ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2011/CT-UBND |
Bình Phước, ngày 06 tháng 9 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI PHÂN BÓN, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Trong những năm qua, công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được các sở, ban ngành, địa phương quan tâm và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên thời gian gần đây, lợi dụng tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã đưa ra thị trường một số lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng gây thiệt hại cho người nông dân và bức xúc trong dư luận xã hội, một số nông dân do thiếu hiểu biết về kỹ thuật đã sử dụng chất kích thích sinh trưởng không đúng quy định, các chất cấm sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nông sản, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Một trong những nguyên nhân tồn tại trên là hiện nay phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập từ nhiều nguồn khác nhau, chất lượng, chủng loại, giá bán khác nhau. Tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, hết hạn dùng, ngoài danh mục; quầy hàng, kho chứa, trang bị bảo hộ lao động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chưa bảo đảm theo qui định của pháp luật. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng có liên quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an và các huyện, thị xã chưa chặt chẽ, đồng bộ; công tác tuyên truyền các văn bản quy định của pháp luật về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, không đảm bảo thời gian cách ly ở một số địa phương trong tỉnh chưa được quan tâm đúng mức.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nông dân, người tiêu dùng; đồng thời xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tác hại trước mắt, lâu dài về nhiều mặt, do phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả hoặc không đảm bảo chất lượng gây ra thiệt hại về kinh tế đối với người nông dân khi sử dụng; thấy rõ tầm quan trọng trong công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải coi công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là một nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay; thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, nắm vững tình hình, chủ động, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan chức năng quản lý, người tiêu dùng, các tổ chức đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng lên án mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không đảm bảo chất lượng ở địa phương.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tình trạng mua bán, sử dụng hàng hóa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng ngoài danh mục xảy ra trên địa bàn mình quản lý.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện:
- Tổ chức kiểm tra rà soát lại việc cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân không còn đủ điều kiện hoặc sử dụng chứng chỉ hành nghề sai mục đích.
- Tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký, giám sát nội dung hội thảo, quảng cáo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hội nghị khách hàng có giới thiệu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật theo Thông tư 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010 và Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, gia công, sang chai đóng gói, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của Pháp luật.
- Định kỳ, đột xuất lấy mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm tại các cơ sở sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, kinh doanh buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để kiểm định chất lượng; lấy mẫu rau, củ, quả để kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
- Phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh triệt để đối với các cơ sở, doanh nghiệp cố ý làm trái các quy định của pháp luật.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã: Rà soát việc cấp giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho tổ chức và cá nhân trên địa bàn quản lý; phối hợp kiểm tra và kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đối với các cơ sở vi phạm, không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
4. Sở Công Thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường và Tổ Kiểm tra liên ngành (được thành lập tại Quyết định số 1949/QĐ-UBND ngày 17/9/2008 của UBND tỉnh) phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ trong công tác niêm yết giá, chống hàng giả, hàng nhập lậu.
5. Sở Khoa học và Công nghệ: Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh công bố tiêu chuẩn cơ sở chất lượng sản phẩm, công bố hợp quy chuẩn theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; chủ trì thực hiện quy trình tiêu huỷ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
6. Công an tỉnh: Tăng cường công tác kiểm tra việc vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật không có giấy chứng nhận huấn luyện về an toàn lao động và giấy phép vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật theo Thông tư số 38/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Sở Tài chính: Cân đối kinh phí để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng chế độ, chính sách hiện hành của nhà nước.
8. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã:
- Chỉ đạo phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với trạm bảo vệ thực vật cấp huyện, thị xã, xây dựng kế hoạch, chương trình tập huấn Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các văn bản có liên quan cho cán bộ xã, phường, thị trấn theo quy định pháp luật.
- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý việc kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn quản lý, ngăn chặn mọi hành vi vi phạm trong việc hội thảo, quảng cáo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hội nghị khách hàng có giới thiệu sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà không có ý kiến bằng văn bản thống nhất về nội dung của Chi cục Bảo vệ thực vật; phối hợp xây dựng mạng lưới bảo vệ thực vật cấp cơ sở, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phòng trừ dịch bệnh, cử cán bộ cấp xã, phường, thị trấn tham gia đầy đủ các buổi tập huấn Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các văn bản có liên quan do cơ quan chuyên ngành Bảo vệ thực vật tổ chức.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các quy định của pháp luật đối với sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến các tổ chức và cá nhân, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức thực hiện đúng các quy định của pháp luật; tham gia công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
- Củng cố và chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra định kỳ, đột xuất.
- Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc huyện, thị xã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền liên quan đến sản xuất, kinh doanh, cung ứng và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến người dân.
- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học thực hiện đăng ký giá bán theo Thông tư số 122/2010/TT-BTC ngày 12/8/2010 của Bộ Tài chính.
9. Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật:
- Thực hiện công bố tiêu chuẩn cơ sở chất lượng sản phẩm, công bố hợp quy chuẩn theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
- Sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng tiêu chuẩn chất lượng công bố, có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam;
- Trong quá trình sản xuất, kinh doanh nếu phát hiện những dấu hiệu hàng giả, hàng kém chất lượng phải báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương xem xét, giải quyết.
- Thực hiện đăng ký giá bán theo Thông tư số 122/2010/TT-BTC ngày 12/8/2010 của Bộ Tài chính.
10. Các cơ quan thông tin: Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Phước đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền xây dựng các chương trình, thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các quy định của pháp luật đối với sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để mọi tổ chức, cá nhân biết và tự giác thực hiện.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và những tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.