ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Hòa Bình, ngày 15 tháng 5 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
Trong những năm gần đây, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả quan trọng, hệ thống tổ chức giám định tư pháp được củng cố, kiện toàn; đội ngũ người làm công tác giám định tư pháp có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm công tác ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần quan trọng giúp cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh cũng còn có những hạn chế như: Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp đạt hiệu quả chưa cao; hệ thống tổ chức giám định tư pháp chưa toàn diện; cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư song chưa thực sự đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; một số lĩnh vực giám định còn thiếu người giám định...
Để khắc phục những hạn chế, tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Các sở, ban, ngành
- Tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động giám định tư pháp nói chung và vai trò của đội ngũ người giám định tư pháp nói riêng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương; chú trọng phát triển mạng lưới giám định viên tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực do mình quản lý đáp ứng nhu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử và yêu cầu giám định của Nhân dân; tiếp tục lựa chọn và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, quyết định công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng. Thường xuyên rà soát, đề xuất bổ sung, kiện toàn đội ngũ giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho giám định viên tư pháp thực hiện nhiệm vụ theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
- Tăng cường trách nhiệm trong việc chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện giám định; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý.
- Thường xuyên rà soát, đánh giá đúng thực trạng cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực quản lý trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí mua sắm, trang bị cơ sở vật chất bảo đảm đáp ứng yêu cầu hoạt động giám định tư pháp.
- Cử giám định viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giám định viên.
2. Các cơ quan trưng cầu giám định
Khi thực hiện trưng cầu cần xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; lựa chọn cá nhân, tổ chức có năng lực, đủ điều kiện thực hiện giám định phù hợp với tính chất, nội dung cần giám định để ra quyết định trưng cầu giám định; cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp.
3. Các tổ chức giám định tư pháp; giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc
- Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
- Thực hiện giám định theo quyết định của người trưng cầu giám định hoặc người yêu cầu giám định đúng quy định; kết luận khách quan, trung thực.
- Báo cáo kết quả hoạt động giám định cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi công tác và cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
4. Sở Tư pháp
- Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động giám định tư pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giám định tư pháp.
- Hằng năm, chủ trì phối hợp với các sở, ngành rà soát đội ngũ giám định viên tư pháp, các tổ chức giám định tư pháp để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát triển mạng lưới giám định viên tư pháp; đánh giá về tổ chức, chất lượng hoạt động giám định tư pháp ở địa phương, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động giám định tư pháp; phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp ở địa phương đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
- Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hằng năm đánh giá tình hình thực hiện lồng ghép trong báo cáo đánh giá về tổ chức, chất lượng hoạt động giám định tư pháp.
Yêu cầu các sở, ban, ngành; các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.