THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1315/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2010 |
VỀ VIỆC TỔNG KẾT THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 2003
Luật Đất đai năm 2003 được Quốc hội Khóa XI, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đặc biệt quan tâm và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế triển khai thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua đã phát sinh những nội dung cần phải điều chỉnh như: chính sách giao đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm đã giao theo Nghị định số 64/CP ngày 27 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ; chính sách điều tiết lợi ích từ đất đai giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; cơ chế chính sách tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ, tái định cư; thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước, của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế…
Ngày 19 tháng 6 năm 2010 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 48/2010/QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007 - 2011), trong đó có chương trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2003.
Vì vậy, việc tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 để đánh giá những kết quả đã đạt được, ưu điểm, tồn tại trong quá trình thi hành Luật Đất đai và đề xuất những nội dung cần sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của nước ta đến năm 2020 và những năm tiếp theo là rất cần thiết và cấp bách. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 theo những nội dung chủ yếu sau:
1. Đánh giá khách quan kết quả thi hành Luật Đất đai năm 2003 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Đánh giá cụ thể từng nội dung quản lý nhà nước về đất đai để làm rõ những mặt được, những yếu kém, tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại.
3. Làm rõ vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý về đất đai, thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai, điều tiết các nguồn lợi từ đất đai, trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.
4. Làm rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
5. Đánh giá về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan Trung ương và chính quyền các cấp.
6. Đề xuất, kiến nghị những nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đến năm 2020.
1. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Tổng kết và đánh giá kết quả của việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai theo các nội dung sau đây:
- Tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện các văn bản ban hành thuộc thẩm quyền;
- Đánh giá kết quả về tổ chức thực hiện các công việc tại địa phương: lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thống kê, kiểm kê đất đai; tài chính về đất đai và giá đất; tình hình quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai;
- Đánh giá về công tác tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, cơ sở vật chất của hệ thống cơ quan quản lý đất đai tại địa phương.
b) Kiến nghị những nội dung cụ thể cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003; bao gồm những nội dung chủ yếu về thời hạn, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp; chính sách giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai.
2. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường
Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc tổng hợp các nội dung tổng kết của các Bộ, ngành và địa phương; tổng kết, đánh giá toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất đai trên phạm vi toàn quốc; chủ trì tổng kết các nội dung cụ thể mà chưa giao cho các Bộ, ngành, gồm:
a) Đánh giá kết quả về tổ chức thực hiện các công việc trên phạm vi toàn quốc: lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thống kê, kiểm kê đất đai; tài chính về đất đai và giá đất; tình hình quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai; công tác tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, cơ sở vật chất và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành quản lý đất đai.
b) Tình hình quản lý và sử dụng đất làm trụ sở các cơ quan, công trình sự nghiệp; sử dụng đất khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới; việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong các doanh nghiệp.
3. Đối với các cơ quan Trung ương
Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thi hành Luật Đất đai năm 2003 theo những nội dung sau đây:
a) Bộ Tư pháp: rà soát, phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2003 với pháp luật khác có liên quan; tổng kết các nội dung liên quan đến công chúng, chứng thực các giao dịch về quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất.
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: đánh giá, tổng kết việc quản lý và sử dụng đất quốc phòng, an ninh.
c) Bộ Tài chính: đánh giá, tổng kết về thuế, phí, lệ phí, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định giá đất cụ thể; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết, đánh giá việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tổng kết, đánh giá về quản lý việc sử dụng đất của các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp; Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; các Hợp tác xã nông nghiệp.
đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp tổng kết việc thế chấp bằng quyền sử dụng đất.
e) Thanh tra Chính phủ: tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
g) Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổng kết việc giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai.
h) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp với các cơ quan nhà nước tổng kết việc giám sát quản lý và sử dụng đất đai.
1. Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban thường trực; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành có liên quan làm thành viên Ban Chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm dự thảo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của Ban Chỉ đạo, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Thời hạn hoàn thành báo cáo tổng kết
a) Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm gửi Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 năm 2010 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 3 năm 2011.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí cho các Bộ, ngành ở Trung ương và hướng dẫn sử dụng kinh phí ở các địa phương để thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 theo mục đích, yêu cầu, nội dung của Chỉ thị này.
4. Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 để sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tổng kết này, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, nội dung và thời gian quy định./.
Nơi nhận: |
THỦ
TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.