BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1257/CT-BNN-TY |
Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2015 |
VỀ VIỆC TẬP TRUNG PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM VÀ CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM GIA CẦM LÂY SANG NGƯỜI
Trong năm 2014, theo báo cáo của các cơ quan thú y, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện tại 158 xã, phường của 93 huyện, thị xã thuộc 33 tỉnh, thành phố làm trên 212 ngàn con gia cầm, chủ yếu là vịt mắc bệnh. Theo kết quả giám sát chủ động của cơ quan thú y trong năm 2014 cho thấy có 4,13% mẫu xét nghiệm vịt khỏe mạnh có mang trùng vi rút cúm A/H5N1. Bên cạnh đó, chủng vi rút cúm mới A/H5N6 cũng xâm nhập và gây ổ dịch tại một số địa phương làm trên 5 nghìn con gia cầm mắc bệnh.
Trên thế giới, nhiều chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm đã xuất hiện, gây bệnh tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và số gia cầm phải tiêu hủy hàng triệu con các loại, cụ thể: (1) Vi rút cúm A/H5N1 gây dịch tại Bun-ga-ry, Căm-pu-chia, Lào, Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, I-xa-ren, Nepal, Ni-giê-ri-a, Ai Cập, Lybia, Nga, Việt Nam; (2) Vi rút cúm A/H5N6 đã được phát hiện tại Trung Quốc, Lào, Việt Nam; (3) vi rút cúm A/H5N8 được phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Ý, Hà Lan, Anh; (4) Vi rút cúm A/H5N2 và A/H5N3 được phát hiện tại Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Ca-na-đa; (5) Vi rút cúm A/H7N2 tại Úc; vi rút cúm A/H7N3 xuất hiện tại Me-xi-cô.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2014, nhiều quốc gia có bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 gồm: Căm-pu-chia (4 ca tử vong/9 ca mắc bệnh), Trung Quốc (0/2 ca), Ai Cập (7/14 ca), In-đô-nê-xi-a (2/2 ca) và Việt Nam (1/2 ca). Đối với vi rút cúm A/H7N9, kể từ khi xuất hiện từ tháng 3/2013 đến nay đã liên tục gây bệnh cho nhiều người tại Trung Quốc và có dấu hiệu gia tăng từ cuối năm 2014; đến nay đã ghi nhận 485 ca bệnh (185 ca tử vong) tại 16 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, đặc khu hành chính Hồng Kông, vùng lãnh thổ Đài Loan, một trường hợp khách du lịch Trung Quốc đến Ma-lai-xi-a và một trường hợp mới nhất tại Ca-na-đa.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm trong nước và trên thế giới, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập của chủng vi rút cúm A/H7N9 thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm trái phép ở các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao; để chủ động ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác, hạn chế thấp nhất vi rút cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tập trung triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: Công điện số 487/CĐ-TTg ngày 04/4/2013 về việc tiếp tục triển khai quyết liệt đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, Công điện số 528/CĐ-TTg ngày 15/4/2013 về việc phòng chống dịch cúm gia cầm A(H7N9) và A(H5N1), Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 về việc phê duyệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 23/01/2014 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới, Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người, Quyết định số 210/QĐ-BNN ngày 14/02/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người” và Công điện khẩn số 7359/CĐ-BNN-TY ngày 12/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện vận chuyển hành khách, trong đó cần chú trọng một số nội dung sau đây:
a) Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn (đặc biệt là khu vực giáp biên giới, địa bàn có các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, khu vực có nguy cơ cao) nhằm phát hiện và xử lý ngay ổ dịch cúm khi còn ở diện hẹp, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng;
b) Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa phương (Ban chỉ đạo 389) tích cực đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan thú y trong việc xử lý tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới để xử lý triệt để mầm bệnh nguy hiểm trên gia cầm;
c) Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với lực lượng thú y, quản lý thị trường, thanh tra giao thông tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm việc vận chuyển bất hợp pháp gia cầm, sản phẩm gia cầm;
d) Bố trí kinh phí và chỉ đạo cơ quan thú y địa phương tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác trên gia cầm nhập lậu, tại các chợ buôn bán gia cầm sống để có biện pháp xử lý kịp thời;
đ) Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thú y cơ sở có đủ khả năng phát hiện các trường hợp nghi ngờ ổ dịch cúm gia cầm để xử lý kịp thời;
e) Bố trí đầy đủ bảo hộ cá nhân, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng, phổ biến kỹ năng phòng lây nhiễm vi rút cúm khi tiếp xúc với gia cầm cho lực lượng thú y và các lực lượng chức năng tham gia phòng chống dịch, chống buôn lậu, tiêu hủy gia cầm;
g) Tổ chức phổ biến các quy định của pháp luật về vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm; tuyên truyền về sự nguy hại của việc nhập khẩu bất hợp pháp gia cầm qua biên giới làm phát sinh và lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm vào trong nước; tuyên truyền tại mỗi cộng đồng dân cư để người dân cam kết, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp gia cầm giống, gà loại thải vào trong nước tiêu thụ; không mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm, lây cho người;
h) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm trên các tuyến biên giới và từ biên giới đưa vào trong nội địa tiêu thụ; kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi;
i) Lập kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người” đã được ban hành kèm theo Quyết định số 210/QĐ-BNN ngày 14/02/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan liên quan:
a) Hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người” để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả; đồng thời tổ chức thực hiện các nội dung đã được phân công tại Kế hoạch này;
b) Cục Thú y: Tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác bằng nguồn ngân sách để đảm bảo tính chủ động, liên tục, hiệu quả; tiếp tục triển khai các nghiên cứu dịch tễ, xây dựng bản đồ dịch tễ lưu hành các chủng vi rút cúm; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập, tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc. Trường hợp giám sát phát hiện vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút khác dương tính, xử lý như đối với cúm gia cầm A/H5N1; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện theo Quyết định số 210/QĐ-BNN ngày 14/02/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, phổ biến các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi rút cúm gia cầm.
d) Các đơn vị khác thuộc Bộ (Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Báo Nông nghiệp) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động phối hợp với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để xây dựng, đề xuất bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo Quyết định số 210/QĐ-BNN ngày 14/02/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chỉ đạo của Chính phủ, của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm.
Đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị này và thường xuyên thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thường trực Ban chỉ đạo quốc gia) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình chỉ đạo nếu có vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành thông báo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.