ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2009/CT-UBND |
Đà Nẵng, ngày 19 tháng 8 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Ngày 14 tháng 11 năm 2008, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009. Đây là văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết số 24/2008/NQ-QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ thị:
1. Giám đốc Sở Tư pháp
a) Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trước đây trái với Luật Thi hành án dân sự, báo cáo đề xuất UBND thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;
b) Xây dựng kế hoạch biên soạn, in ấn tài liệu và chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên trong việc tổ chức phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về thi hành án dân sự, tạo điều kiện để công tác thi hành án dân sự ngày càng đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trên địa bàn thành phố.
2. Trưởng Thi hành án dân sự thành phố
a) Khẩn trương thực hiện việc rà soát, phân loại, đánh giá cán bộ, Chấp hành viên, chuẩn bị công tác nhân sự cho việc thực hiện tốt Luật Thi hành án dân sự theo sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp;
b) Rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, kho vật chứng của các cơ quan thi hành án, trên cơ sở đó kiến nghị với Bộ Tư pháp về kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, đồng thời hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch xây dựng trụ sở làm việc cho phù hợp với mô hình tổ chức;
c) Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thi hành án dân sự theo quy định Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn thành phố;
d) Chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự các quận, huyện tiến hành tổng rà soát, phân loại đối với việc thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng) theo quy định tại khoản 1 Nghị quyết số 24/2008/NQ-QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội để phối hợp với Viện Kiểm sát cùng cấp lập danh sách đề nghị Tòa án nhân dân ra quyết định miễn thi hành án đối với khoản nghĩa vụ đó;
đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công vụ của công chức, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những công chức thiếu trách nhiệm hoặc có những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân trong hoạt động thi hành án;
e) Kịp thời báo cáo UBND thành phố chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
g) Thực hiện tốt công tác lãnh đạo, điều hành; tạo điều kiện để Chấp hành viên, cán bộ thi hành án tích cực, chủ động, sáng tạo, có bản lĩnh trong thực thi nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kiên quyết không để án có điều kiện mà chưa hoặc chậm thi hành do lỗi chủ quan của Chấp hành viên cơ quan Thi hành án;
h) Chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án. Tích cực phối hợp với trại giam, trại tạm giam đôn đốc phạm nhân thi hành tốt trách nhiệm dân sự, đảm bảo chặt chẽ các điều kiện xét đặc xá, xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho phạm nhân. Thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án; không để đơn thư tồn đọng, khiếu nại kéo dài gây ra bức xúc hoặc khiếu kiện đông người làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội tại địa phương.
3. Giám đốc các Sở: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ
a) Có trách nhiệm cử cán bộ có chuyên môn tham gia Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản khi có yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành;
b) Phối hợp và chỉ đạo ngành dọc cấp dưới phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự các cấp trong việc thực hiện công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố;
c) Giám đốc Sở Tài chính đề xuất việc hỗ trợ kinh phí cho cơ quan Thi hành án dân sự thành phố, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án theo tinh thần Nghị Quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị;
d) Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất giao đất cho cơ quan Thi hành án dân sự thành phố xây dựng kho vật chứng theo quy định tại Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ về việc Ban hành Quy chế Quản lý kho vật chứng.
Chỉ đạo các cơ quan đăng ký tài sản tạm dừng hoặc dừng thực hiện các yêu cầu liên quan đến các giao dịch đối với tài sản của người phải thi hành án theo văn bản yêu cầu của Chấp hành viên.
4. Giám đốc Kho bạc nhà nước tại Đà Nẵng, Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tại Đà Nẵng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố có trách nhiệm
a) Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản của người phải thi hành án; các khoản thu nhập của người phải thi hành án đang được chi trả qua Bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án và Chấp hành viên;
b) Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, phong toả tài sản, khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.
5. Giám đốc Công an thành phố
Chỉ đạo các lực lượng cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp của thành phố, công an các quận, huyện và các lực lượng khác phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự các cấp trong việc cưỡng chế thi hành các vụ, việc phức tạp theo đề nghị của các cơ quan Thi hành án dân sự. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 7832/QĐ-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Ban hành Quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự giữa cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan công an trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
6. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng thành phố
Chỉ đạo các cơ quan và đơn vị trực thuộc trực tiếp tham gia phối hợp theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự đối với các chủ phương tiện, tài sản trên khu vực biên giới biển phụ trách.
7. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện
a) Chỉ đạo Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với Thi hành án dân sự cùng cấp, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Uỷ ban nhân dân xã, phường mở nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự sâu rộng trong cán bộ công chức và nhân dân nhằm nâng cao ý thức pháp luật trong việc chấp hành Luật Thi hành án dân sự;
b) Chủ động phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự thành phố trong việc chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự quận, huyện thực hiện tốt công tác tổ chức hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn theo quy định tại Điều 174 Luật Thi hành án dân sự;
c) Xem xét hỗ trợ một phần kinh phí, phương tiện đủ đáp ứng yêu cầu tăng cường và nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự tại địa phương.
8. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự sâu rộng trong nhân dân;
b) Phối hợp với Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 175 Luật Thi hành án dân sự.
9. Trưởng ban các Ban Giải tỏa đền bù, Ban Quản lý dự án, Giám đốc các Công ty thực hiện chức năng giải tỏa đền bù, bố trí đất tái định cư tại các dự án trên địa bàn thành phố
a) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự để tổ chức thi hành các vụ, việc có liên quan đến tài sản của người phải thi hành án là đối tượng được bồi thường, hỗ trợ về nhà, đất, tiền và tài sản khác thuộc các dự án do đơn vị thực hiện, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và cá nhân;
b) Các đơn vị phải trả lời bằng văn bản khi có văn bản của cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu xác minh về tiền, tài sản của người phải thi hành án.
10. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 12/2005/CT-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
11. Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường và tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Giao Trưởng Thi hành án dân sự thành phố giúp Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ sáu tháng và hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân thành phố để theo dõi, chỉ đạo./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.