VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-VKSTC |
Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2017 |
VỀ TĂNG CƯỜNG THANH TRA ĐỘT XUẤT ĐỐI VỚI CÁC VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC HÌNH SỰ
Thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự tiếp tục được tăng cường, hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Viện kiểm sát nhân dân các cấp vẫn còn để xảy ra một số vi phạm; công tác kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan vẫn còn chưa kịp thời, chưa nghiêm.
Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hình sự, nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm các vi phạm, chủ động phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng đối với cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ thị:
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân cấp mình tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, các Chỉ thị, Quy chế, quy định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong lĩnh vực hình sự và lĩnh vực thanh tra.
2. Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động phát hiện và báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình để kịp thời tiến hành thanh tra đột xuất về trách nhiệm của Lãnh đạo, Kiểm sát viên để xảy ra các vụ việc trong lĩnh vực hình sự có dấu hiệu vi phạm thuộc thẩm quyền, như: Các vụ án do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đình chỉ vụ án, bị can, bị cáo do không phạm tội hoặc đình chỉ không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật mà có khiếu nại, tố cáo hoặc kêu oan; các vụ án Viện kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội (đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật); các trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam có trách nhiệm của Viện kiểm sát; các vụ việc khác do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp hoặc cấp trên yêu cầu tiến hành thanh tra đột xuất.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới theo quy định; tổng hợp, báo cáo về Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao các vụ án, bị cáo Tòa án nhân dân các cấp tuyên không phạm tội đã có hiệu lực pháp luật; các vụ án, bị cáo Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra lại, xét xử lại nhưng sau đó cơ quan tiến hành tố tụng sơ thẩm cấp tỉnh hoặc cấp huyện đã đình chỉ do không phạm tội.
4. Thủ trưởng đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới theo quy định, chủ động rà soát, phát hiện những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong lĩnh vực hình sự; kịp thời báo cáo số liệu, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự của Viện kiểm sát và kết quả thanh tra, kiểm tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm nêu tại Điểm 2 Chỉ thị này về Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp, báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, chỉ đạo. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những tiêu chí để đánh giá phẩm chất, năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và là căn cứ để đánh giá công tác thi đua hàng năm của cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành.
5. Giao Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
5.1. Hàng tháng phối hợp với Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm số liệu những vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hình sự nêu tại Điểm 2 Chỉ thị này, chủ động tham mưu, đề xuất Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo tiến hành thanh tra đột xuất hoặc thanh tra lại khi xét thấy cần thiết.
5.2. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc nhận xét, đánh giá và báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với các trường hợp để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực hình sự nhưng được đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý, các chức danh tư pháp; được xét tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng; được nâng bậc lương.
6. Tổ chức thực hiện
6.1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này.
6.2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương căn cứ Chỉ thị này để triển khai thực hiện trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp.
6.3. Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để chỉ đạo./.
|
VIỆN TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.