ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND |
Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 15 tháng 07 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC THỰC THI CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 15-Ctr/TU ngày 17/9/2013 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (kèm theo Quyết định số 2612/QĐ-UBND ngày 08/11/2013); ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh (kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 01/4/2014); phê duyệt các khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 30/6/2011; phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản của tỉnh giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 tại Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 28/6/2012. Việc triển khai các văn bản trên đã giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đưa hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp.
Tuy nhiên hiện nay, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Chưa kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản thực tế và tổn thất khoáng sản trong khai thác; một số khu vực khai thác khoáng sản tác động xấu đến môi trường sinh sống của người dân và cảnh quan nhưng chưa được khắc phục triệt để; tại một số địa bàn, chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã thiếu quan tâm đến công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, thậm chí buông lỏng quản lý địa bàn; tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác cát nhiễm mặn ở lòng sông, cửa sông, ven biển đang diễn ra với quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng, gây nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, đe dọa đến an toàn của đường ống dẫn khí và các công trình trọng điểm khác, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời, để triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ Tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thị:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và văn bản pháp luật về khoáng sản đến người dân, các tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh.
Việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cần tập trung vào người dân tại các địa bàn có hoạt động khai thác khoáng sản, các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, vận chuyển khoáng sản hoặc nạo vét luồng lạch có thu hồi cát, các chủ đầu tư và đơn vị thi công các dự án sử dụng nhiều khoáng sản, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép gây tác động xấu đến môi trường, dòng chảy, gây sạt lở bờ, ảnh hưởng đến an toàn của đường ống dẫn khí ... bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp thông qua các buổi giao lưu trực tuyến, hội thảo, hội nghị tập huấn, họp tổ dân sự, tuyên truyền trên sóng truyền hình tỉnh, đài phát thanh các cấp….
2. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các chủ trương, định hướng trong điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ quy định cấm, tạm cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương; các quy hoạch, kế hoạch, quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về lĩnh vực khoáng sản; Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở vùng giáp ranh với các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia ký kết.
3. Lập quy hoạch nhà máy chế biến khoáng sản phải dựa trên kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quyết định đầu tư dự án nhà máy chế biến khoáng sản phải căn cứ vào nguồn nguyên liệu từ kết quả thăm dò hoặc các hợp đồng nhập khẩu khoáng sản.
Cấp phép hoạt động khoáng sản phải căn cứ quy hoạch khoáng sản, phù hợp với năng lực chế biến, sử dụng và bảo đảm yêu cầu về môi trường; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ. Không xuất khẩu khoáng sản thô.
4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chế biến khoáng sản không thực hiện theo cam kết và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết xử lý hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép, nhất là trên sông, biển; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Thường xuyên kiểm tra hoạt động nạo vét, khơi thông luồng thuộc thẩm quyền; kiên quyết đình chỉ các đơn vị lợi dụng việc nạo vét để khai thác cát, không thực hiện đúng chuẩn tắc thiết kế, thời gian nạo vét.
5. Tổ chức thực hiện:
5.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND Tỉnh:
- Lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong Quý IV/2015. Nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch khoáng sản các điểm mỏ khai thác cát nhiễm mặn (nằm ngoài diện tích các khu vực nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) sau khi đã tiến hành khảo sát, đánh giá khoa học đảm bảo tính pháp lý, không gây xói lở bờ, không làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và hoạt động kinh tế dọc bờ biển để đảm bảo nguồn cung vật liệu san lấp về lâu dài trên địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế hoạt động khai thác vật liệu san lấp trái phép.
- Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn trong tháng 7/2015, với sự tham gia của các Sở ngành chức năng, UBND các địa phương để tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên phần đất liền và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; tổ chức triển khai thực hiện sau khi được UBND Tỉnh phê duyệt.
b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường, trình UBND Tỉnh đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép khai thác, giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản không thực hiện theo cam kết và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
c) Phối hợp với Cục Thuế tỉnh kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
d) Tổ chức đăng ký khối lượng cát thu hồi trong diện tích các dự án nạo vét, khơi thông luồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật khoáng sản sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5.2. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan:
a) Tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các cơ sở chế biến khoáng sản, các dự án sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là vật liệu san lấp.
b) Tăng cường kiểm tra và ngăn chặn có hiệu quả việc xuất khẩu lậu khoáng sản và gian lận thương mại trên địa bàn.
5.3. Sở Xây dựng:
a) Tổ chức thẩm định công nghệ các dự án chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo thẩm quyền.
b) Tăng cường kiểm tra chất lượng khoáng sản vật liệu xây dựng, đặc biệt là chất lượng cát xây dựng, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
5.4. Sở Giao thông Vận tải:
a) Rà soát, xây dựng trình UBND Tỉnh phê duyệt quy hoạch cảng, bến bãi tập kết cát sỏi lòng sông, ven biển theo quy định; Xây dựng phương án, địa điểm hạ tải các phương tiện vận chuyển quá tải, vận chuyển khoáng sản trái phép và xử lý các phương tiện này theo quy định của pháp luật.
b) Tổ chức lập, trình UBND Tỉnh phê duyệt kế hoạch nạo vét khơi thông luồng lạch, điều chỉnh dòng chảy và tổ chức thực hiện kế hoạch nạo vét đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức lập, trình UBND Tỉnh phê duyệt kế hoạch nạo vét khơi thông luồng lạch, điều chỉnh dòng chảy và tổ chức thực hiện kế hoạch nạo vét đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách của doanh nghiệp có nhu cầu nạo vét luồng lạch; Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quản lý, khai thác cảng bến lập kế hoạch nạo vét khơi thông luồng lạch, điều chỉnh dòng chảy bến cảng, vùng nước trước các bến cảng và tổ chức thực hiện kế hoạch nạo vét theo quy định của pháp luật.
