ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2007/CT-UBND |
Cần Thơ, ngày 18 tháng 5 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM, CỨU NẠN, GIẢM NHẸ THIỆT HẠI DO THIÊN TAI GÂY RA NĂM 2007
Năm 2006, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã xảy ra liên tiếp 05 cơn sét đánh, 29 cơn lốc xoáy đi qua 80 lượt xã, phường, thị trấn, đã gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân; thiệt hại về người và tài sản của nhân dân tương đối cao so với các năm trước.
Theo dự báo năm 2007, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn và tình hình lụt, bão, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường và trái quy luật; để chủ động và có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra với phương châm “Chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khẩn trương khắc phục có hiệu quả khi tình huống xảy ra và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước"; đồng thời, để thực hiện tốt Chỉ thị số 08/2007/CT-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2007; Chỉ thị số 40/2007/CT-BNN, ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành đoàn thể thành phố, các tổ chức xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện khẩn trương triển khai thực hiện các công việc sau:
1. Các ngành, các cấp từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN) các cấp theo hướng gọn, nhẹ và đảm bảo hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; tiến hành đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão và công tác PCLB-TKCN năm 2006; chỉ đạo, hướng dẫn việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng động về phòng, chống lụt, bão, thiên tai,...; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2007 phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương, nhất là đối với các vùng xung yếu, thường xuyên bị thiên tai uy hiếp tại các cồn trên sông Hậu (Cồn Ấu, Cồn Cái Khế, Cồn Sơn) quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, vùng ngập sâu trên địa bàn các huyện đầu nguồn: Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ.
2. Giao giám đốc, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch và phương án PCLB-TKCN, quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”: (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện kinh phí tại chỗ và hậu cần tại chỗ); đồng thời, có kế hoạch phối hợp, huy động lực lượng để phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động phòng tránh và có biện pháp xử lý các tình huống khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra. Trường hợp vượt quá khả năng xử lý của đơn vị, địa phương phải thông tin, báo cáo khẩn cấp về Ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố để chỉ đạo xử lý kịp thời.
3. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Chỉ đạo, chủ động phối hợp các địa phương thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của lụt, bão, có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ thích hợp để né tránh thiên tai; đồng thời, chỉ đạo gia cố, tu bổ các tuyến bờ bao ngăn lụt cho lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là các tuyến bờ bao ở các cồn trên sông Hậu; chỉ đạo việc tháo dỡ chà, nò, vật cản trên sông, kênh, rạch đảm bảo dòng chảy thông thoáng để tiêu thoát lũ nhanh;
- Có kế hoạch dự trữ cơ số thuốc dự phòng, tổ chức kiểm tra và bố trí lực lượng phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và cây trồng ở những khu vực xảy ra thiên tai, kịp thời dập tắt các ổ dịch bệnh phát sinh.
4. Giao Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn thành phố Cần Thơ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCLB - TKCN các cấp, các ngành trong công tác cảnh báo, dự báo tình hình khí tượng thủy văn, nhất là việc dự báo sớm khả năng xuất hiện, diễn biến các tình huống phức tạp của thiên tai về áp thấp nhiệt đới, bão, lụt và các loại thiên tai khác cho các sở, ban, ngành thành phố, địa phương và nhân dân biết để chủ động đối phó khi có tình huống xảy ra; đồng thời, rút kinh nghiệm trong công tác cảnh báo, dự báo tình hình khí tượng thủy văn và thời gian, địa điểm bão đi qua,... của năm 2006 trên địa bàn thành phố; có trách nhiệm hướng dẫn cho cán bộ chủ chốt và lực lượng thanh niên xung kích của các xã, phường ở vùng có nguy cơ xảy ra lụt, bão những kinh nghiệm theo dõi lượng mưa để kịp thời báo động và cảnh báo để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
5. Giao Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố khẩn trương xây dựng các phương án theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, bố trí, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết tham gia ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp về lụt, bão và công tác tìm kiếm cứu nạn; quân đội phải là lực lượng chủ lực sẵn sàng ứng cứu khi có thiên tai theo lệnh điều động của Trưởng ban Ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố.
6. Giao Giám đốc Công an thành phố có trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức phương tiện, lực lượng, bố trí lực lượng thường trực, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền các cấp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi xảy ra sự cố, tai nạn, bão, lụt, thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn kịp thời theo lệnh điều động của Trưởng ban Ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố.
7. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm nắm tình hình khó khăn, thiếu đói của nhân dân trong vùng bị thiên tai; kịp thời tổng hợp tình hình, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định các biện pháp cứu trợ, ổn định đời sống nhân dân, không được để người dân nào trong vùng xảy ra thiên tai bị thiếu đói; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm soát việc thực hiện cứu trợ tại các địa phương, đảm bảo đúng quy định, không để tình trạng thất thoát hàng cứu trợ khi có thiên tai xảy ra.
