ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2008/CT-UBND |
Long Xuyên, ngày 15 tháng 10 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIÊM PHÒNG BẮT BUỘC VẮC XIN CHO GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong nước ta thời gian qua diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh trên heo; nhiều địa phương trong nước đã xảy ra dịch trên diện rộng làm nhiều gia súc, gia cầm mắc bệnh chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với người nuôi.
Ở tỉnh ta, tình hình sức khỏe đàn gia súc, gia cầm tiếp tục giữ ổn định,chưa xảy ra dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh; đạt được kết quả này là có sự quan tâm chỉ đạo kiểm tra giám sát của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn, đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời cũng như dự báo sớm tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương thiếu quan tâm kiểm tra giám sát và còn nhiều hộ chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc tiêm phòng, trông chờ vào việc tiêm phòng miễn phí của Nhà nước; mặt khác người chăn nuôi chưa được ràng buộc trách nhiệm của mình trong việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và chưa gắn quy định xử lý đối với những trường hợp không tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh do vậy nguy cơ phát sinh dịch bệnh luôn tiềm ẩn đối với ngành chăn nuôi.
Do đó, để chấn chỉnh các tồn tại trên, chủ động phòng chống dịch qua công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm; giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, tiết kiệm ngân sách Nhà nước khi phải hỗ trợ gia súc, gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy.Đồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 2349/CT-BNN-TY ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Về tiêm phòng vắc xin
a) Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Thú y xây dựng kế hoạch tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm hàng năm tại địa phương theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm. Cụ thể như sau:
- Tiêm phòng bệnh lở mồm long móng: Đối tượng tiêm phòng bao gồm trâu, bò, heo, dê, cừu.
+ Đối với các huyện, thị xã giáp với biên giới Campuchia (thị xã Châu Đốc, Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn) Trạm Thú y đề xuất, xác định các xã thuộc vùng khống chế và vùng đệm để xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin hàng năm. Tỉ lệ tiêm phòng ở vùng khống chế phải đạt 100% trong diện tiêm và ở vùng đệm phải đạt trên 80% trong diện tiêm.
+ Đối với các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Chợ Mới và thành phố Long Xuyên, tỉ lệ tiêm phòng phải đạt 100% trong diện tiêm ở các xã, phường, thị trấn đã từng xảy ra dịch trong vòng hai năm trước đó và đạt 80% trở lên đối với các xã, phường, thị trấn có tỉnh lộ đi qua, các xã có chợ mua bán gia súc và lò giết mổ gia súc, các xã có điểm trung chuyển và tập kết gia súc.
- Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng heo, trâu, bò; bệnh dịch tả heo tỉ lệ tiêm phòng phải đạt 100% trong diện tiêm.
- Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm: Do tính chất nguy hiểm của bệnh tất cả đàn gia cầm (gà, vịt) bắt buộc tiêm phòng 100% tổng đàn gia cầm trong diện tiêm.
- Tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó trong phạm vi toàn tỉnh, tỉ lệ tiêm phòng phải đạt 100% trong diện tiêm đối với khu vực nội thành, nội thị, khu đông dân cư, nơi có ổ dịch cũ và trên 80% trong diện tiêm đối với khu vực còn lại.
- Việc tiêm phòng bổ sung đối với các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm phải được thực hiện liên tục giữa các đợt tiêm chính. Các Trạm Thú y huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm trong việc lập sổ theo dõi quản lý đàn gia súc, gia cầm tiêm phòng, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng tạo cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển.
- Chi phí cho công tác tiêm phòng và công tác tổ chức tiêm phòng thực hiện theo Thông tư số 80/2008/TT-BTC ngày 18/9/2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ tài chính để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng chính phủ và các văn bản khác có liên quan.
b) Người chăn nuôi gia súc, gia cầm không chấp hành quy định về tiêm vắc xin phòng các bệnh theo quy định sẽ không được hưởng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi có dịch xảy ra cũng không được hưởng các chính sách ưu đãi khác của địa phương về chăn nuôi và bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y tại điểm a, khoản 1, điều 8, mục 1, chương II của Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ.
c) Phải có định hướng xã hội hóa công tác tiêm phòng nhất là tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trong thời gian tới. Tiến tới người chăn nuôi gia súc, gia cầm phải chịu chi phí vắc xin và công tiêm.
2. Công tác thông tin, tuyên truyền
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, đặc biệt là các cơ quan Báo, Đài của tỉnh xây dựng kế hoạch truyền thông; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm các quy định pháp luật, các văn bản khác có liên quan đến việc tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
3. Chế độ báo cáo
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi Cục Thú y) căn cứ vào kế hoạch tiêm phòng, hàng quý có báo cáo bằng văn bản cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm sau mỗi đợt tiêm và báo cáo theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Hàng quý, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm báo cáo về công tác tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi Cục Thú y) theo quy định của Sở Nông nghiệp và PTNT
c) Đài phát thanh và truyền hình An Giang, Báo An Giang có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý về kế hoạch thực hiện tuyên truyền tiêm phòng bắt buộc vắc xin trong phòng bệnh cho gia súc, gia cầm cho Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thú y) .
4. Tổ chức thực hiện
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch tiêm phòng bắt buộc vắc xin đối với từng huyện, thị, thành thật cụ thể, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt vào đầu quí I hàng năm.
- Chỉ đạo Chi cục Thú y tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm phòng, chuẩn bị cung ứng vắc xin, và các thiết bị phục vụ công tác tiêm phòng, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tiêm phòng vắc xin hàng năm đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định, tổng hợp kết quả tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm của huyện, thị, thành báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình, Đài Truyền thanh cơ sở về kế hoạch tuyên truyền tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm.
c) Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố có trách nhiệm:
- Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế, phối hợp với Trạm Thú y xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm tại địa phương, gởi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thú y) để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh triển khai, tổ chức, thực hiện kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm đạt tỉ lệ theo quy định. Chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin, Đài phát thanh huyện phối hợp với ngành chuyên môn và UBND cấp xã vận động, tuyên truyền và yêu cầu người chăn nuôi chấp hành tiêm phòng triệt để theo quy định đối với gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm phòng bắt buộc. Riêng đối với gia cầm không tiêm phòng cúm gia cầm do người nuôi cố tình phải bị cưỡng chế giết mổ bắt buộc; nơi nào phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh nhưng chưa được tiêm phòng thì Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng khóm, ấp và Kỹ thuật viên thú y phụ trách xã đó chịu trách nhiệm.
- Thực hiện báo cáo hàng quý về công tác tiêm phòng bắt buộc vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm tại địa phương; công tác tuyên truyền, số lượt truyền thông, số xã thực hiện truyền thông cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thú y) sau mỗi đợt tiêm và theo quy định của Sở Nông nghiệp và PTNT.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký .
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.