Các kế hoạch nạo vét đều phải thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu và UBND các huyện, thành phố có liên quan để phối hợp quản lý. Nghiêm cấm mọi hình thức lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác khoáng sản trái phép.
c) Làm trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, thực hiện công tác quản lý, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm đối với:
- Các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, tập kết cát sỏi lòng sông, ven biển; các hoạt động nạo vét luồng lạch trên sông biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
- Các phương tiện vận chuyển khoáng sản quá tải, gây ô nhiễm môi trường, xuống cấp cơ sở hạ tầng.
5.5. Sở Tài chính và chủ đầu tư các dự án thẩm định kỹ các hồ sơ thanh quyết toán các công trình có sử dụng khoáng sản, kiên quyết không thanh quyết toán các công trình không chứng minh được nguồn cung cấp khoáng sản hợp pháp, đặc biệt là vật liệu san lấp.
5.6. Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra kỹ năng lực của tổ chức, cá nhân xin chủ trương đầu tư khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trước khi trình UBND Tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
5.7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan:
a) Tổ chức kiểm tra việc trồng rừng thay thế đối với các diện tích đã chuyển mục đích sử dụng để khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không nghiêm túc thực hiện; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị khai thác, nạo vét, khơi thông luồng gây sạt lở bờ sông, bờ biển, đe dọa trực tiếp hoặc có nguy cơ đe dọa an toàn đê điều; thực hiện các giải pháp phòng, chống và khắc phục có hiệu quả tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.
b) Khẩn trương hoàn thành dự án nghiên cứu giải pháp tổng thể chống xói lở bờ biển đoạn từ Vũng Tàu đến Bình Châu, trong đó bao gồm nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các tác động của hoạt động khai thác cát nhiễm mặn ngoài khơi từ Phước Hải, huyện Đất Đỏ đến Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc đến tình hình xói lở bờ biển, môi trường, giao thông đường thủy, làm cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND Tỉnh xem xét đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác với quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp về lâu dài trên địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế hoạt động khai thác vật liệu san lấp trái phép.
5.8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh lao động trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là đối với đá làm vật liệu xây dựng.
5.9. Cục thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ khoáng sản thông qua sản lượng khai thác thực tế của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản,
5.10. Cục Hải quan tỉnh tăng cường kiểm tra và có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản.
5.11. Công an tỉnh phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là đối với vật liệu san lấp; buôn lậu, gian lận thương mại, xuất khẩu khoáng sản trái phép.
5.12. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Tổng Công ty khí Việt Nam, Công ty Khí Đông Nam bộ và các cơ quan có liên quan xây dựng cơ chế phối hợp và triển khai thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo hành lang an toàn đường ống dẫn khí đi qua địa bàn tỉnh.
5.13. Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực biên giới, hải đảo, đặc biệt là hoạt động khai thác cát nhiễm mặn trái phép ở lòng sông thuộc các hệ thống sông và vùng ven biển trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả xuất khẩu lậu khoáng sản qua biên giới, đặc biệt là thông qua đường biển.
5.14. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan Quốc phòng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản trong phạm vi đất quốc phòng hoặc liên quan đến lĩnh vực quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
5.15. UBND các huyện, thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn quản lý, có trách nhiệm:
a) Tăng cường phổ biến, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và văn bản pháp luật về khoáng sản đến người dân, các tổ chức liên quan trên địa bàn.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, giải tỏa kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường tại khu vực có khoáng sản. Xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là đối với các trường hợp vi phạm có tổ chức với quy mô lơn, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm, các trường hợp bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép như chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật; thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử phạt vi phạm hành chính; tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo an toàn, phục hồi cảnh quan môi trường khu vực.
c) Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát UBND cấp xã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung và công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản nói riêng; Coi kết quả thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về mọi hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.
5.16. Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về khoáng sản.
5.17. Trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ tài nguyên khoáng sản:
a) Cơ quan chủ trì có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó xác định rõ cơ quan phối hợp; cơ chế phối hợp; các điều kiện đảm bảo để thực hiện tốt nhiệm vụ như cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ tuần tra, kiểm tra, bắt giữ, xử lý vi phạm. Những vấn đề vượt khả năng, thẩm quyền thì báo cáo UBND Tỉnh xem xét, giải quyết hoặc tham mưu UBND Tỉnh báo cáo Thủ Tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
Cơ chế phối hợp được xác định tùy thuộc vào mục đích, yêu cầu đối với từng nhóm nhiệm vụ cụ thể, được bàn bạc, thống nhất giữa cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp trước khi triển khai thực hiện, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị tham gia, đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, linh hoạt, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ.
b) Cơ quan phối hợp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ được phân công.
5.18. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức giám sát và chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát việc thực thi pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là việc ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép đất, cát của các cấp chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.