ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/UBND-TN |
Bắc Giang, ngày 31 tháng 8 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH VÀ CHỈ ĐẠO MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian qua, công tác quản lý đất lâm nghiệp (bao gồm đất nông lâm trường và đất có nguồn gốc nông lâm trường) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết diện tích đất đai của các công ty nông lâm nghiệp, các Ban Quản lý rừng đã được thiết lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận; việc quản lý, sử dụng đất đã dần đi vào nền nếp, bước đầu phát huy hiệu quả. Song bên cạnh đó, công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, điển hình là: việc đo đạc, cắm mốc ranh giới một số ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp chưa hoàn thành; một số công ty nông lâm nghiệp còn buông lỏng quản lý, để xảy ra lấn chiếm đất đai phức tạp với các hộ sử dụng đất liền kề nhưng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu; một số chính quyền cấp xã và cấp huyện chưa thực sự quan tâm tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý ngăn chặn tình trạng tranh chấp đất đai; nhiều diện tích đất thu hồi từ các công ty nông lâm nghiệp đã bàn giao cho địa phương nhưng thời gian dài chưa có biện pháp quản lý theo đúng quy định; việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, các công ty nông lâm nghiệp trong triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao của các cơ quan chuyên môn còn chưa thường xuyên, kịp thời…
Để chấn chỉnh tình trạng trên theo tinh thần Kết luận số 1584-KL/BCS ngày 29/8/2023 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Các Ban quản lý rừng, công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cần nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá, tự chỉnh đốn về tổ chức bộ máy và nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong thực thi công tác quản lý, sử dụng đất, rừng, đất nông lâm trường đã được nhà nước giao hoặc cho thuê; phải khẩn trương rà soát lại, thiết lập hệ thống bản đồ và hồ sơ kỹ thuật phản ánh chính xác, đầy đủ theo đúng hiện trạng ranh giới các loại đất, ranh giới đất thuộc trong phạm vi quản lý, các diện tích đất cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng chồng lấn; các trường hợp ranh giới sử dụng đất thuộc phạm vi quản lý chưa lập đo đạc, cắm mốc, thiết lập hồ sơ đất đai thì phải khẩn trương tổ chức thực hiện ngay, không để kéo dài (báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tình hình, kết quả thực hiện nội dung này trước ngày 15/10/2023, đồng thời từ nay hàng tháng các đơn vị phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo công tác quản lý đất, rừng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố).
2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc tham mưu UBND tỉnh các biện pháp quản lý việc sử dụng rừng của các công ty nông lâm nghiệp, các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh theo pháp luật về lâm nghiệp; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định kỹ lưỡng các dự án có sử dụng rừng, các dự án giao đất, cho thuê đất rừng mà trên đất có rừng tự nhiên đảm bảo việc chuyển mục đích, giao đất, cho thuê đất, rừng đúng quy định pháp luật.
- Chỉ đạo các Ban Quản lý rừng, các Công ty nông lâm nghiệp do tỉnh quản lý chấn chỉnh và thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý rừng và đất rừng. Các trường hợp người đứng đầu yếu kém, buông lỏng quản lý cần phối hợp với Sở Nội vụ làm việc, kiểm điểm, đề xuất xử lý trách nhiệm và thay thế kịp thời.
- Đôn đốc các công ty nông lâm nghiệp, các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh khẩn trương rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất trên cơ sở xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đất theo từng loại đất, hình thức, thời hạn sử dụng đất; hoàn thiện hồ sơ giao đất, cho thuê đất theo hướng đảm bảo cân đối giữa mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình sản xuất, nguồn lực lao động với diện tích đất giữ lại, mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách, có tính đến đặc thù đối tượng sử dụng là người dân tại chỗ, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
- Phối hợp chặt chẽ Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình tham mưu UBND tỉnh lập Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP , ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Kịp thời tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tăng cường công tác quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện tiếp nhận, xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng quỹ đất do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp và các tổ chức chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh bàn giao cho địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định kỹ lưỡng các hồ sơ giao và cho thuê rừng trước khi trình UBND tỉnh quyết định (đặc biệt là các khu đất có rừng tự nhiên).
