BAN
BÍ THƯ |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 09/CT/TW |
Hà Nội ngày 01 tháng 12 năm 2011 |
Bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Cùng với những thành tích trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được đẩy mạnh, có bước phát triển mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Phong trào phát triển chưa đồng đều, rộng khắp, có nơi có lúc còn mang tính hình thức, tổ chức nội dung phong trào còn thiếu sức lôi cuốn nhân dân tự giác tham gia; một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; chưa phát huy được ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, trước hết là do một số cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể chưa quán triệt sâu sắc công tác dân vận của Đảng, chưa huy động tốt sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự để nâng cao ý thức, trách nhiệm và năng lực bảo vệ an ninh, trật tự chưa thấm sâu đến mọi tầng lớp nhân dân. Lực lượng Công an nhân dân chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của phong trào.
Thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn. Để phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng quán triệt, thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1- Mục tiêu
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, nhằm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2020 không còn xã, phường, thị trấn, đơn vị có phong trào yếu.
2- Yêu cầu
- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý và tổ chức thực hiện của chính quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể các cấp nhằm huy động tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của công dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự.
- Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên từ Trung ương đến cơ sở, cả ở thành thị, nông thôn, trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường... Gắn kết chặt chẽ với các phong trào do Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể tổ chức phát động.
1- Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến cơ sở phải xác định công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình, hằng năm đề ra chương trình, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả, gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện. Người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự ở đơn vị, địa phương. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự giác thực hiện, đồng thời chủ động tuyên truyền, giáo dục, vận động gia đình và nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
2- Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, tổ chức vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ an ninh, trật tự, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; coi đó là nghĩa vụ và quyền lợi để góp phần bảo vệ sự bình yên cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Tập trung tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, đơn vị về bảo vệ an ninh, trật tự.
3- Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, trọng tâm là ở các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, vùng dân tộc ít người, vùng đồng bào theo tôn giáo, các nhà trường, khu kinh tế tập trung và các đô thị lớn. Chú trọng chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, có hiệu quả theo hướng xã hội hoá ngày càng cao, với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải về an ninh, trật tự từ cơ sở. Động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường… an toàn về an ninh, trật tự; chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giáo dục, giúp đỡ, cảm hoá người vi phạm pháp luật tái hoà nhập cộng đồng; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; có chính sách thoả đáng khi bị thương, hy sinh, hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
4- Tăng cường quan hệ phối hợp giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Điều chỉnh và kiện toàn các ban chỉ đạo thực hiện các nghị quyết liên tịch, liên ngành có nội dung liên quan đến công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội theo hướng tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào khác, tạo khí thế, động lực, khích lệ nhân dân tự giác, tích cực tham gia.
5- Quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Xây dựng và thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới"; ban hành các văn bản nhằm cụ thể hoá Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội để triển khai thực hiện.
6- Tiếp tục đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và cuộc vận động "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ đối với lực lượng chuyên trách công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Điều chỉnh và bổ sung chức năng, nhiệm vụ, chính sách, chế độ, tạo điều kiện cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, nhất là công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
7- Quan tâm đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác, chiến đấu đối với lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
1- Các cấp uỷ, tổ chức đảng có trách nhiệm triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị này; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
2- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án liên quan đến phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.
3- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị, xã hội xây dựng chương trình hành động để thực hiện Chỉ thị, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" và xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... an toàn về an ninh, trật tự, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
4- Đảng uỷ Công an Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan có kế hoạch hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ./.
|
T/M
BAN BÍ THƯ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.