ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 3 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ RỪNG, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG VÀ CÂY PHÂN TÁN NĂM 2012
Thực hiện Chỉ thị số 270/CT-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2012; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện nơi có rừng và Thủ trưởng các Sở - ngành thành phố, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Công tác bảo vệ rừng:
1.1. Khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án trồng rừng và cây xanh thành phố giai đoạn 2011 - 2015 định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình quản lý bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015.
1.2. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, chống chặt phá rừng, ngăn chặn những hành vi lấn chiếm đất rừng để sử dụng vào mục đích khác, đặc biệt là các trường hợp khai thác vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản, động vật rừng trái phép; xử lý trách nhiệm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
1.3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã nơi có rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; ngăn chặn việc đào bắt Địa sâm (Đồn đột); kiểm tra và kiên quyết thanh lý hợp đồng khoán bảo vệ rừng đối với các tập thể, cá nhân đã nhận khoán bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm để xảy ra mất rừng; quản lý các hoạt động nuôi thủy sản, sản xuất muối trong phạm vi rừng phòng hộ đảm bảo tính bền vững không gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây rừng; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội tại địa phương tăng cường hoạt động phối hợp tuần tra kịp thời ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, nhất là tại các khu rừng trong vùng giáp ranh với các tỉnh bạn.
1.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm:
a) Tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân đội đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, triệt phá các băng nhóm phá rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ gắn với bảo vệ an ninh trật tự xã hội tại những địa phương có rừng;
b) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát quản lý chặt chẽ cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức các lực lượng liên ngành đủ mạnh để kiểm tra, kiểm soát tăng cường công tác chống buôn lậu lâm sản và động vật hoang dã;
c) Phối hợp chặt chẽ với chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác kiểm tra, truy quét để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác, phá rừng trái phép, lấn chiếm gây thiệt hại đất rừng.
1.5. Công an thành phố chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, địa phương tăng cường tham gia công tác điều tra đấu tranh xử lý các đối tượng là chủ các đường dây buôn bán vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản, động vật hoang dã trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật, đặt biệt xử lý nghiêm cương quyết, kịp thời với các trường hợp chống người thi hành công vụ.
2. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và cây phân tán:
2.1. Kiện toàn Ban Chỉ huy về Phòng cháy, chữa cháy rừng (do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách), kịp thời xử lý mọi tình huống cháy xảy ra trên địa bàn; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nắm chắc diện tích rừng và chủ sở hữu các khu rừng trồng phân tán ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp và cây trồng tập trung dễ cháy khác (cao su, mía) để có biện pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của địa phương.
2.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và quận 9 quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện những biện pháp cụ thể sau:
a) Chỉ đạo chính quyền cấp xã nơi có rừng, cây lâm nghiệp trồng phân tán trong vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản và thành quả sản xuất, chủ động thực hiện các biện pháp phát dọn cỏ dại quanh nhà, quanh khu vực sản xuất tạo băng cản lửa để phòng chống cháy lan.
b) Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng triển khai ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy cần thiết theo quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
c) Yêu cầu Ban quản lý các dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố giao đất nhưng chưa triển khai phải có biện pháp phòng chống cháy lan tại những điểm tiếp giáp giữa những bãi cỏ trong đất dự án với rừng, cây phân tán và nhà dân;
d) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có rừng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để xảy ra cháy, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân và tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn do mình quản lý.
2.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm, Chi Cục Lâm nghiệp tăng cường chức năng quản lý nhà nước về rừng và cây phân tán trên địa bàn thành phố, cụ thể:
a) Chi Cục Kiểm lâm tăng cường các biện pháp:
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng và thông tin dự báo cấp nguy cơ cháy rừng để mọi người biết và chủ động đề phòng;
- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong phạm vi khu vực có rừng thực hiện các chế độ, quy định về bảo vệ rừng, an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quận - huyện khảo sát lập kế hoạch đốt chủ động tạo băng cản lửa chống cháy lan tại những điểm tiếp giáp giữa đồng cỏ với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
b) Chi Cục Lâm nghiệp tăng cường các biện pháp chủ động phòng cháy, chữa cháy đối với diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại các quận - huyện trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao.
c) Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi thực hiện các biện pháp quản lý vận hành các công trình thủy lợi, chủ động điều tiết nước đáp ứng cho yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nguồn nước phục vụ cho công tác phòng cháy và chữa cháy tại những khu vực có rừng và cây trồng dễ cháy khác vào các tháng mùa khô.
2.4. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố chỉ đạo các phòng, ban tham mưu, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các quận - huyện tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy, có kế hoạch tiếp ứng chữa cháy rừng khi có yêu cầu, hướng dẫn nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng tại chỗ, phối hợp cơ quan Kiểm lâm, chủ rừng, chủ dự án được giao đất khảo sát lập kế hoạch đốt chủ động chống cháy lan tại những điểm tiếp giáp giữa đồng cỏ với rừng, công trình quốc gia trọng yếu, khu vực dân cư tập trung.
2.5. Công an thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đóng quân trên địa bàn nơi có rừng thường xuyên tổ chức quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, đội viên tích cực tham gia bảo vệ rừng, nêu cao ý thức bảo đảm an toàn khi sử dụng lửa trong sinh hoạt và trong diễn tập, gắn công tác phòng, chống cháy, nổ với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; lập kế hoạch phối hợp tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
2.6. Các cơ quan Báo - Đài thành phố tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy trong nhân dân. Đài Truyền hình thành phố phối hợp Chi Cục Kiểm lâm thường xuyên thông tin dự báo cấp độ nguy cơ cháy rừng trên địa bàn thành phố để các địa phương có rừng, chủ rừng và người dân tại khu vực có rừng biết, có biện pháp chủ động ứng phó.
2.7. Sở Tài chính cân đối, bố trí bảo đảm kinh phí cho nhu cầu hoạt động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định hiện hành.
2.8. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy cấp thành phố về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (Chi Cục Kiểm lâm) có kế hoạch phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi tình hình thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để có chỉ đạo kịp thời.
2.9. Các cơ quan chuyên trách các cấp về phòng cháy, chữa cháy và các đơn vị chủ rừng tổ chức trực phòng cháy, chữa cháy 24/24 giờ theo quy định của nhà nước trong suốt các tháng mùa khô; thực hiện chế độ báo cáo và báo cháy, cụ thể:
a) Từ 15 giờ đến 16 giờ hàng ngày, các đơn vị chủ rừng báo cáo nhanh tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng về Chi Cục Kiểm lâm (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy 2203) để tổng hợp, báo cáo.
b) Trong trường hợp xảy ra cháy rừng hoặc cháy thảm thực vật trên địa bàn quản lý cần thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng theo số điện thoại sau:
- Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy: 114;
- Chi Cục Kiểm lâm (Văn phòng Thường trực BCH 2203): 38.552.501;
- Phòng Kinh tế quận 9: 38.973.224;
- Phòng Kinh tế huyện Hóc Môn: 38.910.377;
- Phòng Kinh tế huyện Bình Chánh: 37.602.130;
- Phòng Kinh tế huyện Củ Chi: 38.920.371.
3. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện nơi có rừng, Thủ trưởng các Sở - ngành, các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.