ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 23 tháng 4 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện ngày 09 tháng 11 năm 2022; Nghị định số 63/2023/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15.
Trong thời gian qua, mạng lưới thông tin vô tuyến điện phát triển nhanh, được sử dụng hiệu quả ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để đưa công tác quản lý tần số và thiết bị vô tuyến điện đi vào nề nếp, đúng với các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: một số tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật (không có giấy phép, giấy phép hết hạn, tần số sử dụng không đúng theo giấy phép được cấp; lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình nhưng không đăng ký cấp phép sử dụng tần số theo quy định, sử dụng các thiết bị không rõ nguồn gốc…) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây can nhiễu tần số làm ảnh hưởng đến an toàn thông tin quốc gia, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đã được cấp phép sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân chủ yếu là do các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện chưa quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ trong việc tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao, còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh quốc phòng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện một số nội dung sau:
1. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; khuyến cáo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tuyệt đối không kinh doanh, lưu thông thiết bị vô tuyến điện có tần số không phù hợp với Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, chưa thực hiện việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo quy định.
b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục đề nghị cấp, cấp lại, cấp đổi, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đúng theo quy định tại Nghị định số 63/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15.
c) Tham gia ý kiến về tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với các dự án đầu tư, mua sắm thiết bị phát thanh; định hướng việc đầu tư, mua sắm hệ thống truyền thanh cơ sở của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế.
d) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý can nhiễu và xử lý các hành vi vi phạm.
đ) Phối hợp với Công an tỉnh tiến hành công tác phòng ngừa và đấu tranh với các tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị vô tuyến điện để hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội.
e) Định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện tại các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, các chương trình khuyến ngư đến ngư dân.
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, thực hiện thủ tục xin cấp, cấp đổi, gia hạn, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Nghị định số 63/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15.
c) Yêu cầu chủ phương tiện nghề cá phải trang bị thiết bị vô tuyến điện theo đúng quy định cho từng loại tàu để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
d) Thông qua công tác quản lý hoạt động tàu cá và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn và yêu cầu chủ phương tiện thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký để được cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện (máy bộ đàm, thiết bị giám sát hành trình) trang bị trên các phương tiện nghề cá, trừ những thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo quy định.
3. Sở Giao thông Vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật chuyên ngành kết hợp với phổ biến các quy định của Nhà nước về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, vận tải du lịch, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn thông tin vô tuyến điện trong hoạt động kinh doanh; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thủ tục cấp phép, gia hạn việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo quy định tại Nghị định số 63/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15.
b) Thông qua công tác quản lý phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường thủy nội địa để hướng dẫn chủ phương tiện thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký, cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, trừ những thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo quy định.
4. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân, các cơ sở lưu trú (nhà hàng, khách sạn, homestay), các khu du lịch, khu vui chơi, rạp chiếu phim, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao, câu lạc bộ thể thao, địa điểm di tích, di sản văn hóa, điểm kinh doanh dịch vụ karaoke… kết hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật một số nội dung như sau:
a) Hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đối với các thiết bị vô tuyến điện (máy bộ đàm cầm tay) đúng theo quy định.
b) Sử dụng, quản lý các thiết bị âm thanh không dây phải phù hợp với Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.
5. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành triển khai, hướng dẫn, vận động các chủ tàu cá thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện với các máy bộ đàm, thiết bị giám sát hành trình sử dụng trên các phương tiện nghề cá theo quy định tại Nghị định số 63/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2022/QH15.
b) Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm trong việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; các chủ phương tiện tàu cá sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép (trừ những thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo quy định) nhằm đảm bảo có đầy đủ các loại giấy tờ khi hoạt động trong khu vực biên giới biển theo quy định tại Khoản 3, Điều 6, Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ.
6. Công an tỉnh
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III trong công tác kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp kinh doanh, sử dụng và lưu thông những thiết bị vô tuyến điện không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực III xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại cho các thiết bị, hệ thống thiết bị vô tuyến điện đang khai thác hợp pháp (trong trường hợp cần thiết hoặc khi có đề nghị phối hợp).
7. Ban Quản lý khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh
a) Chỉ đạo các doanh nghiệp chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trong phạm vi quản lý đúng theo quy định.
b) Yêu cầu các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phối hợp tốt và hỗ trợ tích cực để cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm soát, xử lý can nhiễu và kiểm tra, thanh tra về tần số và thiết bị vô tuyến điện.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.
b) Chỉ đạo Phòng Văn hoá và Thông tin huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền; định kỳ hoặc đột xuất thực hiện kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan kinh doanh thiết bị âm thanh không dây, điện thoại không dây chuẩn DECT, các thiết bị thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
c) Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; thực hiện bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đối với các thiết bị phát thanh, truyền thanh không dây, hạn chế tối đa các phát xạ không mong muốn gây nhiễu có hại cho các hệ thống thông tin khác; nghiêm túc thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới, gia hạn giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo quy định.
9. Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế
Phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh các thiết bị vô tuyến điện không có nguồn gốc hợp pháp, không có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là các loại thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép (thiết bị âm thanh không dây, điện thoại không dây chuẩn DECT, các thiết bị điều khiển từ xa, chống trộm...) không phù hợp với Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, có nguy cơ gây can nhiễu tới hệ thống thông tin vô tuyến điện khác.
10. Đề nghị Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký để được cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện theo quy định; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, đồng thời khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tuyệt đối không kinh doanh, lưu thông thiết bị vô tuyến điện có tần số không phù hợp với Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện ở Việt Nam và chưa thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy định.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tần số vô tuyến điện nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật khi sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các trường hợp gây can nhiễu tần số.
11. Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị này và các quy định của Nhà nước về quản lý tần số và thiết bị vô tuyến điện.
12. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động
Thường xuyên rà soát, kiểm tra vùng phủ sóng, kịp thời đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phủ sóng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ nhằm hạn chế, đẩy lùi việc sử dụng thiết bị kích sóng gây can nhiễu cho mạng di động.
13. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện
a) Khi sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện phải tiến hành đăng ký cấp giấy phép theo quy định. Tuân thủ các quy định trong giấy phép; sử dụng đúng tần số đã được ấn định cấp phép, không gây nhiễu có hại cho các hệ thống thông tin vô tuyến khác.
b) Không kinh doanh, sử dụng các thiết bị vô tuyến điện, điện thoại không dây không phù hợp với Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia hoặc không thực hiện đúng các quy định về chứng nhận hợp chuẩn và công bố hợp quy.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.