ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND |
Cần Thơ, ngày 06 tháng 5 năm 2025 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Thực hiện Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả; Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Công điện số 2755/CĐ-BCT ngày 18 tháng 4 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường; Công văn số 2352/BYT-QLD ngày 20 tháng 4 năm 2025 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và một số mặt hàng khác tại nhiều địa phương trên cả nước. Đáng lưu ý, hoạt động sản xuất và phân phối các loại hàng giả này đã diễn ra trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và uy tín của doanh nghiệp chân chính. Nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là các nhóm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; bảo đảm chất lượng hàng hóa và quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1181/TTr-SCT ngày 29 tháng 4 năm 2025, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện và các đơn vị, cơ quan có liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện
a) Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương tại Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả; Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Công điện số 2755/CĐ-BCT ngày 18 tháng 4 năm 2025 của Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường; Công văn số 2352/BYT- QLD ngày 20 tháng 4 năm 2025 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
b) Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tác hại do hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với sức khỏe người dân và nền kinh tế. Cần xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong giai đoạn hiện nay; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc chấp hành và thực thi các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin về các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng cao; công khai các cơ sở vi phạm hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và phổ biến sâu rộng trong nhân dân và doanh nghiệp việc không sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại; hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận diện hàng thật - hàng giả để nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ quyền lợi.
2. Sở Công Thương
a) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Công an các cấp, các cơ quan liên quan và UBND quận, huyện tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, sữa, thuốc chữa bệnh trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; đề xuất hình thức khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, vận động, phát hiện và tố giác hành vi vi phạm.
b) Tăng cường giám sát hoạt động thương mại điện tử, phối hợp với các cơ quan chức năng và chủ thể quyền để kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là dược phẩm, thực phẩm chức năng, sữa và thuốc chữa bệnh; ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.
c) Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện; chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời với UBND thành phố về các biện pháp xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả.
3. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Công an thành phố, UBND quận, huyện và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các loại hàng hóa khác đang lưu thông trên thị trường; kịp thời ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả và giảm thiểu tác hại do việc sử dụng các sản phẩm giả gây ra và xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
b) Theo chức năng, nhiệm vụ nhiệm vụ được giao, xây dựng và ban hành kế hoạch mở các đợt cao điểm đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tập trung kiểm tra, phát hiện các cơ sở, đối tượng sản xuất, kinh doanh, các đầu mối tập kết và phân phối các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, sữa, thuốc y học cổ truyền; tăng cường công tác hậu kiểm đối với sản phẩm lưu thông trên thị trường và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm cảnh báo, răn đe.
c) Tăng cường quản lý các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, đảm bảo việc kết nối dữ liệu cơ sở cung ứng thuốc theo quy định; chỉ được phép mua bán các loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành, đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp, rõ ràng nguồn gốc xuất xứ; thực hiện nghiêm việc bán thuốc theo đơn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm.
d) Khẩn trương rà soát, tham mưu, hoàn thiện hệ thống các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương; đảm bảo sự thống nhất, liên thông, không chồng chéo và không làm gián đoạn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố.
đ) Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc; khuyến khích và thúc đẩy việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, mua bán thuốc theo đơn đúng quy định.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tác hại của việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mua bán thuốc theo đơn, sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của cơ quan y tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
b) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát các hoạt động quảng cáo, kinh doanh thực phẩm, dược phẩm trên các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, mạng xã hội, môi trường mạng và các xuất bản phẩm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh sản phẩm liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa đang lưu thông trên thị trường, tập trung vào các nhóm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn, chất lượng, góp phần bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và an toàn cộng đồng.
b) Phối hợp với Sở Y tế rà soát, công khai đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và nhận biết hàng hóa đạt chất lượng; quản lý chặt chẽ hoạt động của các đại diện chủ sở hữu công nghiệp, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và kịp thời giải quyết các tranh chấp liên quan đến sở hữu công nghiệp, góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và môi trường kinh doanh lành mạnh.
