ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Thanh Hóa, ngày 14 tháng 02 năm 2015 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, TỔ CHỨC VÀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG HOẠT ĐỘNG LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có sức hấp dẫn và thu hút du khách; thông qua lễ hội thể hiện tình cảm, trí tuệ, lẽ sống, khuynh hướng thẩm mỹ và khát vọng vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ của nhân dân. Trong những năm qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; nội dung sinh hoạt lễ hội đã góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng thông qua việc tìm hiểu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, các loại hình lễ hội được tổ chức với tần suất cao, mật độ dày. Việc tổ chức lễ hội còn thiếu tính sáng tạo và hấp dẫn, gây quá tải ở một số điểm di tích, khu danh thắng, nơi tổ chức lễ hội. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội có nhiều bất cập; công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội đã và đang xuất hiện không ít những biểu hiện tiêu cực, phản cảm gây dư luận bức xúc trong nhân dân, như vẫn còn tình trạng đốt nhiều hàng mã, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng không tốt tới mỹ quan nơi thờ tự, xâm hại di tích, công trình tín ngưỡng, việc tổ chức lễ hội còn có biểu hiện phô trương hình thức, tốn kém, có các biểu hiện đưa các yếu tố không phù hợp vào nội dung lễ hội dân gian, có xu hướng thương mại hóa và lợi dụng lễ hội vì mục đích kinh tế, làm mất đi giá trị văn hóa, tâm linh của lễ hội, nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có nguy cơ bị mai một.…Tất cả những vấn đề trên đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có của lễ hội, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của lễ hội.
Những yếu kém, tiêu cực trong hoạt động lễ hội và thực hiện chưa tốt nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, đang ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, gây nên sự bức xúc trong dư luận. Xuất phát từ yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, nhằm khắc phục tình trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện một số việc cụ thể như sau:
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tiếp tục thực hiện Kết luận số 51- KL/TW ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Chỉ thị số 45/CT/TW ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 162/CT-TTg ngày 19/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
2. Giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội. Đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội, ngày hội phải chịu trách nhiệm về kế hoạch, chương trình, nội dung, quy mô, tần suất, thời gian. Công tác tổ chức lễ hội của các huyện, thị xã, thành phố phải quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, không gây lãng phí tiền của Nhà nước và địa phương. Các sự kiện, ngày lễ lớn trong năm 2015 và những năm tiếp theo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương.
3. Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội; hằng năm, kiện toàn Ban quản lý di tích, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, thành lập các Tiểu ban, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và giá trị lịch sử của lễ hội, đảm bảo tổ chức an toàn, trang trọng, hiệu quả, thiết thực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ di tích, di sản.
4. Các địa phương có lễ hội ảnh hưởng tín ngưỡng rộng như lễ hội Lam Kinh (Thọ Xuân), lễ hội Bà Triệu (Hậu Lộc), lễ hội đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn), Lễ hội đền Hàn Sơn (Hà Trung), Lễ hội cửa Đặt (Thường Xuân), Lễ hội Phủ Na (Như Thanh), Lễ hội Am Tiên (Triệu Sơn), Lễ hội đền Độc Cước (Sầm Sơn), Lễ hội Quang Trung, đền Lạch Bạng (Tĩnh Gia), lễ hội Chùa Giáng, chùa Báo Ân, Phủ Trịnh (Vĩnh Lộc), Lễ hội đền Đồng Cổ (Yên Định), chùa Tăng Phúc, chùa Thanh Hà, chùa Chanh, đền Lê (TP. Thanh Hóa) và các lễ hội diễn ra tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… phải xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, phương án tổ chức đảm bảo an toàn tuyệt đối, tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, bố trí trông giữ phương tiện giao thông cho khách, tránh ách tắc cục bộ làm cản trở lưu thông của du khách tham dự lễ hội, không gây ảnh hưởng làm sai lệch giá trị của di tích, danh thắng. Thực hiện quy hoạch tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí hợp lý; đảm bảo vệ sinh môi trường và chú trọng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, các sinh hoạt tín ngưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội hợp lý, lành mạnh; khắc phục tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật. Thực hiện nghiêm việc quản lý đốt hàng mã, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng, lưu thông tiền tệ trong lễ hội theo đúng quy định của phát luật; khắc phục tình trạng đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tùy tiện; quản lý và sử dụng nguồn tiền công đức công khai, minh bạch, phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội. Không lạm dụng truyền hình trực tiếp để huy động tài trợ cho việc tổ chức lễ hội.
5. Tăng cường các biện pháp giữ gìn, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông; khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cảnh quan môi trường tại các lễ hội. Thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội. Quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm túc những vi phạm trong lĩnh vực quản lý và tổ chức lễ hội; có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực như xóc thẻ, rút thẻ, bói toán, cúng thuê, cờ bạc trá hình, đốt đồ mã, đặt quá nhiều hòm công đức, đặt lễ, đặt tiền giọt dầu tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá dịch vụ, ép khách, chèo kéo khách, gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ, lệ phí, kéo dài thời gian và tổ chức lễ hội không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
6. Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn hóa lễ hội, không sử dụng phương tiện công và giờ hành chính đi tham dự lễ hội, không tham dự lễ hội với danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm: Sơ kết, tổng kết kịp thời việc thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 16/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội; thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội; theo dõi và kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị.
8. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này tại địa phương, đơn vị của mình; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội tại địa phương mình. Báo cáo UBND tỉnh qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau 10 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội.
9. Sở Thông tin truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống có trách nhiệm tuyên truyền kịp thời nội dung Chỉ thị này.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có liên quan phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này, đồng thời thông báo rộng rãi tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấp hành các quy định tại Chỉ thị này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.