ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2005/CT-UBND |
Bến Tre, ngày 08 tháng 06 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI CÁC ỨNG DỤNG THUỘC ĐỀ ÁN TIN HỌC HÓA QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2001-2005
Ngày 28/6/2002, UBND tỉnh Bến Tre đã có Quyết định số 2309/2002/QĐ-UB về việc phê duyệt Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước tỉnh Bến Tre giai đoạn 2001-2005. Sau gần 4 năm thực hiện đề án, kết quả đạt được còn rất nhiều hạn chế. Tỉnh mới trang bị hoàn chỉnh Trung tâm tích hợp dữ liệu và cài đặt hoàn chỉnh các dịch vụ cơ bản: có 7 Sở, ngành cấp tỉnh xây dựng được mạng LAN nhưng hầu hết máy tính có cấu hình yếu và không đồng bộ; hầu hết các huyện, thị và các Sở, ngành đã tổ chức đào tạo tin học cơ bản cho người sử dụng; một số huyện, thị và các Sở, ngành đã triển khai các phần mềm ứng dụng vào các hoạt động chuyên môn của đơn vị. Tuy nhiên, việc triển khai các ứng dụng trên mạng máy tính còn chậm, số lượng các phần mềm ứng dụng còn ít; một số đơn vị còn thiếu chủ động trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện dự án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước tại đơn vị mình.
Theo chỉ đạo của Ban điều hành đề án 112 Chính phủ. UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai ra diện rộng “dịch vụ cơ bản” và 3 phần mềm dùng chung là Hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội; Quản lý văn bản, hồ sơ công việc và Trang thông tin điện tử phục vụ điều hành. Để đẩy mạnh triển khai các ứng dụng trên mạng tin học diện rộng đã được đầu tư, thực hiện tốt kế hoạch triển khai “dịch vụ cơ bản” và các phần mềm dùng chung của Ban điều hành Đề án 112 Chính phủ và UBND tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình cải cách nền hành chính nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh:
1. Phải tổ chức quán triệt Chỉ thị 58/CT-TW, ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về ứng dụng Công nghệ thông tin đối với các cơ quan Đảng và nhà nước; Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 25/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005; tổ chức nghiên cứu các quy định của Chính phủ, của tỉnh về quy chế làm việc, chế độ thông tin báo cáo, về công tác văn thư lưu trữ, về cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, để tổ chức lại các quy trình nghiệp vụ, bổ sung sửa đổi quy chế làm việc cho phù hợp với các quy định hiện hành và yêu cầu tin học hóa các hệ thống thông tin. Phải tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức, phương thức làm việc và khả năng khai thác, sử dụng các ứng dụng trên mạng máy tính của cán bộ, công chức, từng bước chuyển từ khai thác, trao đổi và xử lý thông tin qua văn bản, giấy tờ khai thác, trao đổi, xử lý thông tin qua mạng máy tính.
2. Tập trung triển khai có hiệu quả các phần mềm dùng chung, phấn đấu năm 2005 đạt các mục tiêu sau:
+ 100% đơn vị cập nhật, tra cứu, khai thác được các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của tỉnh và các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh;
+ 100% đơn vị triển khai quản lý được văn bản đi, đến trên mạng và theo dõi được tiến độ xử lý hồ sơ công việc của từng chuyên viên;
+ 100% đơn vị triển khai cập nhật được đầy đủ dữ liệu 2001-2005 của hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế xã hội (theo danh mục chỉ tiêu được phân công) và từ tháng 10/2005 gửi các loại báo cáo qua mạng đều đặn;
+ Toàn bộ cán bộ, công chức hành chính thuộc các đơn vị triển khai có nhu cầu và điều kiện làm việc trên máy tính đều có hộp thư điện tử để trao đổi thông tin: 50% cán bộ công chức có địa chỉ thực hiện trao đổi thông tin trên mạng diện rộng và Internet;
+ 30% đơn vị triển khai trở lên thực hiện được quy trình soạn thảo, chỉnh sửa và trình ký văn bản trên mạng.
Để thực hiện được các mục tiêu trên cần thực hiện tốt các công việc sau:
- Đơn vị nào chưa có cán bộ quản trị mạng chuyên trách có trình độ cao đẳng tin học (hệ chính quy) trở lên khẩn trương bố trí ngay cán bộ vào vị trí này từ nguồn biên chế dự phòng của đơn vị;
- Các đơn vị phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị tư vấn rà soát lại hạ tầng thiết bị mạng máy tính của đơn vị mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị tư vấn cài đặt dịch vụ cơ bản và các phần mềm dùng chung;
- Các huyện, thị và các Sở, ngành có trách nhiệm điều động đầy đủ thành phần học viên theo yêu cầu tập huấn triển khai các phần mềm và phối hợp quản lý học viên tham gia các lớp học tập huấn sử dụng phần mềm đạt chất lượng;
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban ngành phải phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cập nhật từng chỉ tiêu kinh tế xã hội và thực hiện chế độ thông tin báo cáo qua mạng; đồng thời tổ chức thực hiện đúng quy trình công tác văn thư, tập trung duy nhất một đầu mối tiếp nhận văn bản đến và phát hành văn bản đi, để tổ chức cập nhật dữ liệu văn bản đi, đền và hồ sơ công việc được đầy đủ. Trên cơ sở quy định của UBND tỉnh về chế độ thông tin báo cáo và quy trình cập nhật, luân chuyển, xử lý, soạn thảo và ban hành văn bản qua mạng để xây dựng các quy định cụ thể ở đơn vị mình.
3. Định kỳ hàng tháng nắm lại tình hình triển khai phần mềm dùng chung và kết quả cập nhật thông tin của cán bộ, công chức đơn vị mình, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh) vào trước ngày 25 hàng tháng. Văn phòng UBND tỉnh theo dõi tình hình triển khai của các Sở, ngành, các huyện, thị xã tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Ban 112 Chính phủ.
Đây là nội dung quan trọng trong thực hiện cải cách nền hành chính nhà nước, là vấn đề mới và khó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.