ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2005/CT-UB |
Long Xuyên, ngày 05 tháng 4 năm 2005 |
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 26/2001/CT-UB ngày 27/11/2001 về chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát lòng sông. Sau hơn 04 năm thực hiện Chỉ thị này, các hoạt động khai thác cát lòng sông trên địa bàn tỉnh An Giang có sự chuyển biến, tạo sự nhận thức trong nhân dân và các doanh nghiệp về việc chấp hành quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản trong lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp, các vi phạm được hình thành và hoạt động có tổ chức, có biểu hiện việc bao che của một bộ phận cán bộ, công chức thi hành công vụ. Chính quyền một số nơi thiếu sự quan tâm và buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động này trên địa bàn; tạo ra tiềm ẩn nguy cơ sạt lỡ đất, ô nhiễm môi trường; một số tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khai thác cát lòng sông thiếu các công cụ cần thiết hoặc sử dụng phương tiện tự chế (như ghe hút, xà lan hút), không báo cáo đầy đủ, kịp thời về trữ lượng khai thác, không kỹ quỹ phục hồi môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, không có giấy phép hành nghề, thiếu đăng ký đăng kiểm hoặc khai thác trái phép,… làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, gây bất bình trong nhân dân.
Trước tình hình trên, để từng bước tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát lòng sông, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1/. Nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh An Giang.
Các tổ chức, cá nhân chỉ được tiến hành hoạt động khai thác cát lòng sông khi được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép khai thác, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường. Nếu vi phạm thì tuỳ theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2/. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:
Thực hiện các thủ tục hành chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác cát lòng sông cho các tổ chức cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của Luật Khoáng sản.
Thực hiện vai trò thường trực của Đoàn Kiểm tra liên ngành khai thác cát lòng sông và các Tổ thường trực tại các điểm nóng, khai thác cát tràn lan. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh về hoạt động của Đoàn Kiểm tra.
Phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan hướng dẫn việc xử lý hành chính trong lĩnh vực khai thác cát sông theo Nghị dịnh 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản (sau đây gọi tắt là Nghị định 150/2004/NĐ-CP).
Chịu trách nhiệm chính cùng với các cơ quan có chức năng tổ chức việc định vị, cắm phao, niêm yết công khai của doanh nghiệp khai thác cát và thông báo đến UBND cấp huyện, cấp xã nơi có hoạt động khai thác cát biết để phối hợp kiểm tra kiểm soát.
3/. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi có hoạt động khai thác cát lòng sông chịu trách nhiệm:
Thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành cấp mình; thường xuyên tổ chức kiểm tra các hoạt động khai thác cát lòng sông thuộc địa bàn mình quản lý, bố trí các bãi cố định neo đậu phương tiện vi phạm pháp luật về khai thác cát lòng sông và các vi phạm khác về giao thông đường thuỷ nội địa nhằm phục vụ cho việc tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm hành chính trong thời gian chờ cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xử lý, bảo đảm cho việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tổ chức thành lập các bến bãi neo đậu tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác cát sông thực hiện như sau:
- Quy mô: khoảng 1.000 m2 cho mỗi bãi đậu.
- Địa điểm: tùy theo đặc điểm địa hình ven sông của từng huyện mà chọn vị trí thích hợp cho từng bãi đậu, ít chướng ngại vật, nhà cữa, bè cá, đăng quầng, bến đò, phà để đảm bảo an toàn cho việc neo đậu phương tiện trong thời gian tạm giữ chờ xử lý. Địa điểm này, tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương mà tạo quỹ đất hoặc thuê lại để làm bãi đậu; chi phí thuê và chi phí nộp tiền thuê đậu của các tổ chức, cá nhân vi phạm do UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định theo thẩm quyền.
Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác cát lòng sông. Kiên quyết xử lý theo thẩm quyền các hành vi khai thác cát sông trái phép hoặc không tuân thủ của Luật Khoáng sản (sau đây gọi chung là vi phạm pháp luật về khai thác cát lòng sông) và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để việc vi phạm diễn ra liên tục hoặc kéo dài trên địa bàn mình quản lý.
4/. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn: chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý và báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác cát lòng sông; căn cứ vào panô niêm yết công khai của các doanh nghiệp khai thác cát và thông báo của sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức phổ biến đến các đoàn thể, nhân dân biết vị trí được cấp phép khai thác chính thức, các vị trí được khai thác tạm để phục vụ cho các công trình cụm tuyến dân cư và các công trình trọng điểm.
Địa phương nào để xảy ra vi phạm pháp luật về khai thác cát lòng sông diễn ra liên tục, kéo dài thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỹ luật theo quy định của pháp luật.
5/. Các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát có trách nhiệm thực hiện:
Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác cát; thực hiện việc báo cáo sản lượng khai thác cát và nộp đủ phí khai thác cát theo đúng quy định. Sau khi được cấp phép khai thác cát phải thực hiện ngay: việc định vị vị trí khai thác cát, thả phao và tổ chức niêm yết công khai (bằng bảng panô) trên bờ sông (nơi gần vị trí khai thác) về: tên đơn vị khai thác, thời gian hoạt động khai thác được cho phép, số phương tiện và số hiệu đăng ký các phương tiện khai thác..., để chính quyền địa phương, đoàn thể và nhân dân biết, kiểm tra, kiểm soát; chi phí thực hiện niêm yết công khai do doanh nghiệp khai thác chịu. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động theo giấy phép đã được cấp trước đây cũng phải chấp hành thực hiện các quy định này. Khi tiến hành thực hiện các công việc trên phải báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của sở Tài nguyên & Môi trường.
Đối với các doanh nghiệp được cho phép khai thác cát tạm: phải khai báo bằng văn bản với chính quyền cơ sở về nội dung đã được cho phép (về sản lượng, thời gian khai thác, công trình thực hiện san lấp, số phương tiện khai thác...).
Kể từ ngày 15/5/2005, phương tiện nào khai thác nằm ngoài biên phao được thả và không có panô niêm yết công khai thì xem như là khai thác trái phép, các đơn vị có chức năng và thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
6/. Báo An Giang, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh An Giang phối hợp với sở Văn hoá thông tin, phòng Văn hóa – Thông tin - Thể thao huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền về tác hại của việc khai thác cát trái phép và các hình thức xử lý theo quy định tại Nghị định số 150/2004/NĐ-CP nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong nhân dân.
7/. Sở Tài chính chịu trách nhiệm phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường cân đối ngân sách, quy định các khoản chi hằng năm cho cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát lòng sông theo quy định pháp luật.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 26/2001/CT-UB ngày 27/11/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát lòng sông.
Sở Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chỉ thị. Trong quá trình triển khai thực hiện, có vấn đề gì phát sinh hoặc vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH AN GIANG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.