Tre, ngày 02 tháng 12 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH CHỈ ĐẠO CỦA UBND CÁC CẤP, SỞ, NGÀNH TỈNH ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
Thực hiện Nghị quyết số 38/CP của Chính phủ. Những năm qua tỉnh đã và đang triển khai thực hiện cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực được Trung ương đánh giá cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chức năng, nhiệm vụ của UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn đã có sự chuyển biến theo hướng tập trung phân cấp mạnh cho cơ sở; thực hiện thể chế quản lý hành chính trên các lĩnh vực theo hướng đổi mới từng bước cải cách thủ tục hành chính, quan tâm công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân. Đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, tinh giản biên chế hành chính. Công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức đi dần vào nền nếp theo Pháp lệnh cán bộ, công chức. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được chú trọng thực hiện gắn với quy hoạch cán bộ. Kỷ luật hành chính có nâng lên; công tác cải cách hành chính theo mô hình “một cửa” và thực hiện khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính bước đầu đạt kết quả khá tốt.
Tuy nhiên, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực cũng còn rườm rà, phức tạp, nhất là trên lĩnh vực kinh tế và phục vụ nhân dân. Tổ chức bộ máy các cơ quan tuy có giảm nhưng chưa gọn, hiệu quả hoạt động chưa cao, tình trạng làm việc quan liêu, giấy tờ, hội họp, sự thiếu trách nhiệm, thụ động trong các cơ quan chưa giảm. Một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn. Cải cách hành chính theo mô hình “một cửa” tại các huyện, thị xã chưa mở rộng được nội dung, khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính còn mang tính bình quân...
Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế trên là do ta chưa quan tâm đúng mức, nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương, quan điểm cải cách hành chính; trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành chưa được tăng cường và đồng bộ; kế hoạch và biện pháp thực hiện chưa cụ thể và mối quan hệ phối hợp trên dưới chưa chặt chẽ.
Do vậy, để khắc phục những hạn chế trên, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính đạt kết quả, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. UBND tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh chỉ đạo của ngành mình, cấp mình đối với công tác cải cách hành chính từ nay đến năm 2005 như sau:
1) Các ngành, các cấp cần có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, công chức, nhân dân để quán triệt và nâng cao nhận thức hơn nữa về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, từ đó động viên các ngành, các cấp và mọi người quan tâm thực hiện; gắn công tác cải cách hành chính với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan.
2) Thường xuyên củng cố Ban chỉ đạo Cải cách hành chính các cấp và tổ chuyên viên giúp việc có đủ trình độ, năng lực. Cấp tỉnh bố trí bộ phận chuyên trách cải cách hành chính cho đủ số và chất lượng. Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh chủ trì phối hợp với Văn phòng HĐND & UBND tỉnh, Ban Tổ chức Chính quyền tổ chức tham khảo rút kinh nghiệm những tỉnh đã thực hiện đạt kết quả tốt về cải cách hành chính để vận dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt chất lượng ISO.
3) Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Sở Tài chính tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Cải cách hành chính theo mô hình “một cửa” tại các huyện, thị; khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, tình hình và kết quả thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.
4) Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh chủ trì phối hợp Ban Tổ chức Chính quyền xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương (đối với các cơ quan chưa thực hiện cơ chế “một cửa”)
5) Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh chủ trì phối hợp Ban Tổ chức Chính quyền, Sở Tài chính có kế hoạch tổ chức nghiên cứu, khảo sát xây dựng kế hoạch thực hiện cơ chế “một cửa”; khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh vào 01-01-2004.
6) Giao trách nhiệm cho Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chuẩn bị nội dung báo cáo tổng kết chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2003 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2003 – 2005 (tháng 11-2003 thông qua UBND tỉnh và đầu tháng 12-2003 tổ chức hội nghị tổng kết).
7) Để tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính có hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt các sở, ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chấn chỉnh và tăng cường công tác giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, gọn, không gây phiền hà cho tổ chức và nhân dân; đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân phải được giải quyết cho tốt.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này; đồng thời nếu có vướng mắc phát sinh thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.