- Khẩn trương tổ chức làm việc, phối hợp với các sở (như trên) và các công ty nông lâm nghiệp, các ban quản lý rừng để rà soát, thiết lập tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP , ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” (yêu cầu trình UBND tỉnh Đề án trước ngày 20/10/2023); chủ trì, đôn đốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 32) lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án làm cơ sở xây dựng các Thiết kế kỹ thuật - Dự toán chi tiết (TKKT-DT) để triển khai thực hiện ngay trong năm 2023.
- Tổng hợp báo cáo kết quả đã thực hiện và tổng hợp, đánh giá, những vấn đề tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết, xử lý các vấn đề đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường và đề xuất giải pháp khắc phục theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Thực hiện tích hợp, cập nhật dữ liệu diện tích đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường vào cơ sở dữ liệu đất đai Trung ương theo quy định.
4. Thanh tra tỉnh:
- Thành lập Đoàn liên ngành tổ chức thanh tra tất cả các công ty nông lâm nghiệp, các Ban Quản lý rừng và trách nhiệm người đứng đầu một số địa phương trong công tác quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo lộ trình phù hợp nhưng đảm bảo hoàn thành trong năm 2024 (riêng các nội dung đã có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện thì tiếp tục thực hiện đúng thời hạn quy định).
- Đôn đốc, giám sát thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra về đất nông lâm trường, đất có nguồn gốc nông lâm trường đã ban hành.
5. Sở Tài chính: Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định kinh phí, chủ trì tham mưu UBND tỉnh bố trí kịp thời ngân sách để thực hiện Đề án nêu trên và thực hiện các nhiệm vụ đã giao tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các nhiệm vụ chi khác phục vụ công tác quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật; trường hợp không cân đối được từ ngân sách địa phương thì cần khẩn trương tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí theo quy định và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1490/BTNMT-CKĐKDTTĐĐ ngày 10/3/2023 (báo cáo nội dung này trước ngày 20/10/2023).
6. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cần cung cấp và có văn bản đôn đốc các cơ quan quân sự, công an của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh phối hợp cung cấp kịp thời cho các địa phương danh mục các vị trí sử dụng đất quốc phòng, an ninh thuộc trường hợp được phép cung cấp, tiếp cận theo quy định của pháp luật (riêng các tài liệu có chứa bí mật nhà nước phải được quản lý nghiêm, chặt chẽ theo đúng quy trình, thủ tục quy định), không để xảy ra tình trạng địa phương không nắm bắt được, dẫn đến thực hiện sai khi xem xét chấp thuận hoặc phê duyệt các dự án đầu tư trên địa bàn.
7. UBND các huyện, thành phố:
- Cần chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai nói chung, đặc biệt là đất lâm nghiệp trên địa bàn; tăng cường công tác xử lý vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm, tự ý sử dụng đất lâm nghiệp trái pháp luật; khẩn trương tổ chức thực hiện việc đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình cá nhân sử dụng đất rừng theo đúng quy định pháp luật; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, thị trấn khẩn trương kiểm kê, rà soát, nắm bắt lại toàn bộ hồ sơ địa chính liên quan đến phần đất lâm nghiệp trên địa bàn để có biện pháp quản lý phù hợp (các trường hợp cán bộ thiếu trách nhiệm, gây thất lạc hồ sơ quản lý đất đai phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân và có biện pháp xử lý nghiêm khắc);
- Chủ động nắm bắt, giải quyết ngay từ khi mới phát sinh đối với các tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền (đặc biệt là tranh chấp giữa các hộ dân và tranh chấp giữa hộ dân với các ban quản lý rừng, công ty nông lâm nghiệp, tổ chức đã được nhà nước giao đất khác) không để hình thành “điểm nóng” khiếu kiện đông người, phức tạp gây mất ổn định, an ninh, trật tự an toàn xã hội; mọi trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất đai mà các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng đã báo cáo, kiến nghị UBND huyện, UBND xã, thị trấn giải quyết thì UBND huyện phải chỉ đạo ngay UBND cấp xã nắm bắt và thiết lập hồ sơ xử lý, giải quyết kịp thời;
- Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải khẩn trương chỉ đạo thiết lập hồ sơ quản lý và đưa đất vào sử dụng theo pháp luật đối với phần diện tích đất rừng có quyết định của UBND tỉnh thu hồi từ công ty nông lâm nghiệp, Ban quản lý rừng bàn giao cho địa phương; trường hợp buông lỏng quản lý, để xảy ra lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất gây hậu quả nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.