8. Giao Giám đốc Sở Giao thông Công chính xây dựng kế hoạch của ngành, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết tham gia ứng cứu và xử lý kịp thời các công trình cầu, đường, bến cảng,… có sự cố hư hỏng do bị ngật lụt nhất là trong mùa mưa, bão để đảm bảo thông suốt cho các tuyến giao thông quan trọng; chỉ đạo Công ty Công trình đô thị phối hợp với chính quyền địa phương chủ động kiểm tra, xử lý cây xanh có nguy cơ bị ngã, đổ nơi công viên, vỉa hè; đồng thời, tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn theo sự chỉ đạo của Trưởng ban Ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố.
9. Giao Giám đốc Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan theo dõi, tổng hợp tình hình thiệt hại do lụt, bão gây ra, đề xuất mức hỗ trợ, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định để giải quyết kịp thời cho các địa phương; phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo việc thu quỹ PCLB - TKCN chỉ tiêu kế hoạch được giao.
10. Giao Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ, các cơ quan thông tin đại chúng đóng trên địa bàn thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ thông báo kịp thời các thông tin về lụt, bão, thiên tai và công tác chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố để các sở, ban ngành thành phố, đơn vị, địa phương và nhân dân biết chủ động trong công tác phòng, chống lụt, bão.
11. Giao Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông, Điện lực Cần Thơ theo chức năng nhiệm vụ của ngành lập phương án, kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, kịp thời giải quyết và khắc phục sự cố các tuyến đường dây, thiết bị máy móc, đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống, kể cả khi có lũ, bão đang xảy ra.
12. Giao Giám đốc Sở Y tế phải có kế hoạch dự trữ đủ cơ số thuốc dự phòng, tổ chức kiểm tra và bố trí y, bác sỹ khám chữa bệnh, cấp cứu nạn nhân khi có thiên tai xảy ra; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho người trên các địa bàn xung yếu, những khu vực xảy ra thiên tai; không để xảy ra dịch bệnh và kịp thời dập tắt các ổ dịch bệnh mới phát sinh.
13. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch tổ chức khai giảng năm học 2007 - 2008 tại các điểm trường trong vùng thường xuyên sẽ bị ảnh hưởng lụt vào những thời điểm thích hợp để bảo đảm chương trình học tập cho học sinh; có kế hoạch tôn cao nền trường, quản lý, sửa chữa, tu bổ trường lớp, chủ động ứng phó với các cơn lốc xoáy, ngập lụt nếu có xảy ra.
14. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm:
- Chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định để phòng, chống và khắc phục hậu quả do lụt bão gây ra, nhằm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân; đồng thời, phải quan tâm hỗ trợ, kiên quyết không được để người dân trong vùng thiên tai thiếu đói;
- Chỉ đạo thu đạt chỉ tiêu quỹ PCLB - TKCN năm 2007 để phục vụ kịp thời yêu cầu cho công tác phòng, chống lụt, bão của địa phương; khẩn trương thực hiện gia cố, tu bổ các tuyến bờ bao ngăn lũ cho lúa, vườn cây ăn trái, ao hồ thủy sản, các cồn trên sông Hậu; có kế hoạch bố trí lịch thời vụ gieo trồng phù hợp đảm bảo thu hoạch trước lũ; kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn các hành vi lấn chiếm lòng sông, bãi sông,... kiên quyết giải tỏa các vi phạm như tháo dỡ chà, nò, vật cản trên sông, kênh, rạch đảm bảo dòng chảy thông thoáng để tiêu thoát lũ nhanh; đồng thời, phối hợp với Điện lực Cần Thơ kiểm tra, khắc phục hệ thống điện sinh hoạt trong khu dân cư chưa đảm bảo an toàn, chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB - TKCN quận, huyện có kế hoạch tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống và các biện pháp khắc phục giúp đỡ nhân dân khi có thiên tai, lụt, bão xảy ra;
- Xây dựng các phương án, kế hoạch tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm sát thực tế của từng vùng, khu vực để có biện pháp ngăn ngừa, chủ động trong mọi tình huống; rà soát lại các loại phương tiện, vật tư (phao, áo phao, nhà bạt...) do Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố đã cấp để có kế hoạch điều chỉnh bổ sung kịp thời giữa các xã, phường, thị trấn và các ban, ngành nhằm đáp ứng yêu cầu được giao;
- Đối với những hộ dân sống ở các địa bàn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng lụt, bão phải kiên quyết chỉ đạo và tổ chức di dời, sơ tán dân ngay đến nơi an toàn; tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị phục vụ đời sống của nhân dân ở những nơi khi bị ngập sâu và kéo dài nhiều ngày;
- Trong thời gian xảy ra lụt, bão phải có kế hoạch đảm bảo an toàn cho trẻ em trong vùng bị ảnh hưởng; tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung, xuồng đưa đón các cháu đi học; có kế hoạch thực hiện thời vụ sản xuất, bảo vệ công trình và đảm bảo các hoạt động bình thường cho các vùng đô thị và vùng đông dân cư trên địa bàn quản lý.
15. Các sở, ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000, có trách nhiệm làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi sở, ngành mình nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; có phương án chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để phối hợp tham gia việc phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực Ban Chỉ huy PCLB - TKCN thành phố có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, thường xuyên tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời chỉ đạo./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.