6. Sở Nông nghiệp và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến, sang chiết, đóng gói, nhập khẩu hoặc phân phối các loại thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý; kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.
b) Thực hiện rà soát, hệ thống hóa đầy đủ thông tin về các loại phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng đã được các doanh nghiệp đăng ký, được phép sản xuất, nhập khẩu, sang chiết, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam; cập nhật, công khai danh mục sản phẩm hợp lệ nhằm hỗ trợ công tác kiểm tra, kiểm soát và nhận diện hàng giả, hàng kém chất lượng.
c) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Công an thành phố tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoạt động sản xuất, buôn bán thực phẩm giả hoặc không đảm bảo chất lượng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
7. Công an thành phố
a) Chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, thường xuyên rà soát, thu thập thông tin, kịp thời phát hiện, có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; chủ trì điều tra, xác minh, xử lý triệt để các đường dây, ổ nhóm hoạt động có tổ chức liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố.
b) Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Sở Công Thương và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, tập trung vào các mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả theo đúng quy định của pháp luật.
c) Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ chỉ đạo lực lượng trinh sát chuyên ngành đẩy mạnh hoạt động nắm tình hình, theo dõi, phát hiện dấu hiệu nghi vấn; tập trung điều tra, khám phá các tổ chức, cá nhân, các đường dây, ổ nhóm có hoạt động sản xuất, chế biến, đóng gói, sang chiết, nhập khẩu, tàng trữ và tiêu thụ hàng giả và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần răn đe, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động tội phạm trong lĩnh vực này.
8. Chi cục Thuế khu vực XIX
a) Thường xuyên rà soát và truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội và trốn thuế thông qua các phương thức trực tuyến. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử và các trang mạng xã hội, đảm bảo không để xảy ra tình trạng gian lận thuế.
b) Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Công an thành phố tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành, chủ động phát hiện và xử lý các hành vi trốn thuế trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Tăng cường công tác tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
9. Chi cục Hải quan khu vực XIX
a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là các lô hàng và doanh nghiệp trọng điểm, nhằm đảm bảo không có vi phạm về xuất xứ, số lượng, chất lượng và trị giá hàng hóa; kiểm tra, kiểm soát tiêu chuẩn, định lượng hàng hóa, tránh để các doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục hải quan điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận về xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá hàng hóa nhằm trốn thuế.
b) Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát trong phạm vi hoạt động hải quan; kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, đặc biệt là hàng giả, hàng kém chất lượng.
10. UBND quận, huyện
Chỉ đạo các cơ quan chức năng theo thẩm quyền khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn; thu hồi các loại hàng giả đã được phát hiện, đảm bảo không để các sản phẩm giả, kém chất lượng tiếp tục lưu thông trong cộng đồng và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với các cơ sở, cá nhân vi phạm, đặc biệt là các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và quyền lợi người tiêu dùng.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức đoàn thể
a) Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và nền kinh tế. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng.
b) Tăng cường giám sát cộng đồng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc theo dõi, phát hiện các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; lồng ghép nội dung phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do Mặt trận và các đoàn thể phát động, như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", qua đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc đấu tranh với các hành vi vi phạm.
c) Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thường xuyên, cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác phòng, chống buôn lậu và hàng giả.
12. Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là tác hại của việc sử dụng hàng giả, không rõ nguồn gốc đối với sức khỏe người dân và nền kinh tế; tuyên truyền về thực hiện mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế, nhằm nâng cao nhận thức và giúp người dân hiểu rõ hơn về các quy định liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm này.
13. Đề nghị các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh
a) Chủ động xây dựng phương án rà soát chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường; tự kiểm tra nội bộ, xây dựng hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm đảm bảo sản phẩm không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
b) Phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xác minh nguồn gốc sản phẩm, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng khi có yêu cầu về kiểm tra và xác minh nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ chất lượng hàng hóa và ngăn ngừa tình trạng hàng giả, kém chất lượng.
14. Yêu cầu các đơn vị, địa phương định kỳ hàng tháng, hàng quý, 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu báo cáo kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố nhằm kịp thời đánh giá, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thời hạn yêu cầu: hàng tháng (trước ngày 18 của tháng); hàng quý (trước ngày 18 của tháng cuối quý); 06 tháng (trước ngày 18/6), hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
15. Phân công Phó Chủ tịch Nguyễn Thực Hiện trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những trường hợp vượt thẩm quyền.
Yêu cầu các Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, chỉ đạo và yêu cầu tại Chỉ thị này./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.