ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND |
Đắk Lắk, ngày 24 tháng 05 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THI HÀNH HIỆU QUẢ LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong toàn tỉnh, công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: các tổ hòa giải thường xuyên được củng cố kiện toàn[1], bảo đảm số lượng và thành phần theo quy định; chất lượng, tỷ lệ hòa giải thành dần được nâng lên; hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giúp chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hòa giải của tỉnh Đắk Lắk còn thấp so với cả nước[2]; chưa có vụ việc được gửi đến Tòa án để công nhận hoà giải thành; nhiều hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải, vẫn còn hòa giải viên có tâm lý ngại va chạm, chưa mạnh dạn trong việc phân tích, thuyết phục các bên; việc thu hút người có kiến thức pháp luật, có uy tín tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở chưa được chú trọng triển khai; kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở còn khó khăn…
Nguyên nhân là do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải cơ sở nên chưa có sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận chưa tham gia tích cực, chưa phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở. Một bộ phận người dân chưa nhận thức được đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa và nhiệm vụ của tổ hòa giải, hòa giải viên, chưa thực sự tin tưởng vào hoạt động hòa giải nên khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp thường đề nghị cơ quan chính quyền giải quyết. Phần lớn hòa giải viên là người cao tuổi chưa qua đào tạo về luật hoặc chưa từng công tác trong các ngành liên quan về pháp luật, đồng thời, chưa thường xuyên được cung cấp tài liệu, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết phục vụ hoạt động hòa giải…
Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, nâng cao tỷ lệ hoà giải thành và năng lực hòa giải của đội ngũ hòa giải viên của tỉnh, góp phần quan trọng trong giữ gìn an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành có liên quan ở tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nội dung công việc sau:
1. Thủ trưởng các sở, ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, địa phương về thực hiện công tác hòa giải nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này; từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư.
2. Sở Tư pháp
a) Rà soát quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản khác có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách phù hợp đối với hòa giải viên ở cơ sở;
b) Chỉ đạo, tổ chức rà soát, đánh giá, kiện toàn tổ hòa giải, bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Tập trung tham mưu triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 315/QĐ- TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ;
c) Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, lồng ghép kỹ năng dân vận khéo trong hòa giải ở cơ sở để nâng cao trình độ, năng lực của hòa giải viên nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh ngày càng nhiều, đa dạng, phức tạp. Phát huy vai trò của đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở tại địa phương trong việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên;
d) Hướng dẫn tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên trong công tác hòa giải; tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết hoạt động hòa giải trên địa bàn tỉnh; đề xuất cấp có thẩm quyền tôn vinh, khen thưởng kịp thời hòa giải viên và các tổ chức, cá nhân tích cực, có nhiều đóng góp, thành tích xuất sắc trong trong hoạt động hòa giải;
đ) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hòa giải ở cơ sở. Số hóa và đăng tải các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, các ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh và trên mạng xã hội.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành trong phạm vi quản lý. Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giải quyết triệt để tại cơ sở những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư;
b) Kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu các chính sách, pháp luật… trên các phương tiện truyền thông phù hợp như phát thanh, truyền hình, cổng thông tin, trang thông tin đài truyền thanh cơ sở, các nhóm zalo, sổ tay, tờ rơi tờ gấp, hội thi, cuộc thi, pano, áp phích, cờ phướn, băng rôn, tranh cổ động…
c) Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng tổng kết, rút kinh nghiệm; phổ biến, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở. Rà soát, kiện toàn đội ngũ tập huấn viên cấp huyện bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả. Đa dạng hóa các hình thức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng về công tác hòa giải;
d) Chỉ đạo phối hợp với Toà án, Hội Luật gia, Công an, Viện kiểm sát, Thi hành án cùng cấp khuyến khích đội ngũ luật gia, người đang và đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, Thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng; động viên cán bộ, công chức, viên chức, tuyên truyền viên pháp luật và người có đủ tiêu chuẩn đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ pháp lý cho tổ hòa giải ở cơ sở;
đ) Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho công tác hòa giải ở cơ sở; đặc biệt quan tâm bố trí đủ nguồn kinh phí chi thù lao vụ, việc hòa giải cho hòa giải viên tại địa phương theo đúng quy định; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Hòa giải ở cơ sở.
4. Sở Thông tin và Truyền thông định hướng các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông triển khai tuyên truyền sâu, rộng về vai trò, ý nghĩa, kết quả công tác hòa giải ở cơ sở; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác này và gương hòa giải viên giỏi.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận
a) Chỉ đạo phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp và ngành Tư pháp thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; khuyến khích thành viên, hội viên và Nhân dân giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở, xây dựng lối sống lành mạnh, góp phần giảm thiểu những tranh chấp trong Nhân dân;
b) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là cấp ở cơ sở trong hướng dẫn, thực hiện giới thiệu, lựa chọn người có uy tín, năng lực tham gia làm hòa giải viên. Tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng Tổ hòa giải và hòa giải viên. Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác hòa giải, góp phần tạo đoàn kết, đồng thuận, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và cộng đồng khu dân cư.
6. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên ở cơ sở; huy động Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, luật gia, luật sư hỗ trợ tổ hòa giải ở cơ sở.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.